22/06/2020 14:34 GMT+7

Vòi bạch tuộc bẫy nợ - Kỳ 3: Phá sản với lãi nợ... 'rất yêu'

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TTO - Đầu năm, dịch bệnh ập đến, xưởng may của vợ tôi đóng cửa. Các khoản nợ ngân hàng đến hạn phải trả khiến chúng tôi buộc phải đi vay ngoài nghiệt ngã...

Vòi bạch tuộc bẫy nợ - Kỳ 3: Phá sản với lãi nợ... rất yêu - Ảnh 1.

Những tin nhắn đòi nợ tục tĩu và đầy đe dọa - Ảnh: THANH TUẤN

Vay lãi cao để trả lãi thấp

Lần theo số điện thoại dán ở cột điện đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), tôi gặp được Mạnh - giám đốc một công ty "hỗ trợ tài chính" - trên đường Láng. Công ty Mạnh làm dịch vụ cầm đồ và cho vay lãi. Mạnh quảng cáo công ty mình "hỗ trợ" khách từ 5 triệu đến cả trăm triệu đồng với lãi suất "rất yêu". Tôi nói cần 50 triệu gấp, Mạnh hẹn tôi đến công ty.

9h sáng, Mạnh vừa ngủ dậy: "Bạn gọi cho tôi hôm qua hả? Mang sổ hộ khẩu không?". Tôi không hộ khẩu Hà Nội, nhà đi thuê. Mạnh lắc đầu: "Có xe máy, ôtô chính chủ thì mang ra đây, tôi cho bạn vay. Nếu có hộ khẩu Hà Nội thì tôi chỉ cần đăng ký xe, còn không thì bạn phải để xe lại".

Chiều hôm ấy, tôi mang chiếc SH của vợ đến. Hai "đệ tử" Mạnh chạy ra dựng chống giữa, "soi" từng ngóc ngách xe như muốn mua luôn. Chiếc SH đời 2016, khóa thông minh, mới chạy được 12.000km, gần như không một vết xước. Bạn tôi làm kỹ thuật cho Head Honda định giá chiếc xe này bán nhanh cũng được 60 triệu.

Mạnh cầm đăng ký xe lật qua lật lại: "Biển tỉnh à? Khó bán lắm". Tôi chưa kịp trả lời thì hắn chỉ tôi ngồi ghế rồi hất hàm hỏi: "Ông bạn muốn cầm nhiêu?". Tôi xòe 5 ngón: "50 triệu". "Không được. Con SH này biển tỉnh, kịch giá chỉ được 40 triệu. Ông ôkê thì cầm, giá tôi làm 1.500 đồng/ triệu/ngày". 

Tôi biết các cửa hàng cầm đồ luôn đánh tụt giá trị tài sản xuống mức thấp nhất, có khi chỉ bằng nửa so với giá thị trường. Khi khách "bùng" tiền, họ bán cho các cửa hàng đồ cũ vẫn có lãi hoặc dự phòng khoản tiền đó để chi bên "thu hồi nợ" khi cần thiết.

Cho vay nặng lãi làm người vay bị bần cùng hóa, là nguồn gốc của các loại tội phạm giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc lừa đảo, trộm cướp...

Ông Nguyễn Đình Xoang (trưởng Công an quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng

Tôi nài nỉ Mạnh cầm đăng ký xe và chứng minh nhân dân, còn xe để tôi mang về cho vợ đưa đón con. Hắn không nghe: "Bạn không để lại xe thì tôi giới thiệu bạn đi "bốc bát họ"". Tôi thắc mắc, Mạnh giải thích "bốc bát họ" cũng là vay lãi. Người vay không phải thế chấp tài sản mà chỉ cần chứng minh nhân dân, photo sổ hộ khẩu. 

Có chỗ đơn giản hơn chỉ cần chứng minh nhân dân và số điện thoại, địa chỉ người thân. Tuy nhiên, "bốc bát họ" có lãi cao hơn. 

Hình thức này có các món 10 triệu, 20 triệu hoặc 40 triệu, trả trong 50 ngày. Tuy nhiên, "bốc" 10 triệu thì chỉ nhận được 8 triệu, 20 triệu thì chỉ nhận được 15 triệu. Chủ nợ đã trừ trước số tiền lãi nhưng vẫn tính đủ trên số gốc thỏa thuận.

Mạnh cũng cảnh báo dân "bốc bát họ" không "có văn hóa" như hắn. "Bạn có chui xuống đất thì chúng nó cũng tìm bằng được để đòi tiền. Nó không chỉ đòi bạn mà đòi cả họ hàng, người quen của bạn". Tôi phát hoảng, tặc lưỡi ký hợp đồng cầm cố chiếc xe hai tháng.

Mạnh viết phiếu biên nhận, đưa cho tôi tờ giấy nham nhở, rồi dặn dò: "Bạn nhớ đóng lãi đúng hạn, mấy thằng em tôi nó gọi thì không hay đâu. Bọn nó không ăn học nên ăn nói không lịch sự. Quá hạn 10 ngày không "nhổ" xe, bên tôi sẽ thanh lý".

Số tiền 40 triệu vừa đủ để tôi trả gốc, lãi hai kỳ và cả lãi phạt quá hạn cho ngân hàng. Chúng tôi chấp nhận bị đánh giá nhóm nợ xấu thứ 2 vì không còn cách nào khác. Món vay ngân hàng hơn 900 triệu đồng của vợ chồng tôi mỗi tháng phải trả 10 triệu tiền gốc và khoảng 7 triệu tiền lãi. 

Từ khi cấm tập trung đông người, ngành hàng của vợ tôi "đóng băng". Công nhân nghỉ việc, xưởng đóng cửa. Hằng tháng vẫn phải trả 10 triệu tiền gốc và hơn 7 triệu tiền lãi. Nếu quá hạn (30 ngày), số lãi được tính bằng 150%.

Tôi vò đầu bứt tai, giờ đây vừa phải lo tiền gốc, lãi tháng tiếp theo của ngân hàng vừa phải xoay xở để "nhổ" chiếc xe và cả số lãi cắt cổ của hiệu cầm đồ. Gánh nặng nợ lãi của tôi đang tăng lên từng ngày. Tôi tìm đến em rể ở Hải Phòng mà năm ngoái tôi đã mượn giúp 50 triệu đồng để cậu mở spa.

Vòi bạch tuộc bẫy nợ - Kỳ 3: Phá sản với lãi nợ... rất yêu - Ảnh 3.

Những khoản nợ nặng lãi khiến công ty của Ngô Duy Kiên phá sản - Ảnh: THANH TUẤN

Phá sản vì nợ lãi

Ngô Duy Kiên có một quán cà phê, một cơ sở spa kha khá nằm bên con sông Tam Bạc ở thành phố Hải Phòng. Vợ chồng Kiên khởi nghiệp từ quán cà phê nhỏ. Làm ăn khấm khá, Kiên mở rộng quán gấp 3 lần, thuê thêm nhân viên, đổi phong cách theo hướng hoài cổ và khách nườm nượp đến.

Kinh doanh tốt, vợ chồng Kiên lấn sân sang dịch vụ spa. Kiên thuê căn nhà 3 tầng cũng ở ngay sông Tam Bạc, đào tạo khoảng chục nhân viên, rồi sửa nhà, mua sắm thiết bị, máy móc... Một nửa số vốn họ phải đi vay.

Vợ chồng Kiên sống chung với cha mẹ đẻ và vợ chồng em trai. Kiên không thể mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi thế chấp để vay ngân hàng. Kiên phải vay anh em, bạn bè một phần bằng vàng, số còn lại vay lãi "nằm" (nặng lãi). 

300 triệu lãi "nằm" với 1.500 đồng/triệu/ngày, mỗi tháng Kiên phải trả 13,5 triệu đồng tiền lãi. Cộng thêm các chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, điện, nước... mỗi tháng Kiên phải lo gần 100 triệu đồng.

Doanh thu Kiên chỉ đủ cầm cự, nhưng chậm trả lãi. Chủ nợ cộng lãi vào tiền gốc, thế là số tiền lãi hằng tháng tăng chóng mặt. Công việc kinh doanh đang gặp khó thì chủ nợ sai đàn em đến quán cà phê đòi nợ. Bọn đầu trọc, xăm trổ cứ ngày ngày vào quán, gác chân lên bàn phì phèo thuốc lá. Khách quen bỏ đi vì sợ lũ đầu gấu này. Kiên hụt doanh thu...

Biết chủ nợ làm căng, Kiên quyết định vay lãi ở một mối khác để trả đứt số lãi "nằm" đang "đẻ" ra từng ngày. Số tiền phải vay lúc này đã lên hơn 400 triệu đồng. Dự định ban đầu của Kiên là giải quyết trước rồi mượn sổ đỏ của gia đình đi vay ngân hàng. Đến khi nhân viên ngân hàng đi thẩm định, quán cà phê vắng khách, lại bị điều tiếng vì đám lâu la của chủ nợ đến quấy nhiễu nên hồ sơ vay không được duyệt.

Doanh thu quán cà phê ngày càng tệ, Kiên quyết định bỏ kinh doanh cà phê, tập trung cho spa. Chưa có lãi thì dịch COVID-19 ập về buộc phải đóng cửa, Kiên phá sản vì không thể trả nổi nợ. Anh trả mặt bằng, chấp nhận mất hơn 600 triệu đầu tư đã bỏ ra tân trang ngôi nhà. Và cha mẹ vợ anh phải bán ngôi nhà ở quê thêm thắt cho vợ chồng Kiên trả nợ.

Tôi nhìn Kiên thở dài. Không ai ngờ cơ nghiệp một quán cà phê, một cơ sở spa bị phá sản quá nhanh. Phần vì dịch bệnh, nhưng phần nhiều là gánh nặng nợ lãi.

Luật ngầm của cho vay nặng lãi

Nếu chỉ vay dưới 20 triệu đồng/ngày, người vay thường phải chịu lãi từ 3.000 đồng/triệu/ngày hoặc cao hơn nữa. Người vay đóng lãi theo ngày (lãi đứng) hoặc đóng lãi khi trả gốc (lãi nằm). Các khoản vay lớn hơn 50 triệu hoặc hàng trăm triệu đồng thì lãi suất được "ưu đãi" nếu người vay "có uy tín". Chủ nợ lấy 1.500 đồng/"đầu triệu", khoảng 54%/năm, tức gấp 5 lần lãi suất ngân hàng. Con nợ phải cầm cố tài sản có giá trị như giấy tờ nhà đất, ôtô...

Nếu không trả đúng hạn, chủ nợ cộng số lãi vào tiền gốc, ép con nợ viết lại giấy vay nợ khiến lãi mẹ đẻ lãi con. Theo ông Nguyễn Đình Xoang - trưởng Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng), có những người vay tín dụng đen lãi suất đến 140%/năm, thậm chí lên tới 400%.

"Bọn phát tờ rơi "hỗ trợ tài chính" chỉ là "trẻ trâu" cho vay ít triệu rồi thuê bọn đầu trộm đuôi cướp dọa nạt đòi tiền. Giới buôn tiền cho vay cả tỉ đồng, kín đáo và nham hiểm hơn nhiều" ...

Kỳ tới: Vào mê cung lãi "đứng", lãi "nằm"

Vòi bạch tuộc bẫy nợ - Kỳ 1: giám đốc lãnh 80 triệu/tháng mà vợ lau nhà cho người ta Vòi bạch tuộc bẫy nợ - Kỳ 1: giám đốc lãnh 80 triệu/tháng mà vợ lau nhà cho người ta

TTO - "Lẽ ra tôi phải rất sướng, nhìn bề ngoài đâu ai nghĩ sự thật bên trong lại khốn cùng như vậy. Làm giám đốc mà vợ lại đi lau nhà, rửa chén cho người ta" - An đỏ mắt tâm sự nhưng giọng vẫn đanh lại như không còn cảm xúc gì.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên