Phóng to |
Đến tận hôm nay, phụ nữ và trẻ em Iraq vẫn đang gánh chịu nhiều đau thương chết chóc kể từ cuộc chiến 2003. Ảnh: AFP. |
Ngày 11-9-2013, nước Mỹ kỷ niệm tròn 12 năm vụ khủng bố tấn công (2001-2013) - sự kiện dẫn đến quân đội Mỹ quyết định tiến hành chiến tranh chống phe Taliban ở Afghanistan. Cho đến tận bây giờ những vụ giết chóc, đánh bom xe, bom tự sát… vẫn xảy ra hằng ngày như cơm bữa tại Afghanistan lẫn Iraq.
Mới nhất ngày 28-8, Taliban đánh bom liều chết và xả súng vào một căn cứ NATO ở Afghanistan làm 7 người thiệt mạng, 58 người bị thương.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc thống kê chỉ trong nửa đầu năm 2013 đã có hơn 4.000 người Iraq bị chết. Ngày 12-9, vụ bom xe mới nhất tại Baghdad giết chết 33 người và làm bị thương 55 người.
Giữa tháng 10-2001, báo Tuổi Trẻ cử Cam Ly và Ngọc Danh đi Pakistan để tìm cách vào Afghanistan. Họ tác nghiệp ở Islamabad đến gần cuối tháng 11 cùng năm. Giữa cuối tháng 3-2003, Cam Ly và đồng nghiệp Nhất Sơn đến “nằm vùng” tại Jordan và bắt đầu vượt biên giới vào Iraq từ đêm 11-4. Cả hai trở về VN an toàn cuối tháng 4. |
NGỌC DANH: Phơi bày sự hung tàn của chiến tranh
* Ngọc Danh có sợ hãi khi được tòa soạn giao trách nhiệm lên đường tác nghiệp tại vùng chiến sự? Mẹ anh có lo lắng cho sinh mạng con trai bà?
- Sợ hãi thì không bởi vì tôi tình nguyện đi chứ không phải bị cơ quan ép buộc. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là phóng viên quốc tế mà không bước chân ra thế giới, không có mặt ở những điểm nóng thì không phải là phóng viên quốc tế mà chỉ là người dịch tin.
Đương nhiên lúc đó mẹ tôi rất lo lắng, không đêm nào ngủ tròn giấc. Bà mong tin từng ngày. Hai ngày mình đi vào trung tâm huấn luyện khủng bố của Bin Laden là 2 ngày mất liên lạc về nhà và cũng là 2 ngày mẹ mình thức trắng. Tuy nhiên, bà hiểu đó là lý tưởng của mình nên bà biết nếu có cản mình vẫn đi.
Phóng to |
* Điều gì đọng lại sâu sắc qua chuyến tác nghiệp Pakistan của anh?
- Có quá nhiều ấn tượng về nơi chốn có bầu không khí chiến tranh bao trùm nặng nề tại Pakistan. Đó còn là một thế giới khác với những người dân khác biệt từ cách ăn mặc, cư xử cho đến suy nghĩ, tư duy và những trẻ em biết cầm súng và ném lựu đạn thật.
Ít nhất một lần, khi cố chụp cảnh binh sĩ Pakistan bắn hơi cay giải tán đám biểu tình, tôi đứng rất gần binh sĩ siết cò, nên mắt cay xè, nước mắt chảy ràn rụa.
Trong khi đó, phía biểu tình ném gạch đá, chai, bom xăng… về phía cảnh sát. Bao nhiêu người dân ngồi co ro sát những bức tường để tránh bị sát thương. Họ bị hơi cay nhưng không chạy thoát được. Tôi vẫn không thể quên hình ảnh một cụ già ngồi co ro, quấn khăn run rẩy sợ hãi và bất lực khóc.
* Anh nghĩ gì về sứ mệnh của những phóng viên chiến trường tác nghiệp ở nơi xung đột bom rơi đạn nổ?
- Nếu có thể làm một điều gì đó để góp phần phản đối hoặc ngăn ngừa chiến tranh, chắc chắn tôi sẽ thực hiện ngay. Trong loạt bài tường thuật gửi từ Pakistan, tôi đã viết theo hướng phơi bày sự hung tàn và đáng ghét của chiến tranh.
Tôi nghĩ những phóng viên chiến trường vì lý tưởng nghề nghiệp nên sẵn sàng chấp nhận điều xấu nhất xảy ra. Thứ hai, chắc chắn họ cũng là những người phản đối chiến tranh nên họ nhận sứ mệnh xông pha giữa xung đột để có thêm nhiều người hiểu rõ được bộ mặt của chiến tranh, phản đối chiến tranh sau khi đọc những bài báo của họ.
* Nhưng nhiều phóng viên chiến trường đã và đang hi sinh giữa làn bom đạn các cuộc chiến – như nội chiến Syria đang diễn ra. Anh có cho đó là một cái giá quá đắt phải trả cho nghề nghiệp?
- Tôi nghĩ đã là sinh mạng con người thì không có giá nào rẻ cả. Vấn đề là sự hi sinh của phóng viên chiến trường có ý nghĩa hay không. Họ có thể nằm xuống để giúp thế giới hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình. Do đó, sự hi sinh của họ có giá trị không thua bất kỳ sự hi sinh nào vì hòa bình và phát triển của nhân loại.
Phóng to |
“Cuộc xuất quân của báo chí Việt Nam đến những điểm nóng của thế giới là cuộc hội nhập chủ động với báo chí thế giới, tuy còn bỡ ngỡ nhưng đầy quyết tâm và có được sức mạnh từ bạn bè thế giới và từ quê nhà xa xôi. Cuộc "hành quân" ra chiến trường giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc: Nhà báo phải sống và viết ở điểm nóng sự kiện” - Nhà báo Lê Văn Nuôi, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (1992-2003). |
CAM LY: Đối diện những nỗi đau, tôi thấy chữ nghĩa hời hợt…
* Đến Iraq tác nghiệp và chị phải đối diện với những nỗi đau?
- Cảm giác kéo dài dai dẳng nhất trong tôi là mình rơi vào một hoàn cảnh oái oăm. Như mọi người làm báo khác, một người viết báo như tôi đến một nơi, ghi nhận một sự kiện và rời khỏi nơi đó, trải nghiệm sống chỉ trong một hành trình ngắn ngủi - dù cho có đậm đặc đến đâu.
Trong khi đó, người dân sống trong hoàn cảnh chiến tranh đã, đang và sẽ phải đối diện với những thứ phi nhân hằng ngày hằng giờ, không biết đến bao giờ mới thực sự chấm dứt. Khi viết về những thứ tôi nhìn thấy ngay thời điểm đó, tôi luôn quay quắt với câu hỏi: "Liệu mình có hiểu được đến tận cùng những gì người dân ở đây đang trải qua?".
Thành thử lúc đối diện với những nỗi đau, tôi cảm thấy chữ nghĩa của mình đôi khi thật hời hợt...
* Chị có sợ khi được tòa soạn giao trách nhiệm lên đường tác nghiệp tại vùng chiến sự? Làm thế nào chị quyết tâm đi?
- "Khi người ta trẻ" (mượn chữ của chị Phan Thị Vàng Anh), sự tò mò thường chiến thắng nỗi sợ hãi. Cả hai lần được cơ quan giao nhiệm vụ tìm cách đến Afghanistan lẫn Iraq, tôi đều quyết tâm vác balô đi vì sự tò mò thôi thúc.
Ngoài tính tò mò nền tảng của dân làm báo, tôi còn tò mò về những quốc gia mà mình sắp đặt chân đến vì độ dày lịch sử và văn hóa. Không ai từng đọc Con đường tơ lụa, Thành Cát Tư Hãn hay Alexander Đại đế mà không từng mơ được đặt chân đến Afghanistan.
Còn Iraq thì... ai lại không quyết tâm khi có cơ hội được đặt chân đến cái nôi của văn minh nhân loại và vùng đất của Alibaba và Sinbad? Tính thời sự (chiến tranh) ngay tại thời điểm đó càng thôi thúc tôi tìm đến để ghi nhận số phận của các vùng đất này.
Khi bước chân vào thành Babylon, đi lang thang và nhìn thấy binh lính Mỹ súng ống đầy mình sầm sập đi ủng trên các chân tường thành cổ (vừa được người Iraq khai quật), tôi chảy nước mắt.
Phóng to |
* Theo chị, những phóng viên đến chiến trường để thực thi sứ mệnh đưa tin của họ?
- "Thực thi sứ mệnh" là một cụm từ sang trọng. Tôi không chắc tất cả mọi người đến vùng chiến đều mang sứ mệnh đưa tin. Như đã nói ở trên, tôi có nhiều thôi thúc khác ngoài vai trò đưa tin của một người làm báo.
Khi đi tác nghiệp, tôi từng gặp những đồng nghiệp quảy balô đi một mình, lẳng lặng từ sáng đến tối, rồi khi về đến khách sạn thì tuôn ra không biết bao nhiêu là xúc cảm khi đối diện với thực tế máu lửa (chính xác là máu và lửa), và nóng lòng muốn viết về điều mình nhìn thấy để cho toàn thế giới biết được điều gì đang xảy ra.
Tôi cũng từng gặp những nhóm phóng viên tự thấy mình rất oách vì có mặt tại "điểm nóng". Có một mẩu đối thoại tôi tình cờ nghe được và còn nhớ đến giờ: hai nữ phóng viên phương Tây gặp nhau, tay bắt mặt mừng ngay trước khách sạn Al Rasheed, một trong những khách sạn trung tâm Vùng xanh (Green zone - vùng an toàn) ở Baghdad. Một cô bảo: "À, lâu quá mới gặp, từ cái lần ở Islamabad", cô còn lại trả lời: "Thế à, tôi thì nhớ là từ hồi có đảo chính ở Nam Mỹ". Cô kia nói tiếp: "Ừ, thôi may mắn nhé, có khi ta lại gặp nhau ở CHDCND Triều Tiên trong vài năm tới!".
Khi từ Pakistan trở về, tôi có trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ, nói rằng sau trải nghiệm ở "vùng chiến" tôi thực sự quý sự bình yên - một đất nước bình yên khi mọi người ngủ dậy không cần phải lo sợ rằng không biết ngày hôm nay có ai đó quanh mình - hay chính mình - thiệt mạng hay không.
Còn sau chuyến đi Iraq, trên đường về tôi cũng có ghi trong nhật ký cá nhân của mình rằng không hiểu bao nhiêu năm tái thiết thì bù đắp được cho một thế hệ bị tiêu diệt tương lai. Khi ở xa, đọc báo, nhìn những con số thương vong, chúng ta thường lắc đầu bảo "Tệ thật, khổ quá, kinh khủng...".
Nhưng không có gì có thể mô tả được tâm trạng của những người thực sự ở trong hoàn cảnh người thân thiệt mạng, không gì có thể lấy lại được những phần cuộc sống mà họ bị tiêu diệt trong chiến tranh.
Xem loạt bài Phóng viên chiến trường trên Tuổi Trẻ Online: |
* Đón đọc kỳ 4: Ác mộng dưới làn bom ở Lebanon
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận