04/04/2013 22:19 GMT+7

Vua lặn Lý Sơn

TRÀ GIANG
TRÀ GIANG

TT - Hơn 50 năm, ông như con cá kình vẫy vùng ngang dọc các vùng biển từ Nam ra Bắc, từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Bấm đốt ngón tay ông nhẩm tính: “Cộng tất cả những lần lặn lại, có thể tui đã lặn xuyên đại dương rồi”.

Ze1bFD8h.jpgPhóng to
Ông Bùi Thượng bên cúp vàng lặn sâu năm 1963 - Ảnh: TRÀ GIANG

Nghĩ ông tính vậy cho vui, nhưng khi biết trung bình mỗi năm ông đi sáu chuyến biển, mỗi chuyến 30 ngày, ngày nào ông cũng lặn sáu lượt lên xuống, mỗi lần sâu 50-75m... thì mới nghiêng mình kính nể. Ông là Bùi Thượng, thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Quán quân lặn sâu

Không khó để tìm gặp vua lặn một thời của đất đảo Lý Sơn dù căn nhà cấp 4 nằm lọt trong com hẻm nhỏ của thôn Tây, xã An Hải. Vào tới cổng, bắt gặp ông đang giăng lưới ra phơi. Nước da đỏ hồng, tóc bạc, thân hình vạm vỡ, trông ông vẫn rất tráng kiện, duy chỉ có đôi mắt hơi khác thường, đục và phần trắng nhiều hơn đen, mỗi khi nói chuyện ông cứ như trợn trừng lên khiến người đối diện có cảm giác e sợ. Hỏi ra mới biết là do những chuyến lặn biển sâu luôn phải căng mắt theo dõi mọi động tĩnh của tôm cá, chịu áp lực lớn nên mắt mới như thế.

Nhấp chén rượu, lão ngư Bùi Thượng chậm rãi nhớ lại: “Tháng 8-1963, một ngày nắng gió nhẹ, đảo Lý Sơn cờ xí, băngrôn, biểu ngữ phấp phới bay. Từng đoàn thuyền từ khắp nơi nườm nượp kéo nhau về neo đậu, ngư dân trên bờ, dưới biển đông đảo, nhộn nhịp khiến hòn đảo giữa đại dương ấy như chật chội hơn. Đó là ngày đặc phái viên của tổng thống VNCH, bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn, dẫn đầu đoàn công tác ra đảo Lý Sơn tổ chức cuộc thi lặn sâu, tuyển chọn những thợ lặn giỏi nhất.

Chừng 60 thí sinh háo hức chờ được thi thố tài năng. Đảo Lý Sơn có 30 người ở xã Lý Vĩnh và ba người xã Lý Hải (bây giờ là An Vĩnh và An Hải) được tuyển chọn tham gia. Nhìn thấy các thí sinh ai cũng vạm vỡ, nước da đen giòn, mặt ngầu dữ tợn cũng hơi chột dạ. Nhưng nghĩ mình được sinh ra trên đất đảo, con cháu hậu duệ hùng binh, nứt mũi đã ngửi mùi sóng gió biển khơi, biển như “ao nhà” nên tự tin lắm. Thi gồm ba phần: lặn tự do, sải tay, đạp chân xem ai xuống sâu nhất; lặn đem theo đá nặng 9kg và lặn xem ai nín thở được lâu hơn. Trong ba nội dung ấy, ông đứng nhì ở khả năng nín thở, sau ngư dân Lê Luân ở cùng xã. Ông Luân nín thở được chừng 25 phút, trong khi ông chỉ hơn 20 phút đã không chịu nổi, màng nhĩ tai căng ra như chực vỡ, ngoi vội vàng lên mặt nước để lấy hơi.

Chính lặn sâu đã đem cúp vàng về cho ông. Sợi dây dài 100m, được đánh dấu ký hiệu centimet buộc bảng tên bằng kẽm. Lần lượt thợ lặn các nơi bị loại dần, còn lại bốn người, trong đó ba người ở Lý Hải vẫn trụ tốt và một người ở Lý Vĩnh. “Tui chắc mẩm mình sẽ vượt qua rồi, nhưng còn Lê Luân, tay này lặn khá nên phải dè chừng. Đúng như dự đoán, Lê Luân nhảy xuống biển. 40m đến 50m, rồi 55m đến 60m, sợi dây vẫn chưa dừng lại, tui bắt đầu thấy... nóng trong người. Đến số 64 thì sợi dây bắt đầu chậm lại, nhích từng chút một, dừng hẳn ở số 65m. Bụng bảo dạ có thể thắng rồi, nhưng cũng lo lắng bội phần”.

Trên bờ, tiếng hò reo, pháo tay nổ ran ca ngợi Lê Luân không ngớt. Đến phiên ông. “Tui nghĩ thầm nội dung thi nín thở lâu, Lê Luân đã thắng mình, nếu lần này mình thua nữa xem như trắng tay”. Dây được quấn quanh người, ôm theo cục đá, ông Bùi Thượng nhảy ùm xuống biển với mục tiêu là vượt ngưỡng 65m. Tai ù, tảng đá nặng là thế nhưng lúc đó đá như không trọng lượng, không thể kéo thân hình ông chìm sâu được nữa. “Vậy nhưng ánh vàng lấp lánh của chiếc cúp cứ ẩn hiện trong đầu. Vậy là tui lấy hết sức bình sinh, hai tay sải rộng, chân quẫy đạp mạnh...”. Cơ thể ông được đưa sâu xuống thêm gần 2m nữa so với mức 65m của Lê Luân... Kể đến đây ông cười mãn nguyện, mắt mơ màng nhớ về ngày tháng huy hoàng đó!

iidOskPx.jpgPhóng to
Xuống thuyền, chuẩn bị cho chuyến đi lặn biển - Ảnh: T.GIANG

Truyền lại kinh nghiệm

Ngồi phía sau nghe ông kể về những chiến tích oai hùng một thời, vợ ông - bà Nguyễn Thị Thành - cứ dỏng tai lên, miệng nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại ngước nhìn ông đầy thán phục. Chúng tôi nói cạnh khía bà: “Ngày trước có phải bà lấy ông là do ông là nhà vô địch?”. Bà cười móm mém thật thà: “Tui quen ổng trước rồi, động viên ổng mãi mới đi thi đấy. Vì ổng sợ nếu có vô địch, ổng đi làm ăn xa thì hai người sẽ xa nhau”. Rồi bà Thành cười thật vui, nói đầy hàm ý: “Ổng thì vô địch nhiều cái lắm...”, rồi cười e thẹn như còn đôi mươi. Ông quay lại nhìn bà với ánh mắt “trợn trừng”!

Để tham gia cuộc thi lặn quốc gia đó, Bùi Thượng cùng bốn ngư dân của Lý Sơn đã được đưa vào đất liền cả tháng để học lặn. Chính giáo trình khắt khe mà bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn soạn thảo, hướng dẫn đã giúp ích trong mấy chục năm ông ngang dọc các vùng biển lặn bắt sản vật sau này. Khóa học thì dài dòng lắm, nhưng những thông số kỹ thuật khi lặn thì nằm lòng trong đầu ông. Những ngày lênh đênh trên biển sau đó, các bạn tàu đi cùng ông suốt chặng đường ấy không ai bị tai nạn biển. Kinh nghiệm đó cũng được ông truyền đạt lại cho các thế hệ thợ lặn của Lý Sơn, dù ở đất liền hay những đêm thâu trên tàu ngoài biển, lúc tụ tập lại hàn huyên, trò chuyện khi biển động không đi lặn được. Ông luôn nhắc đi nhắc lại với các bạn tàu rằng: nếu lặn ở độ sâu 50-70m thì khi lên nên chia làm ba chặng lặn và giảm áp ba lần. Tùy vào mức độ lặn sâu, lần thứ nhất khi nổi lên được một phần ba quãng đường, nghỉ 10 phút; sau đó nổi tiếp hai phần ba quãng đường, nghỉ 20 phút và khi nổi lên gần mặt nước nhìn thấy ánh nắng mặt trời thì nghỉ 30 phút nữa. Bởi khi lặn sâu, các lỗ chân lông bị lực ép của nước hở rộng ra, nếu không tuân theo quy trình nghiêm ngặt đó thì sẽ bị đột quỵ, tai biến, bại liệt, thậm chí tử vong.

Nhờ ông hướng dẫn các kỹ thuật lặn mà các thợ lặn ở Lý Sơn đã có những bài học thực tế hiệu quả. Ngư dân Lê Văn Hiền, người cũng gần 20 năm mưu sinh dưới đáy biển, cho biết lần đầu đi bạn cho tàu ông Bùi Thượng, được ông hướng dẫn nên bây giờ dù đi tàu riêng vẫn yên tâm mỗi lần ngậm ống hơi nhảy xuống biển. Còn anh Nguyễn Nam cười vui bảo rằng ở đất đảo này ai cũng biết quán quân Bùi Thượng, với ngư dân ít nhất cũng đã có một lần lặn theo hướng dẫn kỹ thuật của ông. Vậy nên mỗi năm số ngư dân bị tai nạn biển trong quá trình lặn ngày càng ít.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải Nguyễn Quốc Chinh tâm đắc: “Ông Bùi Thượng có kỹ năng lặn rất tốt. Mỗi lần họp các xã viên, nghiệp đoàn đều mời ông Thượng đến trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn phương pháp lặn để các ngư dân trẻ tự tin bám biển dài ngày ở các ngư trường, tăng sản lượng và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Những bài học xương máu đó của ông rồi sẽ còn theo các ngư dân ngang dọc dưới đáy biển để bảo vệ sinh mạng họ.

_______________

Kỳ tới: Nỗi đau nghề lặn

TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên