13/09/2013 15:51 GMT+7

Ác mộng dưới làn bom ở Libăng

UYÊN LY
UYÊN LY

TTO - "Quá khứ tổn thương và tương lai bất trắc của trẻ em vùng chiến sự ám ảnh mãi những phóng viên chiến trường" - theo Uyên Ly, nữ phóng viên Tuổi Trẻ tác nghiệp tại cuộc xung đột Libăng.

PNgaBFRJ.jpgPhóng to
Vụ đánh bom tháng 7-2013 tại Beirut (thủ đô Libăng) khiến 18 người chết, 300 người bị thương - Ảnh: AFP
XDVUcDEZ.jpgPhóng to
Hàng ngàn người dân Beirut dập tắt lửa sau vụ đánh bom gây thương vong (tháng 8-2013) - Ảnh: AFP

Hơn 1.000 người dân vô tội chết dưới bom đạn, hàng trăm ngàn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, 1 triệu người lâm vào cảnh tị nạn và khoảng 200 người lao động Việt Nam (đa số là phụ nữ giúp việc nhà) bị gia chủ bỏ mặc khi cuộc chiến Libăng diễn ra vào tháng 7 và 8-2006.

Các PV, CTV Tuổi Trẻ đến Beirut (thủ đô Libăng) phản ánh cuộc chiến và thông tin những người Việt Nam tị nạn khi cuộc chiến giữa quân du kích Hezbollah và quân đội Israel diễn ra cao trào.

Bao nhiêu người chết? Có người Việt nào không?

Khoác chiếc balô gồm vài bộ quần áo, áo vest chống đạn, máy tính nối vệ tinh, máy ghi âm, điện thoại, tiền mặt, bộ đàm, chúng tôi lên đường sang Trung Đông với bao cảm xúc lẫn lộn.

Hồi hộp vì không biết điều gì đang chờ đợi phía trước, căng thẳng vì biết sắp bước chân vào nơi nguy hiểm và chỉ chút phấn khích vì sẽ có được những trải nghiệm quý giá.

Trong phòng chờ sân bay, chúng tôi nói với nhau rất ít, bởi những suy nghĩ về thử thách sắp tới xâm chiếm toàn bộ đầu óc mỗi người.

Ở làng Marakieh, phía nam Libăng, bé Shah, chín tuổi rưỡi, đang đùa giỡn với chú mèo ngoài sân thì cảm thấy có điều gì đó khác thường. Shah không nhớ "điều gì đó" xảy ra và cũng không cảm thấy đau đớn cho đến khi tỉnh lại tại bệnh viện. Mẹ Shah nói cho bé biết “điều gì đó” chính là một quả bom nổ gần đó gây chấn động khiến bé bất tỉnh, tay chân bị bỏng rát. Shah nằm bất động trên giường 12 ngày, chỉ ngúc ngoắc đầu và miệng mấp máy chút ít - trích bài về nạn nhân chiến tranh tại Beirut của PV - CTV Tuổi Trẻ gửi về từ chiến trường Libăng cho Tuổi Trẻ (8-2006).

Sau khi bay đến Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), chúng tôi may mắn nhờ xe của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) tại Syria để đi qua biên giới Syria - Libăng.

Bấy giờ, đi đường bộ theo diện cứu trợ là cách duy nhất để vượt biên giới bởi các con đường khác đều bất khả: sân bay bị đánh bom, đường thủy chỉ dành cho người tị nạn.

Có điều gì oái ăm khi nhìn dòng người tị nạn từ Libăng đang tháo chạy ngược hướng, còn chúng tôi lại tìm mọi cách xâm nhập nước này!

"Chiến tranh thật sự là đây" - tôi nghĩ vậy khi diện kiến thủ đô Beirut của Libăng im ắng một cách đáng sợ.

Hàng quán đóng chặt cửa. Những bảng hiệu quảng bá du lịch rách nát bay vật vờ trong gió. Chỉ duy nhất khu khách sạn trung tâm nơi đám phóng viên trú ngụ là còn mở cửa, được cấp điện và Internet vài giờ cố định trong ngày.

Con đường đẹp nhất Beirut nằm bên bờ Địa Trung Hải rực lên ánh hoàng hôn màu cam pha đỏ tuyệt đẹp không phản ánh đúng những khuôn mặt lo lắng của người dân thành phố này.

gFFvyHba.jpgPhóng to
Vụ đánh bom xe ngày 15-8-2013 tại Beirut - Ảnh: AFP

Đêm xuống, trước khi đi ngủ tôi thường đóng đồ gọn ghẽ vào balô, để lỡ có chuyện gì thì… chạy (nếu còn kịp). Nửa đêm về sáng là thời gian sự im ắng bị phá vỡ bởi tiếng bom. “Ầm!”. Tôi chong mắt, căng tai lắng nghe. Khách sạn chúng tôi ở cách khu bị đánh bom chỉ chừng 2-3km nên tiếng bom vang rất rõ. Lại một tòa chung cư hơn 10 tầng sụm xuống rồi.

Bao nhiêu người chết? Bao nhiêu người bị thương? Phụ nữ? Trẻ em? Có người Việt Nam nào thương vong không? Sau tiếng nổ là tiếng còi xe cấp cứu vang lên inh ỏi khắp thành phố. Hầu như đêm nào cũng vậy.

Trời rạng sáng, dù mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ nhưng công việc của chúng tôi là tìm đến nơi xảy ra tiếng nổ đêm qua để quan sát tình hình. Chúng tôi đến bên các tòa nhà đổ sụp, vào Bệnh viện Rafik Hariri. Chúng tôi ghé thăm các khu tị nạn, khu công viên trung tâm, đến các ngôi nhà vắng lặng chứa những người lao động Việt Nam đầy âu lo đang co cụm nương tựa lẫn nhau.

Có lần, khoảng 21g đêm, chúng tôi đang phỏng vấn những chị làm nghề giúp việc từ Việt Nam thì vang lên tiếng nổ. Không khí và mặt đất rung chuyển, còi báo động của những chiếc ôtô đậu dưới khu nhà kêu lên ầm ĩ. Tâm trí mỗi người thêm căng thẳng như sợi dây đàn.

Ác mộng và cái nhìn ám ảnh

Ở cuộc chiến năm 2006, không lực Israel phá hủy phần lớn phía nam Beirut. Sau cuộc chiến, Hezbollah tự tái thiết khu vực này trở thành một “pháo đài” lớn mạnh dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Hassan Nasrallah.

Nhưng các tay súng trẻ Hezbollah vũ trang đến tận răng, tuần tra nghiêm ngặt trên từng con phố vẫn không ngăn được các vụ đánh bom sát thương tại đây. Hai vụ đánh bom mới nhất (tháng 7 và 8-2013) khiến tổng cộng gần 30 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương.

(HIẾU TRUNG)

Chúng tôi cũng dành thời gian xuống phía nam của Beirut là khu Sidon (cách trung tâm thủ đô khoảng 40km) - nơi giao tranh giữa Hezbollah và Israel diễn ra quyết liệt nhất. Hôm đó là ngày ngừng bắn giữa hai bên.

Không gian vắng lặng như tờ. Trong mắt chúng tôi, những chiếc cầu bị rocket bắn sập, những chiếc ôtô cháy rụi bên lề đường, cả một khu làng bị rocket biến thành một đống bêtông bụi bặm những tưởng chỉ thấy trong phim Hollywood.

Chúng tôi thấy một vài người lò dò ra khỏi chỗ ẩn nấp, quay về ngôi nhà bị bom đánh nát bươm của mình và cố tìm những thứ đồ vật còn giá trị, như chiếc tivi hay điện thoại. Tim tôi như bị bóp chặt khi nhìn thấy một cụ già lẩy bẩy bới tìm chút gì ăn được trong đống hoa quả đã thối rữa.

Chúng tôi ghé một trường học bên đường, nơi trú tạm của những người tị nạn yếu sức. Một người phụ nữ trẻ ôm đứa con chỉ vài tháng tuổi ngồi trên mặt đất, ngước mắt nhìn thẳng vào tôi. Cái nhìn của chị như muốn nói: “Cô có hiểu tình cảnh của tôi lúc này không?”. Chị là người Libăng duy nhất nhìn thẳng vào mắt tôi lâu đến thế.

XDVUcDEZ.jpgPhóng to
Hàng ngàn người dân Beirut dập tắt lửa sau vụ đánh bom gây thương vong (8-2013). Ảnh: AFP

Trở về từ chiến trường Libăng, tôi nhẹ nhõm vì đã trải qua những trải nghiệm hiếm có mà thân xác còn nguyên vẹn. Chúng tôi cũng vui vì những người lao động Việt Nam đã về nhà an toàn từ nơi khói lửa chiến tranh.

Nhưng trong suốt một tháng sau khi trở về, tôi vẫn thường mơ thấy ác mộng. Trong giấc mơ, tôi và những đồng nghiệp bị ngộp thở dưới những đống bêtông đầy khói bụi, chúng tôi tìm chỗ trốn trong những tiếng nổ và bị kẹt lại. Mọi thứ mờ nhòe trong mắt…

Tôi đọc đâu đó rằng các phóng viên chiến trường thường chịu những xung chấn tâm thần sau chiến tranh (post-war psychological trauma), có khi còn nặng nề hơn những cựu binh trở về từ chiến trường. Hậu quả là có những phóng viên chiến trường bị suy sụp tâm thần, rối loạn tâm lý, tan vỡ hôn nhân, nghiện rượu…

Rất may đối với tôi, đến nay ác mộng đã xa dần. Dù vậy, không hiểu sao ánh mắt của người phụ nữ trẻ bế con nhỏ ở Libăng vẫn khiến tôi thường xuyên hồi tưởng, khiến tim tôi loạn nhịp và nhịp thở rối loạn mỗi khi nhớ lại. Bởi Beirut đến tháng 8-2013 vẫn có lúc chìm trong khói lửa từ vụ đánh bom khủng bố khiến hàng trăm người thương vong.

Đứa trẻ đang ngủ trong tay người phụ nữ Libăng hay nhiều đứa trẻ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này đã và đang xảy ra xung đột sẽ chẳng thể hiểu nổi những lý lẽ đúng - sai của người lớn khi quyết định giết hại nhau. Nhưng nét u sầu trên khuôn mặt mẹ chúng, sự ra đi vĩnh viễn của người thân chúng, quá khứ tổn thương và tương lai đầy bất trắc của chúng sẽ còn mãi ám ảnh những phóng viên chứng kiến. Mãi mãi.

Xem loạt bài phóng viên chiến trường trên Tuổi Trẻ Online:

* Kỳ 1: Không gì nguy hiểm hơn làm phóng viên chiến trường

* Kỳ 2: Chiến trường Syria - trận địa kinh hoàng

* Kỳ 3: Phóng viên Việt Nam đối diện lửa và máu

* Đón đọc kỳ 5: Đi vào vùng khủng bố

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb t\u00e1c nghi\u1ec7p t\u1ea1i cu\u1ed9c xung \u0111\u1ed9t Lib\u0103ng." />