08/06/2011 09:35 GMT+7

Vì một "ngày đại dương" yên bình

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Thật tình cờ Ngày đại dương thế giới (8-6) năm nay diễn ra chỉ ba ngày sau khi đối thoại Shangri-La kết thúc. Dư âm của các phát biểu đó vẫn còn đó. Ước mơ trong “ngày đại dương” thế giới này chính là làm thế nào cho các hứa hẹn cao thượng đó thành sự thật.

Ngay cả bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cũng không quên nhắc lại tại Đối thoại Shangri-La rằng: “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Năm 2002, Trung quốc và các nước ASEAN đã ký kết Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông vốn xác nhận giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng các phương pháp hòa bình, qua tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các nước có chủ quyền liên can trực tiếp”.

Tất nhiên, điều kiện cần thiết không thể thiếu được để cho ước mơ đại dương yên bình là việc rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm. Và hành động qua các phương thức hòa bình, trong đó các biện pháp giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) mà cho tới nay rất nhiều nước tranh chấp trên thế giới vẫn đã và đang sử dụng rất hiệu quả. Gần đây, hôm 4-5-2011, tòa án quốc tế đã nhóm họp hai phiên để xét đơn của Nicaragua và Colombia về vùng biển Caribê.

Trước đó một tháng, tòa án quốc tế cũng đã nhóm họp về vụ Gruzia kiện Liên bang Nga, hai nước từng giao chiến năm 2008. Nóng hổi nhất là hai phiên lấy lời khai của tòa án quốc tế về vụ Campuchia kiện đòi bảo tồn các văn kiện pháp lý trước đó liên quan đến ngôi đền Preah Vihear. Các vụ kiện này cho thấy dù xung đột đổ máu thì cuối cùng vẫn còn đó tòa án quốc tế để phân xử.

Tòa án quốc tế không chỉ thụ lý các tranh chấp lãnh thổ hay các kiện tụng sau chiến tranh, mà cả những việc rất dân sự như vụ kiện ngày 12-4-2011 giữa Bỉ và Thụy Sĩ của các cổ đông Thụy Sĩ có cổ phần trong Công ty hàng không SABENA của Bỉ, đã đóng cửa vì khánh tận, nay đòi quyền lợi. Qua các vụ kiện trên (mới chỉ trong hai tháng 4 và 5 năm nay), có thể thấy “đáo tụng đình” là một hành vi rất thông dụng, niềm tin vào luật pháp quốc tế là lớn lao thay cho động binh, giúp đảm bảo hòa bình và ổn định; còn nếu đã lỡ động binh rồi thì nhờ đó mà khôi phục hòa bình, ổn định.

Những tuyên bố cao thượng như đã được nghe ở Đối thoại Shangri-La chỉ có thể bảo đảm hòa bình trên biển Đông một khi mọi phương cách hòa bình được sử dụng, trong đó có các tòa án quốc tế. Như phần XV của UNCLOS: “Yêu cầu các quốc gia tham gia công ước giải quyết mọi tranh chấp với nhau liên quan đến việc lý giải hay áp dụng công ước bằng các phương cách hòa bình. Ở nơi nào không đạt đến một thỏa thuận nào, điều 286 của công ước quy định đưa vụ tranh chấp ra trước một tòa án có thẩm quyền pháp lý về lĩnh vực đó”, trong đó có tòa án quốc tế về luật biển và tòa án quốc tế.

Tuyên bố ứng xử ASEAN trên biển Đông và UNCLOS đều chủ trương sử dụng các phương cách hòa bình, tham khảo, đàm phán và pháp lý. Đó chính là thông tục ứng xử tại các khu vực khác trên thế giới để cho đại dương ở các khu vực đó được yên bình, như ý nghĩa tột cùng của Ngày đại dương thế giới.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên