19/02/2023 08:10 GMT+7

Vụ Nord Stream - 'quả bom nổ chậm' với Mỹ

Trong bài viết đăng trên blog cá nhân Substack, nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer, ông Seymour Hersh, khẳng định Mỹ đã có ý định phá hoại Nord Stream từ cuối năm 2021, vài tháng trước khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Nhà báo Seymour Hersh - Ảnh: REUTERS

Nhà báo Seymour Hersh - Ảnh: REUTERS

Dẫn "một nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về kế hoạch hoạt động này", ông Hersh nói Mỹ và Na Uy đã hành động dưới vỏ bọc là cuộc tập trận BALTOPS 22 vào tháng 6-2022 của NATO. Hai nước bí mật phối hợp đặt thuốc nổ phá hoại 3 trong số 4 đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. 

Ba tháng sau, tháng 9-2022, tức đúng thời điểm thông tin vụ rò rỉ đường ống được công bố, là lúc Mỹ cho nổ bằng thiết bị kích hoạt từ xa.

Vụ Nord Stream là "cú đâm sau lưng" đồng minh?

Nếu đó là sự thật, nó sẽ là một "quả bom" thực sự ném vào chính trường thế giới.

Nord Stream 1 là tuyến cung cấp khí đốt giá rẻ từ Nga sang Đức và phần lớn Tây Âu trong hơn 10 năm qua, nó đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu. 

Kẻ phá hoại đường ống này không chỉ đắc tội với Nga, mà còn phá hoại tài sản của Đức, Hà Lan và Pháp - những nước có cổ phần tại Nord Stream. Nếu thủ phạm là Mỹ và Na Uy, đây còn được xem là cú "đâm sau lưng" đồng minh.

Sẽ không ai quan tâm nếu người tung tin này là một nhà báo bình thường. Nhưng tác giả của nó lại là ông Hersh, người có vị trí đặc biệt trong lịch sử báo chí điều tra hiện đại.

Năm 1969, ông có loạt bài điều tra chấn động về vụ lính Mỹ thảm sát 504 thường dân vô tội ngày 16-3-1968 tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. 

Loạt bài này cũng là nền tảng cho cuốn sách "My Lai 4" không chỉ mang lại giải thưởng Pulitzer danh giá cho ông năm 1970, mà còn góp phần quan trọng cho việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ngoài ra, ông cũng được cho là người có những bản tin ban đầu hé lộ vụ bê bối Watergate liên quan chính quyền tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 khi ông đang làm việc cho báo New York Times.

Ngay trong ngày 8-2 Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin của ông Hersh, khẳng định nó "vô cùng sai lệch và hoàn toàn hư cấu". Nhưng đó là tất cả những gì chính quyền Mỹ đưa ra cho đến nay, tức hơn 10 ngày trôi qua.

Báo chí Mỹ cũng bị tố đã cố ý ngó lơ thông tin "bom tấn" này. Không một câu hỏi nào về ông Hersh và Nord Stream 2 được đưa ra trong các cuộc họp báo liên quan. 

Một thống kê cho thấy báo chí dòng chính tại Mỹ không đề cập tới bài viết của ông Hersh, ngoại trừ bản tin 166 của Bloomberg, một phiên 5 phút trên chương trình "Tucker Carlson Tonight" của đài Fox News, 600 chữ trên báo New York Post, và một bài viết trên Business Insider gọi ông Hersh là "nhà báo tai tiếng" và "đã tặng một món quà cho Putin". 

Các báo/đài như New York Times, Washington Post, ABC News, CBS News, CNBC, CNN, Forbes, Wall Street Journal, NPR… đều không đăng tin.

Ông Edward Snowden - nhân vật nổi tiếng sau khi tố tình báo Mỹ do thám khắp thế giới, cho rằng Mỹ đã cố đánh lạc hướng dư luận về vụ Nord Stream bằng việc đẩy câu chuyện "các vật thể lạ" gần đây lên mặt báo.

Đủ logic, thiếu bằng chứng

Trong khi truyền thông chính thống Mỹ im lặng, sự chỉ trích nhắm vào ông Hersh xuất hiện trên một số website kiểm chứng thông tin. 

Trang Snopes có bài phân tích bài viết của ông, trong đó nêu ra điểm yếu nhất của nó: nguồn tin.

Chưa rõ có bao nhiêu nguồn tin trong bài của ông Hersh, nhưng Snopes cho rằng nhiều khả năng chỉ có một với lý do ông Hersh dùng mạo từ "the" cho các nguồn tin ẩn danh của mình. Nhà báo kỳ cựu này tới nay cũng không thể công khai nguồn tin.

Về mặt nghiệp vụ, đây có thể là chủ đề gây tranh cãi và không có đáp án. Báo chí Mỹ thường rất hạn chế dùng nguồn tin ẩn danh. 

Tuy nhiên ý kiến ủng hộ ông Hersh lại cho rằng trong các trường hợp nhạy cảm như vụ này, ông có lý do để bảo vệ nguồn tin. Không ai dám đánh cược với hàng chục năm tù.

Nói cách khác, nếu xét về lập luận, bài viết của ông Hersh được viết ở đẳng cấp cao. Hàng loạt chi tiết được xâu chuỗi một cách kín kẽ, chứa đựng các thông tin có thật lẫn những kiến thức chưa bị bác bỏ về cách thức hoạt động của chính quyền.

Không có gì ngạc nhiên nếu Mỹ là bên hưởng lợi khi Nord Stream bị phá hoại. Quan chức Mỹ hay thậm chí Tổng thống Joe Biden cũng từng có những tuyên bố phản đối Nord Stream do lo ngại Nga sẽ có tầm ảnh hưởng với châu Âu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng đề cập việc tăng cường phối hợp trong lĩnh vực năng lượng giữa các đồng minh. 

Cần nhớ ông Stoltenberg là cựu thủ tướng Na Uy. Na Uy đã xuất khẩu khí đốt kỷ lục trong năm 2022. Nhưng tất cả vẫn chưa thể là bằng chứng cáo buộc Mỹ hay Na Uy tính tới nay.

Nga và Trung Quốc gây sức ép

Ngày 16-2, Đại sứ quán Nga tại Washington cho rằng Mỹ phải có trách nhiệm chứng minh nước này không đứng sau vụ phá hoại Nord Stream.

Một ngày sau, Matxcơva cũng trình dự thảo nghị quyết lên Liên Hiệp Quốc, đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công Nord Stream.

Trong khi đó Trung Quốc, nước đang bị Mỹ tố cáo dùng khinh khí cầu do thám, cũng dùng bài viết của ông Hersh để chất vấn Washington.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói: "Vì sao Mỹ lên tiếng về cuộc điều tra và truy cứu trách nhiệm ngay sau vụ nổ Nord Stream, nhưng sau đó im lặng một cách bất thường trước bài điều tra do một nhà báo Mỹ viết?".

Vụ nổ đường ống Nord Stream: Do Mỹ và Na Uy cùng làm?Vụ nổ đường ống Nord Stream: Do Mỹ và Na Uy cùng làm?

Không có một dòng nào trên báo đài Mỹ dù đã 10 ngày từ khi nhà báo Seymour Hersh công bố điều tra cho thấy Mỹ và Na Uy đã phối hợp cho nổ đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức hồi tháng 9 năm ngoái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nord stream na uy Mỹ