Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị lao tại Bệnh viện Phổi trung ương - Ảnh: BVCC
Theo một báo cáo được công bố hồi cuối tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận mức tăng trong các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập niên.
Báo cáo của WHO nêu rõ trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm ngoái, 1,6 triệu người đã chết. Hằng năm Việt Nam có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao.
Báo động nhiều người trẻ mắc bệnh lao
Thấy con trai mình 17 tuổi, đang theo học tại trường cấp III, sốt và ho liên tục, chị H.T.T. (44 tuổi, TP Thủ Đức) liền đưa con đến Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) để thăm khám. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán con chị bị lao phổi.
Chị T. không tin vào kết quả chẩn đoán, tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để kiểm tra, chị khá suy sụp khi kết quả chẩn đoán con chị vẫn bị lao phổi, hiện đã được chuyển về địa phương để điều trị.
"Tôi cứ nghĩ là cháu ho do COVID-19, chứ không nghĩ bệnh lao lại vận lên con mình khi còn quá trẻ như vậy, thường cũng chỉ thấy những người lớn tuổi, lao động nặng mới mắc lao. Giờ cháu phải bảo lưu kết quả học tập để điều trị bệnh", chị T. rưng rưng nước mắt cho biết.
Chị Hoa (19 tuổi, Hà Nội) đang làm công nhân may mặc tại Hà Nội. Cách đây khoảng hai tháng, Hoa có biểu hiện mệt mỏi, hay sốt về chiều, khạc đờm nhiều. Chị uống nhiều thuốc điều trị nhưng các triệu chứng không giảm. Sau đó, chị Hoa đi khám và được xác định là mắc bệnh lao phổi.
Theo WHO ước tính số ca lao trẻ em mới mắc hằng năm tại Việt Nam chiếm khoảng 10 - 11% tổng số lao mắc mới. Như vậy, mỗi năm nước ta có tới 13.000 trẻ em mắc bệnh lao mới cần phải điều trị. Trong khi đó, mỗi năm Chương trình chống lao quốc gia mới chỉ phát hiện và quản lý điều trị được 10 - 13% số ca trẻ em mắc lao mới.
Vì sao bệnh lao trẻ hóa?
TS Nguyễn Như Vinh - trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược - cho biết trẻ em (nhất là trẻ em dưới 5 tuổi), người già, phụ nữ có thai thường có sức đề kháng kém, đây là những nhóm đối tượng rất dễ bị lao khi tiếp xúc với nhóm yếu tố nguy cơ.
Ở bất cứ lứa tuổi nào khi làm việc quá mức, không nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ, thức khuya làm cho sức đề kháng kém đi, khi gặp môi trường không thuận lợi, người bị nhiễm lao ho ra và sẽ bị lây.
Theo ông Nguyễn Viết Nhung - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia - lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp.
Bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Thêm vào đó, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao, đặc biệt là thể lao sơ nhiễm - mới nhiễm rất ít nên khó phát hiện, đôi khi thầy thuốc vẫn lãng quên và không nghĩ đến có lao ở trẻ em.
Theo bác sĩ Vinh, phác đồ điệu trị bệnh lao phổi hiện nay là 6 tháng, tương tự như COVID-19 khi điều trị lao thành công, nếu sức đề kháng yếu gặp người đang nhiễm nếu không cẩn thận sẽ có thể bị nhiễm lại.
Tỉ lệ bệnh lao hiện nay của chúng ta có xu hướng ngày càng giảm, dịch COVID-19 người dân ít tiếp xúc, tăng cường đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên cũng khiến lao giảm đi.
Một thiếu niên (trái) bị bệnh lao đang khai tờ khai bệnh tại một trung tâm y tế - Ảnh: N.HIỀN
Phòng bệnh lao thế nào?
Bác sĩ Vinh khuyến cáo bệnh lao là bệnh lây qua đường hô hấp, do vậy người bị nhiễm lao phải biết giữ gìn cho cộng đồng, không khạc, nhổ tại nơi công cộng, đặc biệt rất dễ lây cho người già, trẻ em.
Người lớn khi có các triệu chứng như: ho kéo dài, sốt, sụt cân phải đi khám bệnh ngay. Trẻ nhỏ nếu không chịu lớn, gầy gò, bú kém cần phải đi khám để xem có lao hay không. Bản thân người dân nếu muốn phòng chống bệnh lao phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ăn uống điều độ, không học hành quá mức, ăn uống thất thường để phòng chống lao và có sức khỏe tốt.
Ông Nguyễn Viết Nhung cũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh lao, trẻ em cần được tiêm vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên vắc xin chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng cho trẻ sống chung với HIV.
Vì vậy, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV...) cần được tầm soát và điều trị dự phòng lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70 - 80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.
Lao kháng thuốc ở mức cao trong lịch sử
Bác sĩ Nguyễn Hoài Minh - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho biết dữ liệu giám sát gần đây cho thấy tỉ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị tốt. Chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Do đó, đã phát hiện những người bệnh nhiễm chủng kháng thuốc ngay lần đầu tiên mắc lao.
Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. (THU HIẾN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận