Mục tiêu đầu tiên và cũng dễ được nhận diện nhất từ các cuộc tấn công này đó chính là nhằm "gây nhiễu" cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra từ 15 đến 17-3.
Động thái "mồi nhử"
Trong bối cảnh quân đội Nga đang phát huy đà tiến công lên toàn bộ phòng tuyến của Ukraine, các động thái tấn công biên giới "mồi nhử" trên dường như đang là một trong các lựa chọn giúp phía Ukraine có thêm thời gian cân bằng lại thế trận.
Khi quân đội Nga được ghi nhận đang tăng cường tiếp cận bằng đường bộ đến các cứ điểm trung tâm của Ukraine tại Robotyne (vùng Zaporizhzhya), Kupyansk (ở rìa phía đông của vùng Kharkov) và phía tây Bakhmut (thuộc vùng Donetsk) thì sự xuất hiện các cuộc tấn công vũ trang hạng nặng vào vùng Kursk và Belgorod thuộc Nga từ ngày 12-3.
Cuộc tấn công vào biên giới Nga - Ukraine lần này, tuy có nhiều nét tương đồng với các cuộc xâm nhập chớp nhoáng từ phía Ukraine vào vùng Belgorod của Nga vào mùa xuân và mùa hè năm 2023, nhưng lại diễn ra sau khi Nga đã hoàn thành tuyến phòng thủ kiên cố được cho là kéo dài từ phía bắc vùng Kursk đến phía nam vùng Belgorod và sự điều động tăng cường các lực lượng thiện chiến người Chechnya đến đây từ tháng 6-2023.
Do đó mặc dù các nhóm vũ trang thân Ukraine đã tự nhận họ chiếm được làng Tetkino nhưng vị trí này chỉ thuộc "vùng đệm dân sự" ngay trước phòng tuyến của Nga nên áp lực chiếm đóng này chắc chắn sẽ không kéo dài lâu.
Động thái này làm xuất hiện nghi vấn rằng các nhóm vũ trang thân Ukraine đặt mục tiêu "phân tản" quân đội Nga từ tiền tuyến quay về hậu phương để củng cố các điểm yếu ở biên giới Nga - Ukraine.
Thực tế cũng cho thấy quân đội Nga đang di chuyển lực lượng dự bị chiến thuật tới các khu vực mới ở tiền tuyến như ở khu vực quanh thành trì Avdiivka vừa kiểm soát nhằm tạo xu hướng tái lập quy mô lớn cho các mũi tiến công sâu hơn về hướng tây của Ukraine.
Kiev gây sức ép lên phương Tây
Theo ghi nhận từ Hãng thông tấn Nga (TASS), các cuộc tấn công lãnh thổ phía đông nam của Nga vừa qua cho thấy phía Ukraine có sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U có tầm bắn đến 120km, được mệnh danh là "hung thần trên không" của Ukraine.
Kết hợp cùng với quy mô vũ trang hạng nặng của các cuộc tấn công nói trên, có thể thấy phía Ukraine đang thể hiện kịch bản tiềm năng nước này có thể sẽ vượt "giới hạn đỏ" với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi leo thang chiến sự cường độ cao ở biên giới với Nga do không thể giành thắng lợi tại các khu vực chiến sự trọng điểm mà Nga đang giành lợi thế.
Kịch bản này đã gây áp lực hiệu quả lên các chính phủ vốn đang trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine. Gần như ngay lập tức sau cuộc tấn công biên giới Nga vào ngày 12-3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ gửi cho Ukraine thêm 300 triệu USD viện trợ quân sự được trích từ khoản tiết kiệm chi phí ngoài dự kiến từ các hợp đồng của Lầu Năm Góc và sẽ được sử dụng cho các loại đạn pháo và đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Liên minh châu Âu (EU) ngay sau đó thông qua một thỏa thuận khó khăn vào ngày 13-3 nhằm bơm thêm 5 tỉ euro vào Quỹ hòa bình châu Âu (EPF) cho đến cuối năm nay, vượt trên mức 6,1 tỉ euro đã cam kết kể từ đầu năm 2022. Quỹ EPF là một kế hoạch được lập ra nằm "ngoài ngân sách" vì kho bạc của EU không thể tài trợ cho các chi tiêu liên quan đến quân sự.
Đến lượt Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tăng cường vận động viện trợ quân sự cho Ukraine từ 32 thành viên của khối này. "Người Ukraine không hề cạn lòng can đảm, họ chỉ cạn đạn dược" - ông Stoltenberg khẳng định vào ngày 14-3.
Điều này đồng nghĩa với sự đẩy nhanh việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 và nhiều loại vũ khí tầm xa mới cho Ukraine, phù hợp với trọng tâm chiến lược mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa nhấn mạnh trong bài phát biểu cùng ngày 14-3.
Nhìn chung chỉ bằng một "nước cờ cũ" mà phía Ukraine đã "dương Đông kích Tây" hiệu quả khi hiện thực hóa được áp lực khiến các gói viện trợ quân sự từ phương Tây được thông qua sau một giai đoạn dài đình trệ.
Ngoài ra, những ngày qua bên trong nước Nga liên tiếp xuất hiện drone tấn công các cơ sở lọc dầu của Nga. Chính quyền Nga thông báo đã chặn được các cuộc tấn công bằng drone này, song cũng có nhiều cơ sở bị trúng drone bốc cháy. Đây là một trong những "đòn" được cho là do Ukraine tung ra nhằm triệt hạ năng lực dầu mỏ của Nga cũng như gây bất ổn tâm lý trong người dân nhân dịp bầu cử.
Các nhóm bán quân sự tự hành động?
Liên quan các cáo buộc tấn công biên giới Nga, Hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) chỉ thừa nhận nước này có hỗ trợ bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone từ ngày 12-3 vào 9 khu vực của Nga, trong đó có nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng như các nhà máy lọc dầu ở các vùng Orel, Nizhniy Novgorod và Riazan.
Trong khi đó, giới quân sự Ukraine tuyên bố rằng các nhóm vũ trang bán quân sự tấn công biên giới Nga đã tự hành động mà không thông báo cho Kiev.
Việc bác bỏ trách nhiệm vừa giúp Ukraine không nhận lấy các chỉ trích "leo thang chiến tranh" quá khả năng kiểm soát của khối NATO, vừa khuếch đại được tâm lý phản chiến đang lan tỏa trong công chúng Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận