16/09/2013 16:18 GMT+7

Vì tình yêu nghề, nhà báo quên nguy hiểm để săn tin

TR.N. thực hiện
TR.N. thực hiện

TTO - Theo dõi loạt bài phóng viên chiến trường đăng trên Tuổi Trẻ Online (từ 10 đến 16-9), phóng viên ảnh đoạt giải Pulitzer năm 1972 Nick Út dành cho chúng tôi những chia sẻ về nghề nghiệp đặc biệt này.

JqU8AAMo.jpgPhóng to
Nick Út với phía sau là bức ảnh đoạt giải Pulitzer chụp cô bé Kim Phúc bị bỏng do bom napalm trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: facebook N.U
xqDOcwJF.jpgPhóng to

Phóng viên Remi Ochlik đeo mặt nạ chống độc như "người ngoài hành tinh" khi tác nghiệp trong cuộc xung đột ở Cairo (Ai Cập) - Ảnh: Reuters.

qNz5hTXn.jpgPhóng to
Một binh sĩ giương nòng súng đe dọa một nhà báo quay phim tại khu vực Palestine - Israel. Ảnh: reporter.
gbZs6uhu.jpgPhóng to
Một phóng viên gục ngã khi tác nghiệp trong cuộc xung đột Ai Cập. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi tin chúng tôi tạo ra thay đổi"

Sứ mệnh của chúng tôi là nêu lên sự thật. Chúng tôi gửi về bản thảo thô đầu tiên của lịch sử. Chúng tôi tạo ra sự khác biệt trong việc vạch trần những điều khủng khiếp trong chiến tranh một cách xác đáng và khách quan, đặc biệt là những hành động tàn bạo lên dân thường.

Những phóng viên đưa tin về chiến trường gánh trên vai trách nhiệm và đối mặt với nhiều chọn lựa khó khăn. Đôi lúc họ phải trả một giá khủng khiếp (bị giết, bắt cóc...).

Nhiều người tự hỏi liệu (việc đưa tin chiến trường) có xứng với cái giá phải trả bằng mạng sống, nỗi buồn và mất mát? Liệu chúng ta có thể thay đổi được gì? Tôi từng đối mặt với câu hỏi này khi bị thương. Câu trả lời của tôi lúc đó lẫn bây giờ là nó xứng đáng.

Lời nhà báo nữ Marie Colvin, thiệt mạng tại Syria ngày 22-2-2012

* Rất nhiều phóng viên chiến trường tiếp tục thiệt mạng khi các cuộc chiến vẫn diễn ra (Iraq, Syria…), có phải ngày nay để có thông tin họ dám chấp nhận rủi ro hơn hay các cuộc xung đột ngày càng nguy hiểm hơn?

- Phóng viên chiến trường thì luôn luôn chấp nhận sự nguy hiểm. Vì họ yêu nghề nghiệp nên quên đi hiểm nguy để săn tin.

Tôi nhớ hồi chiến tranh Việt Nam, các phóng viên chiến trường của Hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc ai cũng từng bị thương tích. Bản thân tôi bị thương ba lần, một lần suýt chết vì xe cán phải mìn chống tăng. Anh trai đồng thời cũng là người dạy tôi chụp ảnh là Huỳnh Văn Mỹ "sinh nghề tử nghiệp" khi mới 27 tuổi.

Tôi cho rằng các chiến trường hôm nay như Afghanistan, Iraq, Syria… có mức độ nguy hiểm hơn các chiến trường nhiều thập niên trước.

Phóng viên chiến trường ngày nay cũng khác với thời chiến tranh Việt Nam.

Về phương tiện tác nghiệp thì hiện phóng viên chiến trường chỉ cần máy tính xách tay nối mạng, hai máy ảnh kỹ thuật số. Phóng viên chiến trường phải theo dõi tin tức mỗi ngày để biết địa điểm các trận đánh. Nếu họ thông thạo ngôn ngữ địa phương thì tốt hơn là thuê phiên dịch.

* Mỗi lần chứng kiến cảnh tượng đau lòng, phóng viên chiến trường thường bị giằng xé tâm lý: tiếp tục tác nghiệp với “cái đầu lạnh” để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hay phải thể hiện đạo đức con người bình thường: giúp đỡ đồng loại trước tiên. Anh có thể cho biết quan điểm cá nhân về tranh luận này?

- Tôi luôn tìm kiếm những hình ảnh mang tính khoảnh khắc. Tùy từng trường hợp cụ thể, với trách nhiệm một phóng viên bạn cần có được những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc rồi sau đó sẽ giúp nạn nhân (nếu có thể).

Ví dụ trong hoàn cảnh nạn nhân bị thương vì bom rơi đạn nổ đang được nhiều người xung quanh cứu chữa thì phóng viên nên tiếp tục trách nhiệm thực hiện phóng sự ảnh của mình, để ghi lại những khoảnh khắc sự kiện mà công chúng rất cần được thấy sau này.

Năm 1994, phóng viên Nam Phi Kevin Carter đoạt giải Pulitzer với bức ảnh chụp con kền kền phía sau một đứa trẻ sắp chết vì đói tại Sudan. Sự chỉ trích của một bộ phận công chúng khiến Carter phải tự tử ở tuổi 33 vì không chịu nổi áp lực.

Thực tế sau khi chụp xong Carter đã đuổi con chim đi và đứa bé được cứu sống lúc đó. Nếu Carter không chụp khoảnh khắc đó thì thế giới đã không có được một bức ảnh đầy giá trị khiến mọi người quan tâm đến nạn đói ở châu Phi như thế.

* Ngày nay, nhờ mạng xã hội, YouTube… các hình ảnh chiến sự, vùng xung đột có thể được những nhà báo công dân chụp, quay và đưa nhanh lên mạng. Điều này liệu có khiến vai trò và giá trị của phóng viên chiến trường giảm đi?

- Trong tình hình nhiều cơ quan báo chí cắt giảm nhân sự, các đài truyền hình đóng cửa bớt văn phòng đại diện, ngay cả hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Reuters giờ cũng hạn chế đưa phóng viên đi tường thuật chiến tranh vì nguy hiểm và tốn kém chi phí.

Các bức ảnh của nhà báo công dân có thể không đẹp nhưng họ có mặt đúng thời điểm, trước lúc các phóng viên đến. Thực tế là phóng viên chuyên nghiệp có thể đưa tin ảnh chậm hơn cả những người dân dùng điện thoại thông minh như iPhone để chụp, quay phim và nhanh chóng tải lên mạng xã hội.

* Theo anh, các phóng viên Việt Nam có nên đến các điểm nóng thế giới như Syria, Iraq… hay không?

- Tôi nghĩ nếu có điều kiện, phóng viên Việt Nam nên có mặt tại các điểm nóng như Iraq, Syria dù một chuyến công tác như vậy phải trên hai tuần và tốn kém chi phí.

Các tòa soạn nào không có điều kiện thì chọn cách mua hình ảnh và thông tin từ các hãng thông tấn sẽ thuận tiện hơn.

"Phóng viên chiến trường làm một “công việc đặc biệt” trong một "hoàn cảnh đặc biệt” và thường phải có những “quyết định đặc biệt”. Họ là người giỏi nghề, từng trải, can đảm và bình tĩnh. Họ có sự quan sát, biết phân tích, đánh giá và phán đoán sáng suốt tình huống. Mỗi khi đến nơi nào đó tác nghiệp, phóng viên chiến trường có sự tìm hiểu, nắm chắc các yếu tố về địa lý, con người, tập quán. Một yếu tố khác không thể thiếu là sự may mắn" - Nguyễn Văn Vinh, nguyên phóng viên truyền hình (video journalist) của Hãng thông tấn Reuters từng tác nghiệp ở chiến trường Afghanistan.

Xem loạt bài phóng viên chiến trường trên Tuổi Trẻ Online:

* Kỳ 1:Không gì nguy hiểm hơn làm phóng viên chiến trường

* Kỳ 2:Chiến trường Syria - trận địa kinh hoàng

* Kỳ 3:Phóng viên Việt Nam đối diện lửa và máu

* Kỳ 4:Ác mộng dưới làn bom ở Libăng

* Kỳ 5:Đi vào "chiến trường khủng bố"

* Kỳ 6:Phóng viên chiến trường online

TR.N. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên