31/03/2021 16:05 GMT+7

Việt Nam tìm nguồn vắc xin Nga, Trung Quốc và Ấn Độ

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm nay đã có cuộc làm việc với đại sứ Trung Quốc, Ấn Độ và tham tán công sứ Nga để tìm nguồn vắc xin ngừa COVID-19.

Việt Nam tìm nguồn vắc xin Nga, Trung Quốc và Ấn Độ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (giữa) tại buổi làm việc - Ảnh: TRẦN MINH

Theo thông tin từ cuộc làm việc, đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết Trung Quốc đã triển khai chương trình vắc xin với trên 100 triệu người đã được tiêm. Trung Quốc cũng đã viện trợ vắc xin cho 69 quốc gia.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam vắc xin tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có công dân Việt nam có nhu cầu đi lại, giao thương, học tập tại Trung Quốc do Trung Quốc đã triển khai chính sách "hộ chiếu vắc xin", trong đó ưu tiên người tiêm vắc xin Trung Quốc.

Công ty Vabiotech trực thuộc Bộ Y tế được giao là đơn vị chịu trách nhiệm trao đổi, đánh giá nguồn lực, khả năng cung ứng vắc xin của đối tác Trung Quốc cũng như nhu cầu sử dụng vắc xin trong nước. Khi nhận được hồ sơ đăng ký vắc xin đầy đủ điều kiện, ông Long cho biết có thể cấp phép trong vòng 2 tuần.

Với vắc xin Ấn Độ, hiện Ấn Độ đang sản xuất 2 loại vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 1 sản phẩm của Hãng Astra Zeneca đặt hàng (loại không sử dụng cho thị trường Việt Nam), 1 của Công ty Bharat Biotech sản xuất có tên Covaxin. Công ty Đức Minh (công ty chuyên về xuất nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam) đã nộp hồ sơ lên Bộ Y tế xin cấp phép cho vắc xin Covaxin.

Phía Việt Nam đề xuất phối hợp với Ấn Độ để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin ngừa COVID-19 do Việt Nam phát triển, đại sứ Ấn Độ cho biết sẽ trao đổi với các công ty phát triển vắc xin của Ấn Độ để bàn về phương thức hợp tác.

Với phía Nga, hiện Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc xin Sputnik V của Nga, tuy nhiên chưa rõ khả năng cung cấp vắc xin này cho Việt Nam.

Việt Nam có nhu cầu mua 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm 2021 và gần như đã chắc chắn có 60 triệu liều Astra Zeneca, tuy nhiên thời gian vắc xin được chuyển về Việt Nam đã bị lùi tiến độ, thậm chí có lô sẽ bị lùi thời gian cung cấp sang năm 2022.

Trong khi đó, Việt Nam có 3 vắc xin nội địa đang trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, trong số này có Nano Covax đang chuẩn bị kết thúc giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng trên người, chuyển sang giai đoạn 3. Ở 2 giai đoạn thử nghiệm đầu, kết quả rất khả quan.

Ở giai đoạn 3, vắc xin này dự kiến sử dụng tiêm cho 10.000 người ở Việt Nam và có thể thêm Indonesia và Ấn Độ. Cơ quan chức năng đang kỳ vọng nếu suôn sẻ, có thể quý 3 tới sẽ có vắc xin nội phục vụ tiêm chủng.

TP.HCM đề xuất nhân viên sân bay có tiếp xúc hành khách được ưu tiên tiêm vắc xin đợt đầu TP.HCM đề xuất nhân viên sân bay có tiếp xúc hành khách được ưu tiên tiêm vắc xin đợt đầu

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đề xuất bổ sung 6.000 liều vắc xin cho TP trong đợt đầu để tiêm phòng nhân viên sân bay có tiếp xúc hành khách.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên