Sáng 14-5, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp cơ quan thường trực tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề "TP.HCM sau 1 năm thực thi nghị quyết số 98 của Quốc hội".
Điều tiết ngân sách để xây dựng hạ tầng vùng Đông Nam Bộ
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình - viện trưởng Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP.HCM, đã đặt vấn đề liên kết vùng khi TP.HCM thực thi nghị quyết 98.
Ông Tình cho rằng nghị quyết 98 đặt ra vai trò nòng cốt của TP trong phát triển kinh tế và hạ tầng vùng.
Vùng Đông Nam Bộ hiện nay đã thành lập Hội đồng điều phối vùng do Thủ tướng Phạm Minh Chính là chủ tịch hội đồng. Ông cho rằng đây là cách hay để kịp thời triển khai các chính sách phát triển vùng.
Tuy nhiên Thủ tướng vẫn không thể trên luật nên khi triển khai các vấn đề, các bộ ngành trung ương vẫn phải làm theo luật. Do đó, mục tiêu dài hạn là phải điều chỉnh các luật về liên kết vùng.
Trong ngắn hạn, ông Tình cho rằng cần cho vùng Đông Nam Bộ thí điểm cơ chế liên kết vùng, đặc biệt là thể chế liên kết đó.
Trong đó, đề xuất Hội đồng điều phối vùng phải là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có tư cách pháp nhân, có dấu, có quyền điều tiết ngân sách để xây dựng hạ tầng vùng.
Ông cho rằng các địa phương trong vùng đóng góp tỉ lệ ngân sách cao về trung ương. Hiện nay các địa phương đều muốn giảm tỉ lệ nộp về để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.
"Tuy nhiên tôi cho rằng trong bối cảnh ngân sách hiện nay đòi hỏi giảm tỉ lệ trích về trung ương là rất khó. Nên chăng cần mạnh dạn đề xuất giữ lại một phần ngân sách đưa vào quỹ phát triển hạ tầng liên vùng. Và nếu Hội đồng điều phối vùng là cấp hành chính trung gian thì hoàn toàn có thể điều phối được nguồn quỹ này", ông Tình nói.
Ngoài ra với khối lượng công việc lớn của Thủ tướng, nên để bí thư Thành ủy TP.HCM làm trưởng ban điều phối hội đồng vùng này.
Cần có chiến lược phát triển tứ giác kinh tế
Cùng về vấn đề liên kết vùng, TS Nguyễn Thị Trâm và TS Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Học viện Chính trị khu vực II, đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc) để đề xuất giải pháp cho TP.HCM thực hiện liên kết vùng.
Các chuyên gia cho rằng nghị quyết 98 có đặt mục tiêu phát triển TPHCM nằm trong hoạch định vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, có đề cao vai trò của vùng tứ giác kinh tế TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Bình Dương - Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tuy nhiên hiện nay lại thiếu các chiến lược mang tính tổng thể của TP.HCM đặt trong vùng và cả nước.
Chỉ khi có các chiến lược nhất quán thì TP.HCM mới có khả năng triển khai các chính sách cải cách dài hơi, tránh tư duy "thí điểm". Các địa phương trong vùng cũng có điều kiện để kết nối với TP.HCM và các địa phương trong vùng khác.
Dẫn chứng như việc triển khai xây dựng cảng trung chuyến quốc tế Cần Giờ kết nối như thế nào với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Phước An (Đồng Nai), cảng quốc tế Long An... tạo thành hệ thống cảng để cạnh tranh trong khai thác logistics với các quốc gia trong khu vực...
5 hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết 98
Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, có 5 hạn chế trong quá trình thực thi nghị quyết 98.
Đó là dù có cơ chế chính sách đặc thù nhưng khi TP.HCM thực hiện vẫn theo quy trình cũ, xin ý kiến bộ ngành làm chậm trễ quá trình triển khai. Bên cạnh đó, hiện chưa có nhân sự chuyên trách về nghị quyết 98 tại các bộ ngành trung ương và TP.HCM.
Tốc độ xây dựng còn nhiều chậm trễ và hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa TP.HCM và các bộ ngành trung ương chưa rõ ràng, còn tình trạng chờ đợi. Và nghị quyết 98 cho phép sử dụng ngân sách TP.HCM để xây dựng hạ tầng có tính chất liên vùng… khá hay nhưng chưa đủ.
Từ thực tế đó, ông Tình cho rằng cần phân cấp, phân quyền cho TP.HCM phù hợp với cơ chế đặc thù, ít phụ thuộc vào bộ ngành trung ương.
Ông cũng đề xuất với những quy định hiện chưa có văn bản hướng dẫn thì cần trao cho TP cơ chế đặc biệt. Trong đó, TP phải được ủy quyền lập quy đồng bộ cả ba phương diện: thẩm quyền, chủ thể giải quyết, giải quyết vấn đề; tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình xét duyệt.
Với những vấn đề vẫn còn vướng mắc trong việc hiểu và thi hành thì cho phép TP xây dựng chính sách tạm thời, phù hợp với địa phương. Nghĩa là vấn đề đó nếu còn vướng thì TP có quyền xây dựng cơ chế giải quyết nhiệm vụ trước mắt trong thời gian chờ hướng dẫn của trung ương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận