Trả lời báo chí, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới tại COP28 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được nước chủ nhà và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Quốc tế đánh giá cao cam kết, tinh thần "nói là làm"
Đặc biệt, bài phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị đã truyền tải những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách của Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Đó là việc ta đề cao trách nhiệm và cam kết của Việt Nam để ứng phó trước biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Việt Nam nêu bật 12 biện pháp lớn đã triển khai kể từ Hội nghị COP26 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.
Đáng chú ý là việc Thủ tướng công bố kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Một số sáng kiến hợp tác đa phương mới cũng mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, đối tác đều đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Các nước cũng đánh giá cao cam kết và tinh thần "nói là làm" của Việt Nam. Việt Nam được các đối tác nhiều lần nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu" - ông Việt nói.
Trao đổi với báo chí Việt Nam tại COP28, Tổng giám đốc HSBC Noel Paul Quinn cũng bày tỏ rất tâm đắc và thấy được tầm nhìn của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lộ trình thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
"HSBC sẽ nỗ lực đóng góp cho việc thực hiện tầm nhìn đó”, ông nói và khẳng định HSBC đã được truyền cảm hứng bởi kế hoạch quốc gia chuyển đổi xanh của Việt Nam và ngân hàng sẽ nỗ lực hết mình giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Trong khi đó, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende đánh giá Việt Nam được biết đến là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Bằng chứng ngày càng có nhiều công ty có tên tuổi được xây dựng ở Việt Nam để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu.
“Chúng tôi khá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới và rất vui mừng khi thảo luận về những cách thức phát triển, đặc biệt trong các ngành dịch vụ, công nghệ số” - ông Borge Brende nói.
Khai mở thị trường Trung Đông
Cũng tại UAE, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết các cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng với các lãnh đạo cấp cao của UAE đã giúp đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA).
Mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỉ USD, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành halal, thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính, logistics, thể thao...
Với chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, thứ trưởng đánh giá chuyến thăm lần này là bước đột phá trong quan hệ hai nước. Các nhà lãnh đạo thống nhất nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước khi lần đầu tiên hai bên đã ra Tuyên bố chung. Mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 4 - 5 tỉ USD trong thời gian tới, nâng cấp quan hệ và khởi động đàm phán FTA.
Đồng tình vấn đề này, khi trả lời báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính và Ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cũng cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng là cơ hội để nâng cấp mối quan hệ hai nước lên đối tác toàn diện.
"Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và chúng tôi tin tưởng mối quan hệ của hai nước sẽ phát triển. Bởi hai quốc gia có nhiều lĩnh vực có thể bổ sung được cho nhau, trọng tâm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa" - ông Mehmet Simsek nói.
Còn theo ông Việt, với các đối tác khu vực Trung Đông, việc Thủ tướng có hai chuyến thăm đến khu vực này trong vòng 2 tháng qua đã gửi đi thông điệp về sự quan tâm và ưu tiên Việt Nam trong phát triển quan hệ với các đối tác đầy tiềm năng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận