12/06/2023 11:50 GMT+7

Việt Nam bao dung, rộng lượng

Năm 1988, hoạt động tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh chung đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ được tổ chức, đánh dấu bước ngoặt mới trong hợp tác nhân đạo vì vấn đề MIA.

Giám đốc DPAA Kelly K. McKeague trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ ngày 9-6 - Ảnh: DANH KHANG

Giám đốc DPAA Kelly K. McKeague trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ ngày 9-6 - Ảnh: DANH KHANG

Tôi không có từ ngữ nào để nói đủ về sự cống hiến, sự hỗ trợ cũng như sự chuyên nghiệp của phía Việt Nam trong vấn đề MIA.
Giám đốc DPAA Kelly K. McKeague

Hai tuần sau khi ký Hiệp định Paris (tháng 1-1973), Việt Nam thành lập Văn phòng tìm kiếm người mất tích (VNOSMP). Năm 1988, hoạt động tìm kiếm chung đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ được tổ chức, đánh dấu bước ngoặt mới trong hợp tác nhân đạo vì vấn đề MIA.

Trung tuần tháng 6 này, nhân kỷ niệm 50 năm và 35 năm hai cột mốc trên, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn đặc biệt với giám đốc Cơ quan Kiểm kê tù binh và người mất tích (DPAA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Kelly K. McKeague. Ông gia nhập quân đội Mỹ khi tiếng súng đã ngừng ở Việt Nam và về hưu với quân hàm thiếu tướng, sau đó trở thành giám đốc DPAA.

Ông Kelly K. McKeague trong chuyến thị sát một khu vực tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Quảng Ngãi năm 2018 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Ông Kelly K. McKeague trong chuyến thị sát một khu vực tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Quảng Ngãi năm 2018 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Chúng tôi học được nhiều từ Việt Nam

* Đã nửa thế kỷ trôi qua và có rất nhiều việc, nhiều thông tin đồ sộ để nói về hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ trong vấn đề hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA). Ông có thể nêu sơ lược những việc Việt Nam và Mỹ đã làm?

- 10 năm sau khi cuộc chiến kết thúc và 10 năm trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã có đủ sự tin tưởng để có thể phối hợp trong vấn đề MIA. 

Việt Nam phối hợp rất chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề MIA. Công việc đầu tiên luôn bắt đầu với giấy tờ, hồ sơ. Chúng tôi cùng nghiên cứu hồ sơ lưu trữ, các tài liệu về những trận đánh rồi phỏng vấn nhân chứng với hy vọng có thể chỉ điểm và thu hẹp khu vực nghi ngờ có hài cốt người Mỹ mất tích. 

Các chuyên gia điều tra của cả hai bên đến khu vực nghi ngờ để xác thực và thu nhỏ hơn nữa phạm vi tìm kiếm. Đội khai quật sau đó sẽ được cử đến, dò tìm từng mảnh xương hay bất kỳ mẫu vật nào có thể trả lời câu hỏi về người mất tích.

Mỗi đợt khai quật thường kéo dài từ 45 đến 60 ngày, cần từ 20 đến khoảng 100 người dân địa phương hỗ trợ. Công việc rất nặng nhọc, lại trong các điều kiện không mấy dễ chịu nên đòi hỏi sự bền chí và chăm chỉ của con người. 

Chẳng hạn như hiện nay chúng ta đang tiến hành đợt tìm kiếm, khai quật hỗn hợp thứ 151 ở Quảng Bình. Hơn 730 gia đình quân nhân Mỹ mất tích đã có được câu trả lời nhờ vào các hoạt động của Mỹ và Việt Nam hàng chục năm qua.

Ông Kelly K. McKeague, giám đốc DPAA thị sát khu vực tìm kiếm, khai quật người Mỹ mất tích trên biển Nha Trang ngày 10-6-2023 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp

Ông Kelly K. McKeague, giám đốc DPAA thị sát khu vực tìm kiếm, khai quật người Mỹ mất tích trên biển Nha Trang ngày 10-6-2023 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp

* Điểm khác biệt lớn nhất trong hợp tác về vấn đề MIA ở Việt Nam so với những nước khác là gì, thưa ông?

- DPAA hiện đang có các hợp tác về MIA ở 45 nước. Chúng tôi vẫn đang đi tìm các quân nhân mất tích từ Thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên... và cuộc chiến ở Việt Nam.

Tuy nhiên, quốc gia cho chúng tôi nhiều kiến thức nhất về vấn đề này là Việt Nam. Nơi chúng tôi có nhiều hoạt động hợp tác và phối hợp lâu dài nhất cũng là ở Việt Nam. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất của Việt Nam so với 44 nước còn lại. 

Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia hiếm hoi mà Mỹ có niềm tin đội ngũ sở tại có thể đơn phương tiến hành điều tra và khai quật, vì họ có năng lực và làm đúng các yêu cầu kỹ thuật của chúng tôi.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper tham gia công việc cùng người dân địa phương tại một địa điểm khai quật, tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper tham gia công việc cùng người dân địa phương tại một địa điểm khai quật, tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Những người mẹ dù ở đâu cũng đều trông con về

* Ông đến Việt Nam lần đầu năm 1999 và bắt đầu làm công tác MIA từ năm 2012. Quãng thời gian ngắn có để lại trong ông ấn tượng gì không?

- 11 năm làm công tác MIA, có hai chuyện in sâu vào tâm trí tôi. Câu chuyện đầu tiên là về cố thiếu tá phi công Dean Klenda, người bị bắn rơi vào năm 1965. 

Một người nông dân Việt Nam đã tìm thấy một mảnh xương lạ và báo cho VNOSMP. Đội điều tra và khai quật được cử đến và tìm thấy nhiều mảnh cốt khác của anh ấy.

Năm 2014, sau khi định dạng được ADN nhờ vào người em gái nhỏ hơn 4 tuổi, hài cốt của phi công Dean Klenda được đưa về Mỹ và chôn cất cạnh mộ phần của cha mẹ anh ấy. 

Lúc trao trả hài cốt cho gia đình năm 2016, người em gái đã nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Cuối cùng, sau 51 năm, tôi cũng đã được ôm người anh trai yêu quý của mình một lần nữa. Chúng ta không bao giờ được từ bỏ hy vọng của mình".

Câu chuyện thứ hai là về trung tá hải quân Paul Charvet, người mất tích khi chỉ còn hai nhiệm vụ nữa là được về nhà. Máy bay ông ấy bị bắn rơi ở Quảng Bình, manh mối xuất hiện ngay trong lúc dịch COVID-19 bùng phát. Nhưng Việt Nam đã không dừng sứ mệnh nhân đạo này lại, dù không có các chuyên gia Mỹ hỗ trợ.

Cuối cùng thì hài cốt của ông Charvet được tìm thấy, nằm trong số 16 bộ được Việt Nam khai quật trong thời gian COVID-19. Khi chúng tôi báo tin cho người em gái của ông ấy, bà đã chạy đến viện dưỡng lão, nơi người mẹ 101 tuổi của cả hai đang an dưỡng. 

Bà ấy kể lại rằng chỉ vừa bước vào và nói có tin tốt lành, người mẹ không cần nghe thêm đã hỏi lại ngay: "Thằng Paul sắp về với mẹ đúng không?". Người chị rất ngạc nhiên và hỏi lại: "Làm sao mẹ biết con sắp báo tin ấy?". "Mẹ biết và mẹ luôn biết một ngày nào đó Paul sẽ về nhà", bà cụ đáp. Lúc ấy đã là 54 năm bà chờ đợi tin con.

Ông Kelly K. McKeague băng rừng trong chuyến thị sát một khu vực tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Quảng Ngãi năm 2018 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Ông Kelly K. McKeague băng rừng trong chuyến thị sát một khu vực tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Quảng Ngãi năm 2018 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

* Cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, vật đổi sao dời - liệu đó có phải là thách thức với hợp tác MIA giữa hai nước?

- Đúng như anh nói, thời gian đang không ủng hộ chúng ta. Vẫn còn 1.243 người Mỹ chưa rõ tung tích. Các nhân chứng, những người nắm giữ manh mối tìm thấy địa điểm có thể có hài cốt người mất tích, ngày càng ít đi hoặc già yếu và mất ký ức. Môi trường thay đổi, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng có nguy cơ xóa sạch dấu vết về chiến trường xưa.

5 năm tới sẽ là khoảng thời gian rất quan trọng. Chúng ta cần phải phối hợp nhanh hơn và hiệu quả hơn trong những năm tới, ví dụ phải tìm được nhanh hơn các nhân chứng còn sống và phỏng vấn họ.

* Vậy còn hàng vạn bộ đội Việt Nam vẫn còn đang mất tích, DPAA có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam?

- Khi nhắc đến vấn đề này, đối với Mỹ, đó không chỉ là trách nhiệm đáp lại những giúp đỡ của Việt Nam mà còn là nghĩa vụ của chúng tôi.

Chúng tôi sẽ giúp Việt Nam theo hai cách. Thứ nhất, nghiên cứu và phân tích các tài liệu, hồ sơ lưu trữ để chuyển cho Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã giao cho Đại học Harvard tìm kiếm, phân loại hàng triệu trang tài liệu để tìm ra các thông tin hữu ích và trao cho Việt Nam.

Thứ hai là giúp Việt Nam tăng cường năng lực pháp y, xác định được các mẫu hài cốt được tìm thấy. Đất ở Đông Nam Á có tính axit lớn nên phân hủy các mảnh xương nhanh. Tuy nhiên với các công nghệ tiên tiến hiện nay của Mỹ, thách thức này có thể vượt qua được.

Câu chuyện xúc động của ông Trần Khánh Phôi

Trong bài phát biểu kỷ niệm 50 năm thành lập VNOSMP và 35 năm hoạt động hỗn hợp MIA giữa Mỹ và Việt Nam vào ngày 8-6 tại Hà Nội, Giám đốc DPAA Kelly McKeague nhấn mạnh các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đã thể hiện "một lòng tin lớn lao và sự cảm thông sâu sắc" khi giao cho VNOSMP trách nhiệm khảo sát, tìm kiếm và quy tập hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

"Đây rõ ràng không phải là một quyết định dễ dàng, bởi nó đồng nghĩa với việc cho phép chính kẻ địch trước đây tìm lại binh lính của mình" - ông chia sẻ.

Khi được hỏi về câu chuyện đau thương của ông Trần Khánh Phôi - người mất cha, anh trai và chị gái vì cuộc chiến liên quan Mỹ, nhưng sau đó làm công tác MIA, ông McKeague gọi đây là câu chuyện "quá đỗi phi thường" và "đầy xúc động".

"Câu chuyện của anh Phôi là một trong số nhiều minh chứng cho thấy sự bao dung của người Việt Nam sau cuộc chiến. Rất nhiều người đang giúp đỡ các đội hỗn hợp Việt Nam - Mỹ làm công tác MIA trên khắp đất nước này dù chính họ cũng đã chịu nhiều mất mát, đau thương trong cuộc chiến. Những cá nhân đó đang giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm người mất tích một cách cao thượng và rộng lượng", ông McKeague chia sẻ với Tuổi Trẻ.

50 năm Việt Nam tìm người Mỹ mất tích: Giọt nước mắt đau đớn và lời cảm ơn50 năm Việt Nam tìm người Mỹ mất tích: Giọt nước mắt đau đớn và lời cảm ơn

Cả khán phòng chìm trong im lặng, chỉ còn tiếng sụt sùi của ông Trần Khánh Phôi. Cuộc chiến khiến gia đình ông chịu quá nhiều đau đớn, nhưng 30 năm qua ông vẫn đi tìm những người Mỹ mất tích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên