Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) từ ngày 1 đến 2-12.
Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Dự kiến sẽ có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng ngàn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên cùng các bên liên quan khác.
Tại COP28, nhà lãnh đạo các nước xác định nhiều mục tiêu ưu tiên gồm giảm phát thải khí nhà kính. Các bên tiếp tục thúc đẩy việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải mang tính khả thi.
Hội nghị lần này cũng tiếp tục thảo luận xây dựng tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.
Về thích ứng với biến đổi khí hậu, COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh tăng cường thực hiện hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương, COP28 sẽ tiếp tục thảo luận về giải pháp giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại, cơ chế vận hành và đóng góp nguồn lực cho Quỹ tổn thất và thiệt hại đã được thành lập tại COP27.
Về tài chính khí hậu, tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỉ USD mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020, sẽ được xem xét tại COP28.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, biện pháp đa dạng hóa các nguồn tài chính khí hậu, đặc biệt là tài chính tư nhân.
Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, Hội nghị COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện, trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi các tín chỉ carbon hình thành theo cơ chế phát triển sạch sang cơ chế phát triển bền vững, theo quy định của Thỏa thuận Paris.
Về đánh giá nỗ lực toàn cầu, COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, tại hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận