Người biểu tình cởi trần, viết khẩu hiệu phản đối chính quyền quân sự và Trung Quốc trong cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar ngày 11-2 - Ảnh: AFP
Các cuộc biểu tình đã bùng nổ tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, sau vài ngày im ắng sau đảo chính. Cũng giống như Thái Lan, người trẻ Myanmar đã thể hiện sự sáng tạo của mình trong cuộc biểu tình, từ việc cởi trần đến mặc bikini, thậm chí đem cả bàn cờ vua ra chơi trong lúc biểu tình.
Một thông tin chưa được kiểm chứng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Facebook trong những ngày vừa qua. Nhiều người Myanmar cho rằng Trung Quốc đã bí mật đưa người tới trợ giúp chính quyền quân sự dưới vỏ bọc máy bay chở hàng hóa. Họ tin rằng đây là những người đã khiến mạng Internet ở Myanmar chập chờn kể từ sau đảo chính.
Hôm 10-2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã bác bỏ tin đồn và khẳng định các chuyến bay này chỉ chở "thủy hải sản" bình thường, không phải các chuyên gia công nghệ thông tin. Trang Facebook của sứ quán dường như đã bị đánh sập sau tuyên bố thanh minh trên.
"Mẹ kêu tôi tới đây mua hải sản nè", một người biểu tình giơ biểu ngữ bằng tiếng Anh trước Đại sứ quán Trung Quốc. Một người khác thì tuyên bố "không cần hải sản" và đòi Trung Quốc trả lại những gì thuộc về người Myanmar.
Hình ảnh bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình của người dân - Ảnh: REUTERS
Khi được hỏi về tin đồn Trung Quốc cử thiết bị và chuyên gia CNTT đến Myanmar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết ông chưa nghe về điều này.
"Đã có những thông tin và tin đồn sai lệch về Trung Quốc trong các vấn đề liên quan Myanmar", ông Vương khẳng định. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc kế đó nhắc lại Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình và hi vọng tất cả các bên để tâm đến sự ổn định và phát triển của Myanmar.
Trung Quốc đã bác bỏ việc nhúng tay vào cuộc đảo chính ngày 1-2, đồng thời kêu gọi các bên ở Myanmar giải quyết sự khác biệt và duy trì ổn định xã hội. Tuy nhiên, điều này không làm dịu các chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh ở Myanmar.
Trong một tuyên bố được phát tối 11-2, Thống tướng Min Aung Hlaing - người lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân bầu - đã kêu gọi người dân "tránh tụ tập". Tổng tư lệnh quân đội Myanmar cũng khuyến cáo các viên chức trở lại làm việc, chấm dứt tình trạng bất tuân dân sự.
Đã có những lo ngại tuyên bố của tướng Min Aung Hlaing sẽ mở màn cho các cuộc đàn áp biểu tình trong những ngày tới.
Người Myanmar gốc Hoa giăng biểu ngữ phản đối đảo chính bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ngày 11-2 - Ảnh: REUTERS
Paing Takhon (giữa), mặc đồ truyền thống của Trung Quốc, vừa bày biện đồ ăn vừa giơ biểu ngữ phản đối Bắc Kinh. "Ủng hộ dân chủ, đừng tiếp tay độc tài", một biểu ngữ được viết bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung - Ảnh: AFP
"Các người đụng nhầm thế hệ rồi", nhóm thanh niên Myanmar cởi trần khoe cơ bắp trước Đại sứ quán Trung Quốc ngày 11-2 - Ảnh: REUTERS
Nhóm "soái ca" này trước đó đã khiến nhiều người trầm trồ trong một cuộc biểu tình ở Yangon ngày 10-2 - Ảnh: REUTERS
Người trẻ Myanmar cho thấy sự sáng tạo trong biểu tình bằng những màn hóa trang không đụng hàng - Ảnh: REUTERS
Nhóm người biểu tình mặc váy cưới xuống đường phố Yangon đòi thả bà Aung San Suu Kyi ngày 10-2 - Ảnh: REUTERS
Biểu tình trong bể bơi bơm hơi bên ngoài Đại sứ quán Nhật tại Myanmar để kêu gọi Tokyo lên tiếng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận