04/07/2011 08:47 GMT+7

"Vô tư" trồng cần sa!

T.B.DŨNG - TR.MINH - N.NGUYÊN - N.HẬU - T.BẮC
T.B.DŨNG - TR.MINH - N.NGUYÊN - N.HẬU - T.BẮC

TT - Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương từ Đắk Lắk, Đắk Nông và một số tỉnh ĐBSCL, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ trồng cần sa. Đáng chú ý, theo nhận định của cơ quan hữu quan, đa số trường hợp do sự thiếu hiểu biết của người dân.

cFSNO5f0.jpgPhóng to

Ông Dương Minh Thảo (tổ dân phố 9, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tự tay phá bỏ số cây cần sa trồng trái phép trong nhà - Ảnh: T.Minh

tzmKlaAz.jpgPhóng to

Lực lượng chức năng Đắk Lắk kiểm kê và lập biên bản xử lý một vụ trồng cần sa trái phép - Ảnh: T.Minh

Vụ việc gần đây nhất xảy ra tại xã Cư Ebur (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 5-5, cơ quan công an phát hiện tại nhà ông Nguyễn Ngọc Nga (thôn 2) có trồng cần sa. Lực lượng chức năng thống kê có tất cả 37 cây cần sa được trồng ở các chậu hoa kiểng, chăm chút khá cẩn thận, chiều dài mỗi cây trung bình 60-70cm.

Ông Nga cho biết: “Hồi tháng 3, con trai tôi có đem về một nắm hạt màu nâu, bảo rằng đó là hạt hoa cúc Đà Lạt được một người bạn tặng. Tôi đem gieo trước nhà cho tới khi công an vào lập biên bản mới biết đó là cây cần sa”.

Không thể nắm hết

Thượng tá Nguyễn Văn Rạng cho biết Công an tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức các đội phổ biến tuyên truyền đấu tranh chống tội phạm, phòng ngừa trồng cần sa... Nhiều vụ được phát hiện nhờ người dân đi cắt cỏ, bắt cá, làm ruộng... báo về.

Theo thượng tá Lâm Xuân Trung - phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk, hiện việc trồng cây cần sa vẫn còn diễn ra ở các địa bàn nhưng lực lượng chức năng không thể nắm hết được.

Theo ông Trung, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm trên là do thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đúng về mức độ nguy hiểm của loài cây cấm này.

Trồng cà chua, hoa cúc - thu cần sa!?

Thượng tá Vũ Văn Khanh - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Nông - cho biết đã phát hiện nhiều vụ trồng và mua bán trái phép cây cần sa, thu giữ, tiêu hủy hơn 413kg cần sa khô và hơn 2.300 cây cần sa tươi..., ra quyết định khởi tố và xử phạt hành chính 15 đối tượng về tội trồng, tàng trữ, buôn bán trái phép cây cần sa.

Trong vụ gần đây nhất, Công an huyện Đắk R’lấp phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an tỉnh phát hiện hai người dân ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) trồng cần sa xen kẽ với cây cà phê trên đất rẫy nhà mình. Bước đầu họ khai nhận được một người cung cấp giống và bảo đây là loại cây thuốc sẽ mua với giá cao nên trồng thử.

Ngoài việc một số người dân hoàn toàn mù mờ về cây cần sa để rồi vô tình vi phạm pháp luật, mới đây Công an phường Tự An (TP Buôn Ma Thuột) còn phát hiện và xử lý một vụ việc mà chủ nhân biết rõ nhưng không ý thức được mức độ nguy hiểm của loài cây chứa chất gây nghiện mình trồng này.

Đêm 27-4, Công an phường Tự An phát hiện hai đối tượng cầm một nắm cây có dấu hiệu bất minh. Họ khai nhổ trộm ở nhà ông Dương Minh Thảo (tổ dân phố 9, phường Tự An). Tại đây, công an phát hiện 19 cây cần sa. Ông Thảo kể trước đó vài tháng có một thanh niên giúp việc trong gia đình bảo vừa được một người quen cho một nắm cây cần sa, loài cây này dùng làm thức ăn gia súc sẽ rất tốt nên ông xin về trồng trong nhà.

Thượng tá Cao Thành Vinh, trưởng Công an huyện Buôn Đôn, cho biết ngày 23-6-2010, lực lượng chức năng kiểm tra rẫy của ông N.N.N. ở buôn Niêng 2 (Ea Nuôl, Buôn Đôn, Đắk Lắk)phát hiện tới 1.000 cây cần sa đang trồng. Ông N. khai được một người lạ ở tỉnh Lâm Đồng bán cho nắm hạt và nói rằng đó là hạt cây cà chua.

Sau khi gieo trồng, “cây cà chua” này lớn lên và có hình dáng, kiểu lá chẳng giống bất kỳ loại cà chua nào mà ông N. từng biết, mãi tới khi công an vào tiêu hủy ông mới biết là cần sa.

Nuôi gà đá bằng... cây cần sa!

Theo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Vĩnh Long, từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2011, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của tỉnh đã phát hiện và triệt xóa 19 điểm trồng cây cần sa.

Các điểm này rải rác trên địa bàn vùng sâu vùng xa của một số huyện như Long Hồ, Tam Bình, Bình Minh, Bình Tân, Mang Thít và TP Vĩnh Long. Cơ quan chức năng đã thu giữ tổng cộng 668 cây cần sa và ra quyết định xử phạt hành chính bảy hộ dân, tiến hành họp dân cho làm cam kết không tái phạm trồng cây cần sa đối với 12 hộ dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Rạng, trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết khi bị phát hiện, hầu hết đều bảo trồng cần sa để nuôi gà, nuôi heo.

Ông Trần Quang Nhị (ấp Thanh Phú, xã Thanh Quới, huyện Long Hồ) nói như khoe về việc vừa được công an trả giấy chứng minh nhân dân ngày 29-6 và may mắn chỉ bị lập biên bản cảnh cáo vì trồng chín cây cần sa.

Ông kể: “Tôi nuôi gà đá nên khi nghe người ta mách có cây thuốc nam trị các bệnh cảm mạo, thậm chí làm gà mạnh mẽ hơn nên cố tìm loại cây này”. Trong một lần đi ăn tiệc ở Trà Vinh, một người bạn chỉ vào một đám cây đang khô rũ lá và cho biết đây là cây người ta hay sử dụng nuôi gà đá. Thế là ông Nhị lén hái trái khô đem về nhà gieo.

Ông đem hơn 20 hạt về gieo dưới hàng đu đủ nhưng chỉ nảy mầm và mọc lên được chín cây. Đùng một cái, khi đám cây chuẩn bị nở hoa thì công an xã, công an huyện vào nhà lập biên bản. Lúc này ông mới biết đó là cây cần sa. Sau vụ “lỡ dại”, ông Nhị than gần 60 tuổi rồi mà còn vi phạm pháp luật.

Đến thời điểm này, nhiều người dân ở ấp Phú Long, xã Tân Phú, huyện Tam Bình vẫn thấy tiếc cho trường hợp thiếu hiểu biết phải ở tù của ông Lê Văn Bé Em. Bà Nguyễn Thị Quằn (vợ ông Em) kể ông đi làm bốc vác ở TP Vĩnh Long và quen một thanh niên.

Trong cuộc nhậu, ông có kể việc mình trồng mấy cây cần sa để nuôi heo, gà mau lớn và không bị bệnh vặt. Người thanh niên này bảo mình cũng có nuôi gà nên xin một ít về cho gà ăn. Mặc dù ông Bé Em từ chối vì biết vợ mình không chấp thuận nhưng người thanh niên vẫn kiên quyết móc ra 400.000 đồng đưa cho ông Bé Em.

Vài ngày sau, cả xóm hết sức ngạc nhiên vì công an còng tay người thanh niên nọ và cho biết anh ta bị bắt quả tang khi đang bán cần sa ở TP Vĩnh Long.

Cơ quan công an xác định ông Bé Em là người cung cấp cần sa, khi khám nhà phát hiện 25 cây cần sa. Giờ mọi người còn phì cười kể về tình tiết thật thà của ông Bé Em trong vụ này. Khi công an nhổ xong cây cần sa và chuẩn bị đi thì ông sực nhớ ra, bảo “còn một mớ hạt cần sa khô mấy anh tịch thu luôn đi”.

Ông Bé Em bị tòa tuyên phạt 9 tháng tù giam vì mua bán cần sa. Vợ ông giờ cứ đau lòng than thở: “Tôi đâu có ngờ, chỉ thấy trồng cây này nuôi heo thì mau lớn, gà vịt cũng không bị bệnh vặt nên cứ thế mà trồng...”.

Nhận diện cây cần sa

Ông Phạm Hùng Vỹ - phó trưởng phòng trồng trọt Chi cục Bảo vệ thực vật Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông - cho biết lợi dụng vấn đề thiếu hiểu biết, thiếu ý thức đề phòng nên một số đối tượng đã cung cấp hạt giống, tuyên truyền sai lệch về tác dụng của cây cần sa để người dân trồng thử. Do cây cần sa gần giống với loài cây mạng tang nên bọn chúng thường tuyên truyền đây là loại cây thuốc quý, cho giá trị cao.

Cũng theo ông Vỹ, cây mạng tang là cây thuốc dùng để chiết xuất tinh dầu làm các sản phẩm như nước hoa và mọc khá phổ biến trên các cánh rừng thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông. Cây có thân mịn, lá dài nhỏ không có hình răng cưa. Còn cây cần sa là loài cây thuộc họ gai mèo, cây thân thảo sống hằng năm, thân thẳng đứng, cao 1-2m, phân thành ít hoặc nhiều cành, toàn thân phủ một lớp lông mịn, lá có hình răng cưa, mọc cách có cuống, có lá kèm. Đây là loài cây có chứa chất gây nghiện, ảnh hưởng sức khỏe con người.

T.B.DŨNG - TR.MINH - N.NGUYÊN - N.HẬU - T.BẮC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên