Ngày 24-3, Bệnh viện Phổi trung ương tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3 với chủ đề "Việt Nam chiến thắng bệnh lao".
70% bệnh nhân lao trong độ tuổi lao động
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (theo báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 - WHO).
"Trong số người mắc có tới 70% trong độ tuổi lao động, vì vậy bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình và xã hội. Chấm dứt bệnh lao sẽ tránh cái chết không đáng có của hơn 12.000 người/năm, giúp hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao", thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, tức có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống, phát hiện bệnh nhân lao mới. Ông Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, nhận định giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng động.
"Do vậy, để đối mặt với những thách thức hiện tại, Chương trình phòng chống lao quốc gia cần tăng cường công tác phát hiện trên toàn quốc. Đặc biệt phát hiện chủ động trong cộng đồng, tăng cường quản lý điều trị, tăng cường xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây", ông Lượng nhấn mạnh.
Nguy cơ bệnh lao ở trẻ em
Theo ông Nguyễn Bình Hòa - phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao do miễn dịch của trẻ em yếu.
"Đặc biệt trẻ sống trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhiễm HIV…", ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, triệu chứng lao ở trẻ em khác với người lớn, không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, nên khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác, dễ chẩn đoán nhầm.
Một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng do có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó (còn gọi lao tiềm ẩn), dẫn đến nguy cơ diễn biến bệnh nặng và lây lan trong cộng đồng.
"Hằng năm nước ta vẫn còn nhiều ca mắc lao mới nhưng chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang người lành. Trong đó, trẻ em mắc lao đang là mối lo ngại mới. Vì vậy, phát hiện và điều trị lao sớm cho trẻ là ưu tiên hàng đầu để tiến tới chấm dứt bệnh lao", ông Hòa khuyến cáo.
Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24-3 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận