15/03/2024 16:40 GMT+7

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan nói gì về việc hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu?

Cơ quan điều tra đã kê biên 8 bất động sản tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh.

Bà Trương Mỹ Lan (thứ hai từ trái qua) và các bị cáo tại tòa ngày 15-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan (thứ hai từ trái qua) và các bị cáo tại tòa ngày 15-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Ngày 15-3, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.

Dự kiến, đại diện viện kiểm sát sẽ luận tội đối với các bị cáo vào ngày 19-3.

Đại diện Ngân hàng SCB từ chối nhiều câu hỏi từ luật sư của bà Trương Mỹ Lan

Trước đó, đại diện ủy quyền của Ngân hàng SCB từ chối nhiều câu hỏi của luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan.

Các câu hỏi của luật sư đề cập đến các nội dung liên quan đến kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân; thông tin 5 pháp nhân nước ngoài góp vốn cũng như việc xác định thiệt hại cao hơn kết quả điều tra.

Theo đại diện SCB, quan điểm của ngân hàng là phải thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước.

Trả lời hội đồng xét xử ngày 14-3, đại diện SCB không đồng ý với tổng số tiền thiệt hại là 498.000 tỉ đồng như cáo trạng nêu mà cho rằng tổng số tiền thiệt hại mà SCB phải chịu do những hành vi vi phạm của các bị cáo là 677.000 tỉ đồng (tạm tính tại thời điểm ngày 17-10-2022) và số liệu tạm tính đến ngày 5-3-2024 là 760.000 tỉ đồng (trong đó gốc là 482.000 tỉ đồng, lãi/phí là 278.000 tỉ đồng).

Ngân hàng SCB cũng yêu cầu bổ sung khoản tiền lãi, phí phát sinh tính từ ngày 18-10-2022 cho đến khi khắc phục được toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng SCB.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân cho biết thực hiện thẩm định giá theo hợp đồng đã ký ngày 3-1-2023 với Ngân hàng SCB nhằm đánh giá thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB.

Công ty Hoàng Quân thực hiện định giá tài sản Ngân hàng SCB tại thời điểm ngày 30-9-2022.

Về lý do không định giá được 440/1.166 mã tài sản đảm bảo khoản vay thuộc trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan, đại diện Công ty Hoàng Quân cho rằng các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.

Đối với đại diện Ngân hàng Nhà nước, luật sư hỏi khi chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém thì thực trạng tài chính của 3 ngân hàng này như thế nào, đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời cả 3 ngân hàng đều yếu kém, cần thiết tái cơ cấu.

"Trong đề án tái cơ cấu, hợp nhất 3 ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có biết đến sự hiện diện của bà Trương Mỹ Lan không?", luật sư hỏi thì đại diện Ngân hàng Nhà nước đáp:

"Ngân hàng Nhà nước không có thông tin về việc vận động bà Lan sở hữu 65%, mà chỉ nhận diện nhóm cổ đông có 65% và bà Lan là người đại diện".

"Nếu không nắm thông tin về bà Trương Mỹ Lan, vì sao Ngân hàng Nhà nước mời bà Lan tham gia cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức?", luật sư tiếp tục hỏi.

Về việc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích là có mời bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB họp trong tháng 7-2021 và đầu 2022 trên cơ sở tâm thư bà Trương Mỹ Lan gửi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Nội dung tâm thư Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát và cung cấp nếu cần thiết.

Đổ trách nhiệm cho cấp dưới về giao dịch với Tập đoàn Tuần Châu

Theo hồ sơ, cơ quan điều tra đã kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh.

Liên quan việc này, bà Trương Mỹ Lan cho rằng bà Phạm Thị Lan Phương là người phụ trách dự án làm việc với công ty Tuần Châu.

Theo bà Lan, tiền được đưa cho ông Tuyển Tuần Châu (ông Đào Hồng Tuyển) trong suốt nhiều năm mà không có giấy tờ gì.

"Chị Phương đang bị phù não đi Úc nên tài liệu cũng không bàn giao lại, những vấn đề liên quan tôi cũng không nhớ rõ chi tiết. Công ty Tuần Châu cho SCB mượn tài sản, cụ thể thế nào bị cáo không rõ, bị cáo chỉ biết SCB đang cơ cấu liên tục, luôn thiếu tài sản, còn việc cơ cấu thế nào thì không rõ, việc này có thể Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) biết".

Về lời khai của bà Lan, bị cáo Trương Khánh Hoàng cho biết việc hợp tác giữa Công ty Âu Lạc Quảng Ninh với bà Trương Mỹ Lan xảy ra trước khi bị cáo vào làm việc tại SCB và bị cáo cũng không tham gia vào giao dịch này.

Còn bị cáo Dung thì khai mình chỉ là người đi làm thuê tại SCB nên không tự ý đi mượn tài sản của ai để đảm bảo khoản vay cho người khác, mọi việc đều theo lệnh bà Trương Mỹ Lan.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Ngân hàng SCB nói bị thiệt hại 764.000 tỉ đồngVụ Vạn Thịnh Phát: Ngân hàng SCB nói bị thiệt hại 764.000 tỉ đồng

Đại diện ủy quyền của SCB cho rằng cáo trạng xác định tổng thiệt hại của vụ án Vạn Thịnh Phát là hơn 498.000 tỉ, tuy nhiên SCB không đồng ý với con số này, mà khẳng định bị thiệt hại đến 764.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên