Ngày 10-8, ông Bùi Thành Hiệp - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng An Giang (còn gọi là cảng Mỹ Thới) - cho biết 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang hơn 300.000 tấn, còn gạo xuất đi trong nước hơn 120.000 tấn.
"Hiện nay, tại cảng Mỹ Thới có mấy lô hàng xuất khẩu để trả hợp đồng cũ thôi. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa dám ký hợp đồng mới nên không có lượng gạo xuất khẩu tại cảng. Nếu tính 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ thì lượng gạo xuất khẩu tại cảng chỉ đạt khoảng 65%, giảm rất mạnh", ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, từ nay đến hết quý 3, đơn vị chưa được các doanh nghiệp đặt hàng xuất khẩu gạo tại cảng và cũng không có doanh nghiệp nào sẽ đóng container gạo tại cảng. Do giá gạo biến động giữa nội địa với thế giới rất lớn nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không ký hợp đồng.
“Một số doanh nghiệp cho hay họ vừa ký hợp đồng chưa ráo mực thì giá lúa trong nước đã tăng mạnh nên ai cũng sợ thua lỗ. Hiện nay, giá gạo có lúc hơn 16.000 đồng rồi. Do đó chúng tôi hy vọng trong quý 4 có thay đổi mới mong có hàng hóa xuất khẩu gạo qua cảng", ông Hiệp nói thêm.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nhiều doanh nghiệp không chọn cảng Mỹ Thới xuất khẩu gạo là do tàu chở gạo xuất khẩu không vào cảng vì luồng lạch bị giới hạn. Hiện nay rất ít tàu có tải trọng 3.000 tấn mà chỉ có tàu 5.000 tấn. Tuy nhiên, loại tàu này không vào được do vướng luồng Định An đang thi công. Nếu chở gạo thì các tàu này sẽ không ra vào được luồng Định An. Dự kiến tháng 9 tới, luồng Định An sẽ thi công xong.
"Giá lúa gạo phải ổn định thì doanh nghiệp mới ký hợp đồng với đối tác nước ngoài. Họ có hợp đồng thì cảng mới có gạo để đóng thùng xuất khẩu hay vận chuyển cho họ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp ngại luồng Định An quá cạn nên họ đã đóng thùng container gạo lên TP.HCM nhiều hơn để đi cảng Sài Gòn xuất khẩu gạo", lãnh đạo cảng Mỹ Thới nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận