11/07/2013 09:01 GMT+7

Sức khỏe giảm, nguy cơ bệnh lao tăng

LÊ THANH HÀ - LAN ANH
LÊ THANH HÀ - LAN ANH

TT - Gần đây tại TP.HCM tiếp nhận điều trị cho nhiều học sinh, sinh viên mắc bệnh lao, trong đó nhiều nhất là lao phổi.

h1aTMp6s.jpgPhóng to
Một sinh viên được khám bệnh lao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Bác sĩ Đặng Minh Sang - phó phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - cho biết thống kê của chương trình chống lao TP.HCM cho thấy số lượng học sinh, sinh viên mắc bệnh lao ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2007 có 750 trường hợp thì năm 2008 tăng lên 796 trường hợp, qua năm 2009 số mắc ở đối tượng này là 867, sang năm 2010 có 911 trường hợp và năm 2011 là 932 học sinh, sinh viên bị mắc lao.

Ai cũng có thể mắc bệnh lao

Một người bị sốt, biếng ăn, sụt cân, ho kéo dài 2-3 tuần mà điều trị thuốc không khỏi phải nghĩ đến bệnh lao, nên đi khám để phát hiện và điều trị sớm. Đối với những người bệnh lao M+ thì điều quan trọng phải phát hiện sớm và phải điều trị thành công để cắt đi nguồn lây trong cộng đồng.

“Con chị bị lao phổi nặng lắm, hai đỉnh phổi trắng xóa hết”. Chiều 21-5, bác sĩ nội soi của Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM sau khi xem phim X-quang phổi của bệnh nhân T. (18 tuổi, TP.HCM) đã nói với bà H. như vậy. Bà H. vô cùng bất ngờ khi nghe bác sĩ nói rồi đưa con gái đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám. Kết quả xét nghiệm đàm, máu ngày hôm sau khẳng định em T. bị lao phổi. Theo bà H., T. là học sinh chuyên toán một trường THPT chuyên tại TP.HCM. Khoảng nửa năm nay T. hay ho, khạc đàm và sụt cân nhưng bà H. chủ quan không nghĩ con mình bị bệnh lao vì T. có tiền sử viêm amiđan quá phát.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - cho biết VN vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân mắc bệnh lao rất cao. Vì vậy, ai cũng có nguy cơ hít phải vi trùng lao bất cứ lúc nào do người mắc bệnh lao ho, khạc ra ngoài làm vi khuẩn lao phát tán, lơ lửng trong không khí. Do vậy, tỉ lệ người hít phải vi khuẩn lao lần đầu tiên trong đời thường là lúc người ta còn trẻ, nguy cơ hít phải vi khuẩn lao dễ gặp khi ở nhà trẻ, thường xuyên sinh hoạt ở nơi đông người... Tuy nhiên, không phải ai hít vi khuẩn lao cũng bị mắc bệnh lao mà chỉ 5-10% số người hít phải vi khuẩn lao sau đó mới phát sinh bệnh.

Theo bác sĩ Hồng Đức, năm 2012 vừa qua tại khoa khám bệnh Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có gần 1.000 trường hợp bị lao phổi M+ (soi đàm trong kính hiển vi thấy có vi khuẩn lao) mới được phát hiện, trong đó khoảng 20% bệnh nhân ở độ tuổi 15-24. Con số này chưa tính đến các trường hợp lao ngoài phổi khác. Trường hợp em T. nói trên là một ca rất điển hình của bệnh lao phổi do T. là học sinh có nhiều năm học, ăn ở và sinh hoạt bán trú trong nhà trường, tiếp xúc rất nhiều người nên không biết đã hít phải vi khuẩn lao từ lúc nào. Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi để vi khuẩn lao bùng phát là năm nay em T. phải tập trung học thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học, phải thức khuya dậy sớm, ăn uống thiếu chất...

Ngoài ra, còn những yếu tố khác làm sức khỏe một người suy giảm tạo điều kiện cho vi trùng lao có sẵn trong người bộc phát thành bệnh lao là người nhiễm HIV, người bị bệnh đái tháo đường, người có bệnh nào đó đang phải uống thuốc corticoide lâu ngày...

Giảm chậm trong nhóm trẻ tuổi

Ông Đinh Ngọc Sỹ, giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia, cho biết điều tra mới nhất thấy rằng tốc độ giảm bệnh nhân lao ở nhóm tuổi 35-50 ở mức khoảng 8%/năm, nhưng khi tính chung tất cả các nhóm tuổi thì mức độ giảm mắc lao chỉ có 4,4%/năm, chứng tỏ tốc độ giảm mắc ở nhóm trẻ tuổi rất chậm.

Cũng theo ông Sỹ, có một căn nguyên dẫn đến tình trạng này là việc kiểm soát lao ở trẻ em chưa được toàn diện. Trẻ em nhiễm lao và có thể bùng phát thành bệnh khi bước vào lứa tuổi đi làm. Hiện tại, chương trình chống lao quốc gia đã khảo sát mức độ nhiễm lao ở nhóm trẻ trước tuổi đi học, thấy các bé có phản ứng mức độ nhiễm lao cao hơn mức quy định được đánh giá nhiễm bệnh từ người bệnh lao. Trường hợp phản ứng nhiễm lao dưới mức quy định là các bé được dự phòng chủ động bằng tiêm ngừa bệnh lao.

Chương trình phòng chống lao quốc gia đã triển khai tiểu dự án kiểm soát lao ở trẻ em, ngoài tiêm phòng lao cho trẻ trên toàn quốc ở chín địa phương có thêm chương trình cho các bé dưới 4 tuổi sống trong gia đình có người thân mắc lao và trẻ dưới 14 tuổi có HIV uống thuốc dự phòng lao trong sáu tháng liên tục.

Gia tăng bệnh nhân lao đa kháng thuốc

Số liệu của chương trình phòng chống lao quốc gia vừa khảo sát cho thấy bệnh nhân lao đa kháng thuốc đã tăng từ mức 2,7% lên 3-4%. 35 tỉnh thành đã triển khai chương trình điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Tuy nhiên, ông Đinh Ngọc Sỹ đánh giá khó khăn của kiểm soát lao đa kháng thuốc là việc tuân thủ điều trị, trong khi chi phí điều trị cho nhóm bệnh nhân này gấp 80 lần so với điều trị bệnh nhân lao thông thường.

LÊ THANH HÀ - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên