Và chuyến đi của những tô phở ngon, lành đến với những người dân, trẻ em nghèo ở những bản làng nơi miền núi, biên giới... năm nay sẽ đến với người dân Làng Nủ (Lào Cai).
Lên Làng Nủ, lỉnh kỉnh mới yên tâm
Trước một ngày lên đường, quán phở 34 Cao Thắng (quận 3, TP.HCM) vẫn bận rộn đón khách. Chị Nguyễn Tiêu Bích Trân - chủ quán, người từng đạt danh hiệu Hoa hồi vàng cho tay nghề nấu phở xuất sắc - đã chuẩn bị xong cho chuyến đi đặc biệt đến Lào Cai vào ngày 12-12.
Đây là chuyến đi mà chị mang theo tay nghề nấu phở và tấm lòng sẻ chia để nấu 700 tô phở phục vụ người dân Làng Nủ, nơi đã trải qua một năm nhiều mất mát đau thương.
Trong quán phở khang trang chộn rộn khách, chị Bích Trân cho biết quyết định tham gia chuyến đi lên Làng Nủ nấu phở xuất phát từ cảm xúc chứng kiến những mất mát đau thương do thiên tai mà người dân hứng chịu.
"Thời điểm thiên tai diễn ra, tôi đọc báo và muốn làm gì đó nhưng không nghĩ ra cách. Vì thế, ngay khi báo Tuổi Trẻ thông báo chương trình Phở yêu thương sẽ đến với Làng Nủ, tôi quyết định tham gia ngay", chị Trân xúc động nói.
Hành trình lên Tây Bắc nấu phở của chị Trân có sự đồng hành của mẹ chồng. Ngoài 100kg xương và thịt bò, bò viên được chuẩn bị từ TP.HCM, chị còn mang theo nồi ninh xương cỡ lớn, nồi nước dùng... "Đúng là có lỉnh kỉnh, nhưng để nấu 700 suất cho các bé và người dân thì nồi cỡ lớn vậy mới đảm bảo", chị Trân chia sẻ.
Biết quán phở của chị Trân đưa phở lên Làng Nủ, nhiều người đã gửi tặng quà và nguyên liệu để chị mang theo. Họ muốn chung tay góp sức, và điều đó khiến chị hạnh phúc hơn với việc mình đang làm.
Chữa lành với Phở yêu thương
Gắn bó đều đặn với chương trình Phở yêu thương hằng năm, Hoa hồi vàng Nguyễn Tiến Hải, chủ hệ thống Phở S (Sâm Ngọc Linh), cho biết năm nào anh và gia đình cũng cố gắng sắp xếp để đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong các chương trình thiện nguyện.
Những chuyến đi không chỉ để đóng góp cho cộng đồng mà còn giúp anh cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị cuộc sống, "tự chữa lành" cho mình và thêm tự hào nghề nấu phở.
"Khi biết năm nay Phở yêu thương đến Làng Nủ, tôi nghĩ ngay đây là cơ hội để làm điều ý nghĩa. Trước thì quyên góp ủng hộ, lần này đích thân mình lên với bà con nên vui lắm", anh Hải chia sẻ trước ngày lên đường.
Thay vì chuẩn bị nước dùng từ trước, anh Hải mang gần 80kg xương và thịt từ TP.HCM để nấu tại chỗ, đảm bảo hương vị phở được trọn vẹn nhất.
Theo kế hoạch, vừa xuống máy bay, đoàn đi ngay lên Lào Cai nên chuyến đi sẽ rất vất vả. Bù lại, chỉ cần nghĩ đến những ánh mắt háo hức, những nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi thưởng thức phở, anh Hải bảo mọi sự chuẩn bị đều rất xứng đáng.
Từng đưa phở về Nghệ An, rồi đến với trẻ bại não ở Nam Định hay trẻ em nghèo ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), trẻ em các mái ấm ở Đà Lạt..., anh Hải nói chuyến đi nhớ mãi với anh là hành trình đưa phở đến đến Sóc Bom Bo.
Anh kể: "Lần đó, chúng tôi nấu phở đến gần trưa mới xong vì đường vào khó khăn. Nhưng khi thấy những đứa trẻ chưa từng ăn phở được vui vẻ thưởng thức, hình ảnh đó cứ đọng mãi trong tôi".
Mỗi chuyến đi mang lại cảm xúc khác nhau cho những người nấu phở. Đằng sau các chuyến thiện nguyện còn là triết lý kinh doanh, đóng góp và sẻ chia. "Hoạt động xã hội không chỉ tạo thiện cảm với các đối tác quốc tế mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng", anh Hải cho biết.
Với những người nấu phở trong chuyến xe Phở yêu thương, những nụ cười trên gương mặt của các em nhỏ khi nhận tô phở nóng hổi, sự háo hức và chờ đợi từ những người lần đầu được ăn phở trong đời... là giá trị mà họ "thu hoạch" được trên hành trình đưa phở đến với yêu thương. Cảm giác ấy còn có cả niềm tự hào về một món ăn truyền thống của người Việt lan tỏa khắp Việt Nam.
Phở yêu thương đến Làng Nủ
Với mong muốn chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 không chỉ là văn hóa, ẩm thực mà còn gói vào đó sự yêu thương, sẻ chia, đong đầy tình cảm, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Lào Cai, huyện Bảo Yên tổ chức chương trình Phở yêu thương 2024 tại Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh trong hai ngày 11 và 12-12.
Tại đây, nghệ nhân của các quán phở tham gia chương trình sẽ hướng dẫn chị em phụ nữ xã Phúc Khánh, các cô giáo Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh cách nấu những tô phở thơm ngon.
Báo Tuổi Trẻ cũng dành những phần quà ý nghĩa gửi tới 33 hộ dân Làng Nủ (những hộ vừa nhận nhà ở khu tái định cư mới); các thầy cô giáo và toàn bộ học sinh Trường số 1 Phúc Khánh. 320 học sinh mỗi em sẽ nhận túi quà gồm: ba lô, phở khô, xúc xích và 1 triệu đồng tiền mặt; mỗi giáo viên nhận quà 2 triệu đồng tiền mặt...
Và không thể thiếu những tô phở thơm ngon do các đầu bếp trứ danh từng đoạt giải cao trong sự kiện Ngày của phở nấu mời toàn bộ người dân, học sinh, giáo viên trong xã. Dự kiến có 2.000 tô phở yêu thương dành tặng dân làng.
Tham gia sự kiện Phở yêu thương năm nay có các quán/tiệm phở nổi tiếng, như: Phở Thìn Bờ Hồ (Hà Nội), Phở 34 Cao Thắng (TP.HCM), Phở S (Sâm Ngọc Linh).
Ngoài ra còn có sự tham gia của hai đầu bếp nổi tiếng trong làng ẩm thực như Master chef Đỗ Nguyễn Hoàng Long, "hoa hồi bạc" chuyên nấu phở cho gia đình bạn bè thưởng thức là Phan Quý Long.
Bên cạnh sự hỗ trợ của thương hiệu phở nổi tiếng, các đầu bếp, Phở yêu thương 2024 còn nhận được những tấm lòng vàng hỗ trợ hiện kim, hiện vật của HDBank, Greenfeed, Vietravel Airlines, đội bóng đá An Nguyên Bảo, Acecook, LC Foods, Yến Đảo Cần Giờ, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận