10/12/2021 19:33 GMT+7

Số bệnh nhân lao được phát hiện giảm hơn 23%: Đừng vội mừng

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Do dịch COVID-19, đến tháng 10-2021, số bệnh nhân lao được phát hiện chỉ khoảng 63.000 người, giảm hơn 23% so với trên 82.000 bệnh nhân vào cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, chuyên gia cho rằng đây là con số không đáng mừng.

Số bệnh nhân lao được phát hiện giảm hơn 23%: Đừng vội mừng - Ảnh 1.

Bác sĩ tại Bệnh viện Phổi trung ương chẩn đoán một ca bệnh - Ảnh: BVPTW

Tại hội nghị tổng kết chương trình chống lao quốc gia diễn ra trực tuyến chiều 10-12, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - cho hay số người nhiễm lao ở Việt Nam vẫn đứng thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo năm 2020).

Theo ông Hòa, do dịch COVID-19 nên trong 10 tháng đầu năm 2021, số bệnh nhân lao được phát hiện chỉ khoảng 63.000 người. Tỉ lệ phát hiện bệnh nhân mới, tái phát chỉ là 61,5/100.000 dân (đạt trên 52% chỉ tiêu năm).

Nhận định việc chương trình lao không hoàn thành mục tiêu, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa chỉ ra nhiều nguyên nhân như bệnh nhân không đến khám do sợ mắc COVID-19; nhiều cơ sở y tế bị chuyển công năng; cán bộ chống lao phải tăng cường chống COVID-19; nhập khẩu thuốc, sinh phẩm khó khăn; lượng thuốc lưu trữ thấp; áp dụng máy Xpert chuyên dụng hạn chế…

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp nhận 11.000 liều 3HP do CDC Hoa Kỳ viện trợ cho đối tượng nhiễm HIV, các lô thuốc 3HP do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ để hỗ trợ 16.000 bệnh nhân lao tiềm ẩn nhưng các phác đồ điều trị ngắn hạn vẫn không thể triển khai do chi phí quá cao.

Do đó, chương trình chống lao năm 2022 sẽ đề xuất đưa phòng chống lao vào Luật khám chữa bệnh và Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi; nâng cao năng lực tuyến cơ sở; sớm có phương án thanh toán khám, chữa bệnh lao qua bảo hiểm y tế; đẩy mạnh mua sắm dụng cụ xét nghiệm, máy móc, trang bị phòng hộ cá nhân… Dự kiến, ngân sách năm 2021 là khoảng 33,8 triệu USD.

Số bệnh nhân lao được phát hiện giảm hơn 23%: Đừng vội mừng - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - Ảnh: HÀ QUÂN

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho rằng Việt Nam đã biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội giảm thiểu bệnh lao vì chúng ta có hệ thống y tế 4 cấp, công tác tuyên truyền đến tận cấp phường…

Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong vẫn cao vì tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người có nguy cơ tử vong cao trên 55, 60 tuổi có bệnh nền vẫn chưa được 100%.

"Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 dù chịu ảnh hưởng của COVID-19. Chúng ta phải tranh thủ biến hiểm họa ấy thành cơ hội. Cơ hội thay đổi kiến thức, thái độ của người dân, nhà hoạch định chính sách", ông Nhung nói.

Bác sĩ Satoko Otsu, đại diện WHO tại Việt Nam, nhận định chương trình chống lao của Việt Nam "luôn đi đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh lao, liên tục chia sẻ những kinh nghiệm được nhiều nước trên thế giới học hỏi". Do đó, WHO tái khẳng định sự hỗ trợ không ngừng với Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Phát hành sách trắng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho chẩn đoán và tầm soát bệnh lao Phát hành sách trắng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho chẩn đoán và tầm soát bệnh lao

Ngày 4-6, Công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup) và FIT (tổ chức phi chính phủ của Đức hoạt động trong lĩnh vực phòng và chống lao) công bố sách trắng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho chẩn đoán và tầm soát bệnh lao tại Việt Nam.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên