Dịch qua đi, nợ lãi ập về
Đơn hàng đầu tiên sau dịch COVID-19 trị giá 1,2 triệu đồng, chỉ bằng 1/10 đơn hàng hằng ngày trước khi có dịch.
Gia Linh chia sẻ: "Khi khởi nghiệp, chúng em mượn nhà bố mẹ thế chấp mới có vốn làm ăn, giờ khởi nghiệp lại từ con số 0. Không vốn, không nguồn vay, lại còn phải gánh cả mớ tiền gốc, lãi hằng tháng".
Căn nhà kho cũ mới được sửa sang qua quít để làm xưởng may. Hơn chục chiếc vòi phun sương chẳng làm dịu đi cái nóng như rang của mái tôn mỏng giữa tháng 6. Cô chủ và bốn thợ may ướt đầm mồ hôi.
Gia Linh - chủ xưởng mới - chuyển về đây được hơn hai tháng. Linh chuyên may đồ sân khấu, áo dài, đạo cụ cung cấp cho các cửa hàng cho thuê và nhiều công ty tổ chức sự kiện trong cả nước.
Đơn hàng khá lớn và ổn định, ngoài xưởng may hơn 30 công nhân ở Tuyên Quang, cô còn thuê nhiều xưởng may gia công khác ở Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc... gia công sản phẩm cho mình.
Dịch bệnh khiến ngành hàng trang phục biểu diễn chịu cú sốc lớn. Không tập trung đông người, không lễ hội, biểu diễn văn hóa... đồng nghĩa với việc các cửa hàng cho thuê đóng cửa sớm nhất vì không có khách. Linh buộc phải cho công nhân nghỉ việc, đóng cửa xưởng vì không có đơn hàng.
"Mùa lễ hội sau tết chúng em phải bán lượng hàng cho cả năm. Các tháng khác trong năm hàng không chạy. Vì thế trước tết hai tháng, chúng em đã phải dồn hết những gì mình có để mua nguyên liệu, phụ liệu, thuê nhân công để sản xuất. Nhưng cả kho hàng bây giờ vẫn chất đống, không bán được vì qua thời điểm" - Linh thở dài.
Đã vậy, trước tết món vay gần 1 tỉ đồng đầu tư kinh doanh ban đầu của cô bị ngân hàng đánh giá lại, chuyển sang gói vay trung hạn. Hằng tháng cô vừa phải trả gốc, vừa phải trả lãi số tiền gần 20 triệu đồng. Gần chục hợp đồng khác với đối tác phải hủy, chịu phạt hợp đồng... thiệt đơn thiệt kép.
Đồng lương còm cõi của chồng cô không đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình. Gần nửa năm trời, công ty không có đơn hàng. Tiền gốc, lãi ngân hàng, tiền thuê kho, xưởng, tiền thuê nhà... khiến các khoản vay bạn bè để "giật gấu vá vai" cứ thế tăng lên.
Món vay sắp "nhảy" lên nhóm 2, ngân hàng gửi giấy về nhà thông báo sẽ kê biên tài sản. Năm trước cô mượn sổ đỏ của bố mẹ cô thế chấp để có tiền đầu tư máy móc, nhà xưởng, nguyên liệu và đào tạo công nhân.
Nhận được giấy thông báo của ngân hàng, cả nhà Linh mất ngủ. Bố mẹ cô nghỉ hưu đã lâu, lại phải nuôi một ông anh thiểu năng trí tuệ, một cậu em học đại học. Hết chỗ bấu víu, vợ chồng Linh mang sổ đỏ miếng đất nhỏ cuối cùng cha mẹ cho thừa kế để đi "cắm" được 100 triệu đồng.
Một phần trả gốc, lãi ngân hàng, phần còn lại nhập nguyên liệu, sửa cái kho cũ, bảo dưỡng máy móc để sản xuất. Như vậy ngoài tiền gốc, lãi của ngân hàng, giờ đây vợ chồng Gia Linh phải gánh thêm khoản lãi mỗi tháng 6 triệu đồng.
Linh làm đơn xin ngân hàng hỗ trợ, giãn nợ vì công ty của cô bị ảnh hưởng quá lớn vì dịch COVID-19. Phía ngân hàng thông báo cô không thuộc đối tượng. Món vay trung hạn mà trước đó ngân hàng "ưu tiên" cho Linh không nằm trong các khoản vay được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.
Còn đề nghị giãn nợ cũng bị từ chối vì ngân hàng chỉ giải quyết cho khách hàng không nợ xấu, không nợ quá hạn. Vợ chồng Linh lâm bế tắc, đành quay cuồng tìm vốn bên ngoài. Họ phải chấp nhận món nợ mới lãi suất cao để trang trải cuộc sống và trả các món nợ trước...
Xưởng may của Gia Linh tạm bợ trong nhà kho cũ và đang đói vốn - Ảnh: THANH TUẤN
Phải vay nợ nóng giữ nghề
"Anh buông rồi!" - Đỗ Văn Thanh, ở Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) cay đắng khi được hỏi về nghề. Thanh có một cơ sở sản xuất phụ kiện may mặc và đồ thủ công mỹ nghệ khá lớn ngay mặt quốc lộ 1A cũ. Từ khi có dịch anh không có đơn hàng. Nay làng nghề rục rịch kinh doanh trở lại, mối hàng của anh thỏa thuận giảm giá, còn thợ muốn tăng tiền công và được ứng trước lương.
Thợ làng nghề chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn, họ cũng khốn khó khi dịch COVID-19 ập đến. Thanh thông cảm nhưng anh đói vốn. Năm ngoái anh vay tiền để sửa cửa hàng, mở rộng xưởng, mua thêm máy móc.
Dịch về, vợ chồng anh quay cuồng trả gốc, lãi. Bao nhiêu vốn liếng đã cạn kiệt, anh không đủ điều kiện để tiếp tục vay ngân hàng, cũng không thể vay anh em, bạn bè. Thanh ở nhà nấu cơm, đưa đón con đi học cho vợ đi làm. Cả nhà tằn tiện bám vào đồng lương của vợ Thanh.
"Ở làng nghề này đến xe ôm còn mất việc, xưởng to, xưởng nhỏ muốn làm lại không được vì thiếu vốn. Sổ đỏ anh thế chấp rồi, chú có mối nào giới thiệu cho anh, lãi cao cũng được, miễn là anh có vài chục triệu đồng để lấy vốn làm ăn" - Thanh nói...
Trong khi đó, căn nhà mặt tiền ngay thị xã Ba Vì, Hà Nội khét mùi vải lẫn với sơn màu. Cô chủ Nguyễn Thị Hậu bụng chửa vượt mặt ngồi đính lại mấy sợi kim tuyến trên áo dài. Hậu mở cửa hàng cho thuê áo dài, đạo cụ biểu diễn được năm năm nay.
Thu nhập tương đối ổn định cho đến khi có dịch bệnh. Tiền thuê nhà mỗi tháng 4 triệu, thêm tiền điện, nước, sinh hoạt... khiến gia đình nhỏ của Hậu tháng nào cũng đi vay tiền để đi chợ.
"Anh em, bạn bè em đã hỏi vay hết rồi. Dịch bệnh ai cũng khó khăn, có người giúp được 2 triệu, người được dăm triệu... em đi thuê nhà, làm tự do nên không có gì thế chấp để vay ngân hàng" - Hậu nói.
Chỉ còn vài tháng nữa Hậu sẽ sinh em bé. Cô phải sắp xếp lại cửa hàng vì bắt đầu có khách hỏi thuê. Ngành hàng của cô phải làm mới liên tục. Những mẫu quần áo, đạo cụ đã cũ liên tục phải thay mới hút được khách. Quần áo chỉ có một vết mốc, một đường may sứt chỉ... là khách lắc đầu bỏ đi. Vài tháng rồi không có thu nhập, Hậu không biết phải xoay xở thế nào để có tiền nhập hàng mới.
Vợ chồng Hậu không thể trả nhà, thanh lý hàng hóa. Họ chưa có nhà riêng, cũng không đổi được nghề. Bỏ phố về quê làm nông cũng không đủ tiền nuôi con. Họ phải bám trụ lại. "Nếu không tích cóp được vài đồng bây giờ, mấy tháng nữa em sinh cháu, không biết sống sao?" - Hậu buồn nhìn đống quần áo cũ lấp lánh kim tuyến đang loại ra giữa nhà.
Cầm chiếc điện thoại, vuốt qua màn hình, cô đã tải một lúc cả mấy app vay tiền trên mạng và chưa biết ngày mai sẽ ra sao với lãi suất cắt cổ...
Gần đây, lực lượng công an đã phá nhiều đường dây tín dụng đen nhưng vẫn chưa thể chấm dứt được vấn nạn này. Tại sao và cần làm gì để chặt đứt vòi bạch tuộc bẫy nợ?
Kỳ cuối: Làm gì để chặt đứt vòi bạch tuộc bẫy nợ?
"Lãi ngọt" 48%!
"Tôi cũng như nhiều người bị kẹt nợ ngân hàng rồi, thậm chí cả ba ngân hàng nên cần dòng tiền nhanh chỉ có thể vay ngoài. Vẫn biết lãi nóng cao hơn hẳn lãi ngân hàng nhưng đành phải gõ cửa họ để còn tiếp tục làm ăn" - anh Trần Minh Văn, chủ một doanh nghiệp ngành giấy bao bì ở Nam Sài Gòn, tâm sự.
Văn kể bốn tháng nay doanh nghiệp mình "âm" trong khi vẫn phải nuôi gần 50 anh em công nhân và trả nợ ngân hàng. Nợ cũ còn đọng, anh không thể gõ cửa kênh tài chính chính thức nữa nên buộc phải vay bên ngoài.
"Tôi phải vay 4 tỉ với lãi suất 4%/tháng bên ngoài, tức 48%/năm, cao hơn hẳn ngân hàng. Đó là họ nói hồ sơ tôi đẹp, chứ xấu thì không có mức lãi ngọt đó đâu" - Văn ưu tư nói đầu anh giờ chỉ nghĩ làm sao thoát nhanh món nợ nóng này.
MẠNH DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận