20/09/2023 15:56 GMT+7

Việt Nam chủ động thích ứng quy định về chống phá rừng của EU

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có chuyến làm việc với các cơ quan của Ủy ban châu Âu (EC) tại Bỉ.

Cà phê là ngành hàng chủ lực bị ảnh hưởng bởi quy định chống phá rừng của châu Âu - Ảnh: H. KHOA

Cà phê là ngành hàng chủ lực bị ảnh hưởng bởi quy định chống phá rừng của châu Âu - Ảnh: H. KHOA

Ngày 20-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong chuyến làm việc của bộ với các cơ quan của Ủy ban châu Âu (EC) tại Bỉ ngày 18-9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những trao đổi, đề nghị liên quan đến quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR).

Việt Nam chủ động thích ứng và tuân thủ quy định về chống phá rừng của EU

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ thông điệp của Việt Nam về việc tuân thủ quy định này không chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Ngay khi EC thông qua EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo EC, và nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.

"Đã có sự hợp tác và cùng hành động của các cơ quan nhà nước ở trung ương tới địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng và bà con nông dân. Hiện nay các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng bị ảnh hưởng đã tự tin hơn và đã bắt đầu triển khai các hoạt động để thích ứng với EUDR" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Song ông Hoan cũng chia sẻ những tác động trực tiếp đến một số chuỗi cung ứng ngành hàng và tới sinh kế của nông hộ, đặc biệt là các nông hộ quy mô nhỏ vốn chiếm tỉ lệ chi phối ở Việt Nam khi quy định có hiệu lực vào tháng 1-2025.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với các cơ quan của EC về EUDR - Ảnh: ANH TUẤN

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với các cơ quan của EC về EUDR - Ảnh: ANH TUẤN

Các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng.

Để thích ứng với EUDR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan EC có quy trình, lộ trình cụ thể và có tài liệu hướng dẫn cho các ngành bị ảnh hưởng để chuẩn bị đáp ứng quy định có hiệu lực vào tháng 1-2025.

Thứ hai, có giải pháp giảm thiểu chi phí cho các tác nhân trong chuỗi giá trị trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc.

Thứ ba, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa Việt Nam thành trường hợp điển hình hỗ trợ của EU và các đối tác thực hiện thích ứng với EUDR. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi EUDR.

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề trong thực thi EUDR.

EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

Về phía EC nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam về việc biến thách thức thành cơ hội đã tạo cảm hứng cho EC trong làm việc với các đối tác, và là hình mẫu toàn cầu về thích ứng với EUDR và phát triển bền vững.

Các cơ quan EC cũng đánh giá cao hành động nhanh chóng và sẵn sàng của Việt Nam trong việc thích ứng với EUDR. Đồng thời cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Trong đó, trước mắt, EC sẽ triển khai dự án "Nông nghiệp bền vững vì các hệ sinh thái rừng" (dự án SAFE) hỗ trợ chuyển đổi bao trùm các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng theo EUDR tại Việt Nam. Trong đó, tập trung vào cà phê là ngành hàng chủ lực bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Đồng thời EC khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn và các tổ chức phát triển hợp tác với bộ theo hình thức đối tác công - tư để triển khai việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả, phù hợp, chi phí thấp, tăng cường hệ thống giám sát và chuyển đổi sinh kế cho nông dân ở những vùng rủi ro.

Đây là nền tảng để đảm bảo đưa Việt Nam vào nhóm rủi ro thấp khi áp dụng EUDR, xây dựng uy tín và thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Châu Âu cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng: Doanh nghiệp Việt mừng hay lo?Châu Âu cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng: Doanh nghiệp Việt mừng hay lo?

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31-12-2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên