23/05/2024 16:26 GMT+7

Việt Nam lên tiếng vụ Hải cảnh Trung Quốc có thể giam người không qua xét xử

Trước các động thái của Trung Quốc, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của công dân theo luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao trả lời về một quy định mới liên quan Hải cảnh Trung Quốc

Chiều 23-5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về một quy định mới liên quan Hải cảnh Trung Quốc.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền

Theo truyền thông Trung Quốc, vào ngày 15-5 vừa qua, nhà chức trách nước này đã ban hành một quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 15-6 tới.

Trong đó Điều 257 cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tạm giữ tới 30 ngày người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh Trung Quốc.

Đối với những vụ việc phức tạp, thời hạn giam giữ có thể được kéo dài đến 60 ngày, sau khi được cơ quan hải cảnh cấp trên chấp thuận. Cơ quan hải cảnh cấp tỉnh có quyền tự phê duyệt việc gia hạn thời gian giam giữ.

Báo South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) diễn giải những hành vi nêu trên bao gồm việc xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và Hải cảnh Trung Quốc có thể giữ người suốt nhiều ngày mà "không qua xét xử".

Các nhà lập pháp và quan chức Philippines đã phản đối vì cho rằng quy định này sẽ được áp dụng trên Biển Đông.

Về vấn đề này, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhắc lại quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Ông nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Phản đối Trung Quốc đưa tàu bệnh viện tới Hoàng Sa

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại cuộc họp báo ngày 23-5 - Ảnh: NAM TRẦN

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại cuộc họp báo ngày 23-5 - Ảnh: NAM TRẦN

Cũng tại họp báo, trả lời tiếp câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu bệnh viện thuộc Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đến Hoàng Sa, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động liên quan vi phạm chủ quyền của Việt Nam".

Thông tin về hoạt động của tàu bệnh viện Trung Quốc được hé lộ hôm 21-5 trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Con tàu mang tên Youai, thuộc một phân đội tàu phụ trợ của Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ PLA, đã có chuyến hải trình 600 hải lý trong 7 ngày đến các thực thể tại quần đảo Hoàng Sa.

CCTV không nói rõ thời gian triển khai, nhưng cho biết con tàu đã khám sức khỏe, chẩn đoán và điều trị, tư vấn tâm lý cho các binh sĩ Trung Quốc đóng quân trái phép tại Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu bệnh viện Youai của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tại một vùng biển "chưa xác định" trong bức ảnh được công bố năm 2021 - Ảnh: PLAN

Tàu bệnh viện Youai của Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tại một vùng biển "chưa xác định" trong bức ảnh được công bố năm 2021 - Ảnh: PLAN

Cũng trong chuyến đi, tàu bệnh viện của PLAN đã tiến hành một loạt khoa mục huấn luyện bao gồm chuyển người bị thương trong các tình huống khẩn cấp, thực hiện sơ cứu ở tuyến đầu và giải cứu các tàu bị hư hỏng, CCTV cho biết.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc sau đó dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này cho rằng việc triển khai tàu bệnh viện cho thấy PLAN có khả năng hỗ trợ y tế ở bất kỳ đâu họ cần.

Các tàu bệnh viện cỡ nhỏ như Youai có lợi thế khi thực hiện nhiệm vụ ở các đảo, bãi đá do vùng nước xung quanh thường khá nông.

"Điều kiện sống trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông đang gặp nhiều thách thức do môi trường tự nhiên và khoảng cách từ đất liền. 

Do đó, nó chắc chắn có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Các chuyến thăm của tàu bệnh viện có thể làm giảm bớt tác động đó", Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một nhà phân tích giấu tên tiết lộ.

Tờ này kế đó ám chỉ Trung Quốc có thể triển khai lâu dài các tàu bệnh viện tại một số thực thể trên Biển Đông để "điều trị khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn với tàu Trung Quốc hoặc tàu nước ngoài đi qua trong khu vực".

Tuy nhiên, như một số chuyên gia quốc tế đã cảnh báo, đây có thể là "cái bẫy cung ứng nhân đạo" của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974.

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Trung Quốc đã nhiều lần ngang nhiên cải tạo, xây dựng nhiều công trình, công sự và có các hoạt động phi pháp khác trên các thực thể thuộc quần đảo này.

Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974

Bộ Ngoại giao nhấn mạnh các hành động sử dụng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên