
Khu vực quận Hà Đông trong ngày ô nhiễm không khí - Ảnh: DANH KHANG
Thông tin từ các trạm quan trắc cho thấy chất lượng không khí Hà Nội những ngày trong tháng 4-2025 rất xấu.
Ô nhiễm không khí kéo dài đến bao giờ?
Ngày 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Hoàng Dương Tùng (chuyên gia môi trường) cho biết so với thời điểm hiện tại của các năm thì năm nay mưa ít nên ô nhiễm không khí vẫn có dấu hiệu phức tạp, kéo dài.
"Khi nguồn thải vẫn chưa được kiểm soát, điều kiện khí hậu ảnh hưởng đến việc khuếch tán ô nhiễm, bụi mịn PM2.5. Mỗi trận mưa dông sẽ giảm đi ô nhiễm nhưng thời điểm hiện tại mưa ít nên khả năng sẽ ô nhiễm kéo dài tới hết tháng 4.
Qua theo dõi các số liệu của các bộ, ngành, địa phương thì mấy năm nay ô nhiễm không khí không những giảm mà lại còn tăng, rất đáng lo ngại", ông Tùng nói.
Ông Tùng cho hay bụi mịn PM2.5 đã được nghiên cứu từ đầu những năm 2000. Đến năm 2008 Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo đầu tiên về ô nhiễm không khí.
Biện pháp kiểm soát ô nhiễm cũng được đưa vào luật từ các năm 1993, 2005, 2014, 2020. Tuy nhiên, đến nay ô nhiễm không khí vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp... - Ảnh: D.KHANG
Theo ông Tùng, lãnh đạo Chính phủ mới có chỉ đạo cụ thể, quyết liệt về chống ô nhiễm không khí. Trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương phải có những chính sách ưu tiên giảm ô nhiễm, cải thiện môi trường.
Cần có chính sách, kế hoạch hoàn thành trong thời gian cụ thể cho chuyển đổi giao thông xanh, kiểm soát bụi từ công trình xây dựng đến khói bụi làng nghề…
Ông Tùng khuyến nghị Việt Nam có thể học một số quốc gia thành công trong chống ô nhiễm không khí. Như Trung Quốc đã chuyển đổi hơn 10.000 xe buýt điện trong vòng 2 năm ở TP Bắc Kinh.
Trung Quốc áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tiền để mua xe buýt điện. TP Bắc Kinh trong 10 năm tiêu tốn đến hơn 100 tỉ USD đầu tư trực tiếp, gián tiếp giao thông công cộng và bù cho sản xuất.
"TP Bắc Kinh đang là hình mẫu chống ô nhiễm không khí, họ thành công vì xem ô nhiễm không khí như một cuộc chiến", ông Tùng nói.

Khu vực quận Thanh Xuân và Hoàng Mai trong ngày ô nhiễm không khí - Ảnh: D.KHANG
Mỗi năm ô nhiễm không khí gây thiệt hại hàng tỉ USD cho Việt Nam?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Angela Pratt, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết ô nhiễm không khí gây nguy hiểm tới sức khỏe người dân, nền kinh tế.
Ô nhiễm làm giảm năng suất lao động, tác động tiêu cực tới năng suất cây trồng, vật nuôi, làm giảm nguồn thu từ du lịch kể cả khách trong nước và quốc tế.
"Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm không khí gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội cho Việt Nam, bao gồm người tử vong sớm và bệnh tật, ước tính trên 13 tỉ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí bỏ ra khắc phục trong tương lai", bà Angela Pratt nói.
Tuy nhiên, theo bà Angela Pratt, nhìn ở góc độ tích cực thì nếu tăng cường hành động giải quyết nạn ô nhiễm không khí không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe mà còn có nhiều lợi ích xã hội, nền kinh tế.
"Hành động hướng tới môi trường không khí trong lành cũng giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030", bà Angela Pratt nói.

Đốt rơm rạ tự phát ở ngoại thành Hà Nội

và đốt rác cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí - Ảnh: QUANG THẾ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận