08/07/2021 16:36 GMT+7

Việt Nam góp nửa triệu USD cho cơ chế vắc xin COVAX

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và mong muốn các nước thể hiện trách nhiệm trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã quyên góp nửa triệu USD cho COVAX.

Việt Nam góp nửa triệu USD cho cơ chế vắc xin COVAX - Ảnh 1.

Vắc xin Moderna của Mỹ viện trợ cho El Salvador tại sân bay Oscar Arnulfo Romero ngày 5-7 - Ảnh: REUTERS

"Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế và đặc biệt là vắc xin (vaccine) để cùng phòng chống - kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường", bà Thu Hằng nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 8-7.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiếp nhận 4 loại vắc xin ngừa COVID-19.

Cụ thể: 4,4 triệu liều AstraZeneca (từ cơ chế COVAX, nguồn tự mua và viện trợ của Chính phủ Nhật Bản); 2.000 liều Sputnik V do Chính phủ Nga trao tặng; 500.000 liều vắc xin của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và mới đây nhất là 97.000 liều Pfizer ngày 7-7.

"Cơ chế COVAX đã cam kết dành ưu tiên cho Việt Nam trong các đợt phân bổ vắc xin tiếp theo và sẽ chuyển 2 triệu vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ cung cấp, dự kiến sẽ đến Việt Nam ngay trong tuần này", bà Thu Hằng thông tin thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định trên tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đóng góp cho cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX số tiền 500.000 USD.

Hôm 6-7, Nhà Trắng thông báo đã chuyển 2 triệu liều vắc xin Moderna đến Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Vắc xin COVID-19 của Moderna là loại vắc xin thứ 5 được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 29-6.

Theo một quan chức Nhà Trắng đề nghị giấu tên, lô vắc xin viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam "chỉ là bước khởi đầu" cho các đợt viện trợ vắc xin của Mỹ đến Đông Nam Á.

Vị này cũng nhắc lại quan điểm của chính quyền Washington là không chạy đua "ngoại giao vắc xin" với Trung Quốc và Nga mà chỉ vì lý do nhân đạo và muốn sớm kết thúc đại dịch.

"Vắc xin của chúng tôi không đi kèm với các điều kiện ràng buộc", quan chức này khẳng định với Hãng thông tấn AFP.

Cũng trong cùng ngày 6-7, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Nhật Bản sẽ gửi thêm vắc xin AstraZeneca đến Việt Nam, Philippines và Thái Lan trong tuần này. Mỗi nước sẽ nhận được thêm 1 triệu liều từ Nhật Bản, theo Hãng tin Reuters.

Vắc xin do Trung Quốc viện trợ sẽ được tiêm cho người Trung Quốc

Trước thông tin của một số báo đài nước ngoài nói rằng Việt Nam sử dụng 500.000 liều vắc xin của hãng Sinopharm do Trung Quốc viện trợ “không đúng theo thỏa thuận”, bà Thu Hằng khẳng định số vắc xin này sẽ được triển khai, sử dụng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của chính phủ ngày 26-2-2021 về việc mua và sử dụng vắc xin ngừa COVID-19.

“Đồng thời trên cơ sở đề nghị của phía Trung Quốc, Việt Nam cũng sẽ tiến hành tiêm chủng cho các công dân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Ngày 7-7, ngay sau khi UBND TP.HCM có đề nghị về việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phản hồi đồng ý cho thành phố thực hiện từ 0h ngày 9-7.

Trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vắc xin sẽ về trong tháng 7-2021 cho TP.HCM đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên vắc xin cho TP.HCM Thủ tướng yêu cầu ưu tiên vắc xin cho TP.HCM

TTO - Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vắc xin sẽ về trong tháng 7 cho TP.HCM, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, an toàn và hiệu quả.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên