24/12/2022 13:00 GMT+7

‘Vụ án AIC là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp với quan chức’

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Trong phần luận tội, cơ quan công tố đánh giá vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC “là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích”.

‘Vụ án AIC là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp với quan chức’ - Ảnh 1.

Đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Sau ba ngày xét hỏi, sáng 24-12, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC đã kết thúc phần xét hỏi chuyển sang tranh tụng. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa bắt đầu phần nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án.

Đại diện tỉnh đề nghị bà Nhàn cũng phải bồi thường

Mở đầu phiên xử ngày thứ tư, hội đồng xét xử hỏi ý kiến đại điện UBND tỉnh Đồng Nai về vấn đề bồi thường dân sự trong vụ án.

Trong quá trình xét hỏi, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Công ty AIC và các cá nhân gây thiệt hại bồi thường 152 tỉ đồng. Số tiền này được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định là thiệt hại trong vụ án.

Có mặt tại tòa, đại diện Công ty AIC đưa ra ý kiến chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án là 152 tỉ và xin giảm nhẹ cho các bị cáo. Cơ quan điều tra hiện đang phong tỏa bốn tài khoản của AIC gửi tại ngân hàng với số tiền hơn 107 tỉ và "chúng tôi chấp nhận sự phong tỏa này để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho chủ đầu tư".

‘Vụ án AIC là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp với quan chức’ - Ảnh 2.

Cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Tuy nhiên, trong phần nêu ý kiến, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị ngoài Công ty AIC, tòa xác định thêm bị đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn để đảm bảo bồi thường dân sự.

Đại diện tỉnh cho rằng qua cáo trạng và diễn biến phiên tòa cho thấy bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là bị cáo đầu vụ, có trách nhiệm rất lớn liên quan vụ việc xảy ra nên phải có trách nhiệm bồi thường. Số tiền Công ty AIC đang bị phong tỏa 107 tỉ chưa đủ số tiền thiệt hại của vụ án nên cần xác định trách nhiệm dân sự của bà Nhàn để đảm bảo bồi thường.

"Vụ án là minh họa điển hình lợi ích nhóm"

Mở đầu phần luận tội, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố nêu quan điểm đánh giá toàn diện vụ án.

Viện kiểm sát nêu rõ, trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến mạnh mẽ. Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện triệt để, không có vùng cấm, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Những kết quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng đã củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

"Nhiều vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng phức tạp bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý về hình sự, trong đó có nhiều người phạm tội có chức vụ cao.

Trong số đó, có nhiều vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện đã chứng minh sự cấu kết, thông đồng của các đối tượng, thể hiện lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích", viện kiểm sát đánh giá.

‘Vụ án AIC là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp với quan chức’ - Ảnh 3.

Cựu chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Cơ quan công tố cho rằng vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC "là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích".

"Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền vì lợi ích vật chất, đã thực hiện trái quy định pháp luật. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỉ đồng", đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm.

Theo bản luận tội, hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo trong vụ án còn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và các cá nhân là lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai, làm một bộ phận cán bộ công chức bị thoái hóa, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Theo viện kiểm sát, hành vi phạm tội của bị cáo đã được chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa.

Quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, từ năm 2010-2015, cựu bí thư Trần Đình Thành đã sáu lần nhận tổng số tiền 14,5 tỉ đồng do Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp đưa tại trụ sở Công ty AIC và tại Đồng Nai.

Để bôi trơn dự án, bà Nhàn cùng cấp dưới còn 14 lần đưa chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Sở Y tế) 6 lần, tổng cộng 14,8 tỉ đồng.

Giá thiết bị trong các gói thầu do Công ty AIC cung cấp cho dự án đã bị nâng khống 1,3-2 lần, qua đó bị cáo Nhàn thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ.

Chiều nay, viện kiểm sát sẽ tiếp tục đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai và các bị cáo.

Công ty AIC đồng ý bồi thường toàn bộ thiệt hại 152 tỉ trong vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Công ty AIC đồng ý bồi thường toàn bộ thiệt hại 152 tỉ trong vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Cuối buổi thẩm vấn chiều 23-12, khi được tòa hỏi, đại diện Công ty AIC đưa ra ý kiến chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án là 152 tỉ và xin giảm nhẹ cho các bị cáo.


THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên