Các kẻ cho vay nặng lãi hay nhắm vào khu vực công nhân, người lao động nghèo - Ảnh: MẠNH DŨNG
Nhiều người vay nặng lãi không trả nợ nổi, nhưng chủ nợ vẫn không mất tiền vì đến khi con nợ phải bỏ trốn thì đa phần đã trả được một số, thậm chí nhiều hơn cả tiền gốc vay.
Ông PHẠM VĂN HÙNG (chủ một khu nhà trọ của công nhân ở huyện Bình Chánh,TP.HCM)
"Bế tắc vì thiếu tiền thiếu bạc cũng không khổ bằng dính vào vay đứng, vay nằm. Khổ nhục cùng đường, ai sa chân vào mới thấu. Lúc đầu thì ngon ngọt chị chị em em, đến khi mình thò bút ký giấy nợ và chỉ chậm trả một ngày họ đã chửi từ ông cha mình chửi xuống..." - Nguyễn Thị Tuyến, cô gái 27 tuổi, quê ở Giá Rai, Bạc Liêu, chua chát tâm sự...
Con đường sa vào nợ
Ngày này năm ngoái, Tuyến còn là cô công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM. Lương bình quân gần 6 triệu đồng, nếu tăng ca cô cũng được 8-9 triệu đồng. Khoản tiền tạm đủ cho cô sinh hoạt và mỗi tháng gửi về giúp cha mẹ một ít.
Cảnh khổ chỉ bắt đầu khi anh trai cô mới 35 tuổi đã nghiện rượu nặng và từ người nuôi chính cha mẹ đã trở thành kẻ "ăn bám". Toàn bộ gánh nặng dồn lên vai Tuyến!
Tiền lương công nhân không thể nuôi nổi gia đình bốn người, buổi tối cô phải tranh thủ theo bạn đi phục vụ quán bia. Việc cô là bưng bê thức ăn, rót bia cho khách và trông chờ những đồng "bo" lẻ rất hiếm hoi ở quán bia bình dân ngoài trời. Để cố kiếm thêm, Tuyến còn xin suất dọn dẹp, rửa chén quán nhậu lúc... 3 giờ sáng.
Nhưng sức người có hạn, Tuyến chỉ cố làm cả hai việc công nhân và quán nhậu được ba tháng. Đến một ngày, cô phải chọn một trong hai vì kiệt sức và cô đã chọn phục vụ quán bia. Tiền "bo" dù bấp bênh nhưng vẫn có thể hơn làm công nhân.
Đầu năm nay, cha Tuyến phải nhập viện vì xuất huyết bao tử, rồi chỉ vài tuần sau lại đến mẹ cô ung thư ngực. Gia đình bế tắc! Một cô gái bưng bê ở quán nhậu bình dân dù có cố gắng thế nào cũng không thể lo nổi hoàn cảnh gia đình này!
Một vài cô gái trẻ khác ở quán kiếm thêm bằng "đi khách" sau buổi nhậu có hé với Tuyến cách này. Cô lắc đầu, không nhận bất cứ lời đề nghị khiếm nhã nào dù sáng chiều chỉ dám dè sẻn ăn mì gói và tối thì trông chờ đồ ăn thừa ở quán bia.
Cuối tháng 1, nhiều khoản viện phí ập đến. Tuyến cùng đường, phải cắn răng gọi thử "ngân hàng cột điện", tức những lời mời cho vay dán đầy cột điện. Chỉ 30 phút sau, "ngân hàng" này đã đến.
Một bà mập căng như quả bí đao tự xưng Thảo "Hà Nội" luôn miệng ngọt nhạt "chị chị em em". Các giấy tờ trong túi Tuyến được bà ta bỏ vào túi mình rất nhanh.
Chứng minh nhân dân rồi cà vẹt chiếc xe máy Trung Quốc tơi tả, bà ta còn nói thêm: "Cưng về quê lấy giấy tờ nhà thì được vay cục tiền bự hơn và lãi thấp hơn". Tuyến lắc đầu, giấy tờ nhà cô ở bưng cũng bị ba má cầm để vay dưới quê rồi.
Ban đầu Tuyến xin vay 15 triệu đồng. Bà ta nói chỉ 7 triệu. Tuyến năn nỉ như vậy không đủ lo cho ba má. Cuối cùng, bà ta "thấy thương" chịu cho vay mức 12 triệu đồng. Biên nhận chỉ là giấy viết tay sai chính tả, có chủ quán nhậu ký làm chứng.
Tuy nhiên, khi giao tiền thì Tuyến còn nhận thực đúng 10,5 triệu đồng. Cô đã bị trừ thẳng ngay 1,5 triệu trên khoản nợ gọi là "bạc góp trước". Giao kèo Tuyến phải góp mỗi ngày 200.000 đồng đến "hoàn tất hợp đồng vay nợ".
Cô gái học chưa xong lớp 5 trường tỉnh này không rõ mình phải trả lãi bao nhiêu. Đến khi về nhà nhờ bạn bè tính chi li, cô mới hiểu mình đã phải vay góp với lãi suất 25%/tháng. Nếu cô may mắn góp được đúng hạn thì 12 triệu vay trong ba tháng sẽ phải trả thành 18 triệu đồng.
Đó là cô nghe nói lãi này vẫn còn "dễ thở", có lãi lên đến hơn 30%/tháng.
"Ngân hàng cột điện" hoành hành ngay trước ngân hàng thật - Ảnh: MẠNH DŨNG
Bẫy nợ chồng nợ
Nhưng bi kịch bắt đầu dồn dập với cô gái nghèo khi mùa dịch bệnh ập đến, quán bia ế ẩm rồi phải đóng cửa. Tuyến không làm ra được đồng nào để trả góp dứt điểm nợ.
Thảo "Hà Nội" ngày đầu còn giục cô trả đúng hạn, ngày thứ hai bắt đầu chửi bới sa sả và đến ngày thứ ba thì bà ta xuất hiện với ba gã thanh niên bặm trợn ngay trước phòng trọ của cô trong con hẻm nhỏ tỉnh lộ 10.
Tuyến khóc lóc xin khất nợ vì không đi làm được. Bà ta dứt khoát không chịu. Cô phải nói: "Con còn cái xe máy. Cô lấy giùm con". "Chiếc xe tàu nát của mày bán ve chai nó còn không thèm. Tao lấy cho chật nhà à" - bà ta hét lên.
Chủ nhà trọ hiểu chuyện, muốn bênh cô gái nhưng cũng bó tay với ba gã thanh niên đầu trọc. Cuộc chửi bới diễn ra suốt buổi tối, cuối cùng Tuyến lại được bà Thảo "Hà Nội" đề nghị cho vay tiếp để trả nợ trước.
Lần này Tuyến được vay 9 triệu đồng nhưng bị trừ trước ngay 6 triệu "trả nợ cũ". Và cô phải chịu lãi suất mới là 30% vì trở thành "con nợ xấu". Hôm sau, nhờ ông chủ nhà trọ tính giúp, cô gái ít chữ này mới hiểu mình lại rơi vào bẫy nợ mới.
Lần cô đặt bút ký khoản vay thứ hai, thực tế cô chỉ còn nợ 6 triệu đồng của lần đầu. Khoản vay mới khiến cô lại nợ 9 triệu với lãi suất khủng khiếp, trong khi cô thực nhận chỉ đúng 3 triệu đồng sau khi đã bị trừ ngay 6 triệu đồng...
Tuy nhiên, đến thời điểm này Tuyến vẫn còn cầm cự được và hi vọng sẽ thanh toán hết nợ khi việc phục vụ ở quán bia được làm trở lại và buổi sáng cô còn cố làm thêm ở quán hủ tiếu. Một số bạn bè cô bế tắc hơn đã bỏ trốn biệt tích khi dính vào các "ngân hàng cột điện".
Những người "thạo công nghệ" vay tiền qua app trên điện thoại tưởng chừng nhanh, gọn, đơn giản, cuối cùng lại càng "chết đuối" nhanh hơn với những lãi suất thực tế cắt cổ hơn cả chục lần lời chào mời.
Nhiều công nhân, người buôn bán ở các chợ nhỏ và dân lao động phổ thông đã rơi vào các bẫy nợ này.
Ban đầu số tiền họ vay thường không lớn, phổ biến chỉ ở mức trên dưới 10 triệu đồng, thậm chí chỉ 5 - 7 triệu đồng. Nhưng do lãi suất thực quá cao (hầu hết đều trên 20%/tháng, chưa kể bị trừ phí này nọ) nên họ không thể trả dứt điểm được và lại phải vay nợ mới để trả nợ cũ...
Vòng luẩn quẩn nợ chồng nợ, người bên ngoài nhận ra nhưng kẻ đang bức bí bên trong đành như con thiêu thân lao vào!
N.T.L., cô công nhân quê Gò Công (Tiền Giang), đã bỏ việc ở công ty tại Bình Chánh gần hai tháng nay chỉ vì lỡ sa chân vào bẫy nợ kiểu này. Khoản vay đầu tiên của cô chỉ có 7 triệu đồng, nhưng sau đó các khoản vay lần thứ hai, thứ ba, thứ tư... để trả nợ trước cộng thêm các mức lãi suất khủng khiếp từ 25-45% đã khiến cô chỉ còn cách duy nhất là bỏ trốn.
Tuy nhiên, người trốn thì chưa biết ra sao, nhưng cha mẹ cô đang đối diện với vòi bạch tuộc bẫy nợ không dễ buông tha. Họ tuyên bố: "Đồng tiền liền với máu. Nếu không trả tiền thì trả máu".
Cho vay nặng lãi đang tinh vi hơn
Gần đây, lực lượng công an đã tập trung xử lý được nhiều băng nhóm, đường dây cho vay nặng lãi nên hoạt động tín dụng đen có dấu hiệu thu lại kín kẽ, tinh vi hơn. Đa số dân cho vay nặng lãi ở TP.HCM hiện vẫn từ miền ngoài vào như Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, nhưng họ không trực tiếp ra mặt mà cho chân rết thực hiện giao dịch.
Từ một "ông chủ" biến thành nhiều "ông chủ", những khoản vay được xé nhỏ ra, cách tính lãi cũng tinh vi hơn như trừ khoản phải trả trước, phí này nọ để có vẻ như lãi suất được hạ xuống.
"Bạn cần tiền nóng à? Dễ thôi mà. Bên mình có lãi suất rất yêu. Mình phải nuôi bạn để bạn còn nuôi lại mình chứ". Sự thật có đúng như lời chào mời "đáng yêu" này không?
___________________________________
Kỳ tới: Phá sản vì lãi nợ ... “Rất yêu”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận