Đây là chia sẻ của ông Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, bên lề buổi ra mắt hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp (VITIMES), diễn ra sáng 30-11 tại Hà Nội.
Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vắc xin ngừa lao mới
Theo ông Lượng, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là 1 trong 7 nước tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin ngừa lao mới.
Dự kiến các hoạt động thử nghiệm lâm sàng sẽ tiến hành tại Việt Nam đầu năm 2024. Các quy trình kỹ thuật đều được thực hiện dưới sự giám sát của WHO.
Ông Lượng nêu rõ vắc xin ngừa lao mới này có sự khác biệt hẳn so với vắc xin ngừa lao đang được sử dụng tiêm chủng cho trẻ hiện nay.
"Vắc xin ngừa bệnh lao tại Việt Nam hiện nay là BCG (Bacillus Calmette-Guerin), chứa vi khuẩn gây bệnh lao ở dạng bất hoạt độc lực. Còn vắc xin ngừa lao mới sẽ áp dụng công nghệ ADN, hiệu quả cao hơn hẳn so với công nghệ của vắc xin cũ.
Bên cạnh đó, vắc xin sẽ được sử dụng cho cả người lớn, chứ không chỉ dành cho trẻ như vắc xin đang sử dụng hiện nay, góp phần ngăn chặn bệnh lao lây truyền trong cộng đồng.
Vắc xin mới hứa hẹn giúp đẩy mạnh việc phòng ngừa lao ở người lớn, ngăn chặn bệnh lao trên toàn thế giới. Dự kiến thời gian nghiên cứu vắc xin khoảng 4-7 năm", ông Lượng nói.
Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cũng cho hay với vắc xin mới, khi được đưa vào sử dụng, WHO ước tính trong 25 năm tới loại vắc xin này có khả năng ngăn chặn 8,5 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu.
Nâng cấp công nghệ để quản lý bệnh nhân lao
Theo thống kê, Việt Nam hiện xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Với dân số 100 triệu dân, mỗi năm có gần 200.000 ca mắc lao mới được phát hiện, chẩn đoán, điều trị.
"Với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, các tổ chức y tế và Bệnh viện Phổi trung ương đã nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao.
Ứng dụng kỳ vọng sẽ giúp giám sát ca bệnh lao và lao tiềm ẩn, quản lý chương trình thông qua các công cụ nâng cao nhằm góp phần củng cố dịch vụ điều trị và dự phòng lao tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Với hệ thống mới này, cơ sở dữ liệu được liên thông, ca bệnh được cập nhật theo thời gian thực, giúp quản lý bệnh nhân toàn diện, cập nhật dữ liệu chính xác, đầy đủ (lao kháng thuốc, nhạy cảm, lao tiềm ẩn).
Từ đó giúp các bệnh viện quản lý bệnh lao, ứng phó tốt hơn với các vấn đề phát sinh", ông Lượng nêu rõ.
Trước đó, hệ thống cũ được xây dựng từ năm 2010 với mục đích quản lý bệnh nhân lao nhạy cảm, chưa tích hợp được các thông tin về lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, liên thông dữ liệu,…
Bà Aler Grubbs, giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, cho biết việc nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao là một phần quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
"Hệ thống giám sát lao cũng hỗ trợ số liệu chi tiết để cải thiện ứng phó với bệnh. Khi có đầy đủ dữ liệu về lao kháng thuốc, lao nhạy cảm,... Chúng ta sẽ có biện pháp ứng phó tốt hơn với các vấn đề phát sinh", bà Aler Grubbs khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận