06/03/2024 13:11 GMT+7

Vụ Vạn Thịnh Phát: Nâng khống tài sản đảm bảo hàng chục lần để rút ruột ngân hàng

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, để rút tiền từ SCB, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng câu kết với các đối tượng tại các công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của bà Lan.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 6-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 6-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng nay, 6-3, ngày thứ 2 xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát, viện kiểm sát tiếp tục công bố cáo trạng liên quan đến các hành vi sai phạm của các bị cáo. 

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo đã khắc phục hơn 1.580 tỉ đồng, 8,6 triệu USD

Một trong những nội dung sai phạm trong vụ án này đó là các công ty thẩm định giá đã cấu kết với các bị cáo để nâng khống các giá trị tài sản bảo đảm, nhằm giúp bị cáo Trương Mỹ Lan rút ruột ngân hàng.

Đọc toàn bộ hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát TẠI ĐÂY

Rút tài sản có giá trị cao ra, thay bằng tài sản bị nâng 'khống' 

Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng SCB chỉ đạo cấp dưới trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá, thông đồng, nâng giá tài sản lên nhiều lần, ghi ngày, tháng phát hành các chứng thư theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để hợp thức thủ tục vay vốn.

Kết quả điều tra xác định SCB thuê 19 công ty thẩm định giá/46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan.

Đến nay, đã xác định có 5 công ty thẩm định giá (Công ty Tầm nhìn mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty Exim, Công ty DATC), 7 cá nhân là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, cá nhân môi giới phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách Ngân hàng SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỉ đồng, nhưng Công ty thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 726/1.166 mã tài sản. Còn lại 440/1.166 mã tài sản, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…

Khi cần rút các tài sản có pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho các mục đích khác, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi Ngân hàng SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.

Để dễ dàng hoán đổi tài sản bảo đảm, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại SCB không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định, hoặc biến tướng thành "quyền tài sản" để tránh việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong số 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan có 240 tài sản bảo đảm giá có tổng trị giá trên sổ sách là 487.451 tỉ đồng, bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, giá trị trên sổ sách là 351.948 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng trị giá 108.109 tỉ đồng.

Nâng khống 10 lần giá trị tài sản

Bên cạnh nhóm bị cáo thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, lãnh đạo SCB, có 7 bị cáo thuộc các công ty thẩm định giá cũng bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Quá trình thực hiện các khoản vay, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng chỉ đạo Lê Anh Phương; Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo Bùi Ngọc Sơn và Lê Văn Chánh, phối hợp với Nguyễn Phương Anh, sau đó trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.

Các công ty thẩm định giá và các cá nhân môi giới, trung gian biết rõ mục đích của việc phát hành chứng thư được sử dụng để vay vốn, nhưng quá trình thực hiện đã không tuân thủ quy định của pháp luật.

Dự án bất động sản như khu công viên Mũi Đèn Đỏ tại quận 7, được công ty thẩm định giá nâng khống giá trị - Ảnh: Q.ĐỊNH

Dự án bất động sản như khu công viên Mũi Đèn Đỏ tại quận 7, được công ty thẩm định giá nâng khống giá trị - Ảnh: Q.ĐỊNH

Các công ty thẩm định giá này cũng không tiến hành thẩm định giá, mà chỉ ký phát hành chứng thư theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.

Đồng thời công ty thẩm định cũng không tuân thủ đúng các quy trình, quy định về định giá; các tài sản chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn thẩm định giá theo yêu cầu của SCB…

Hàng loạt hành vi này đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 127.040 tỉ đồng.

Cụ thể, do có mối quan hệ quen biết từ trước nên Trần Văn Nhị (phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC) được Trần Thị Mỹ Dung (phó tổng giám đốc SCB) nhờ tìm kiếm các công ty thẩm định giá để thẩm định giá tài sản đảm bảo cho Ngân hàng SCB.

Năm 2020, Dung yêu cầu Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân (tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú) để phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống nhiều lần giá trị tài sản của các tài sản là dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM và dự án 100 Hùng Vương, phường 9, quận 5, TP.HCM.

Theo đó, công ty này xác định dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở có trị giá 151.505 tỉ đồng, còn dự án 100 Hùng Vương có trị giá 4.427 tỉ đồng.

Từ đó, SCB sử dụng 2 chứng thư trên để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 105.656 tỉ đồng, tổng dư nợ các khoản vay này tính đến ngày 17-10-2022 là 127.384 tỉ đồng.

Trong khi đó, kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân đối với 2 tài sản trên là 17.320 tỉ đồng.

Tương tự, nhiều tài sản khác của nhóm Vạn Thịnh Phát cũng được nâng khống giá trị để đưa vào làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của SCB.

Ngày thứ 2 xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Tiếp tục công bố 117/160 trang cáo trạngNgày thứ 2 xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Tiếp tục công bố 117/160 trang cáo trạng

Hôm nay 6-3, ngày thứ 2 phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục phần công bố cáo trạng. Theo đó, đại diện viện kiểm sát sẽ đọc phần còn lại gồm 117/160 trang của bản cáo trạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên