* Ám ảnh tuổi già
* Hãy giúp người già tránh thảm cảnh
* Sợ tuổi già, nỗi lo thường nhật của những người... sắp già!
* Còn mẹ già để được 'nói sàm' là hạnh phúc lắm
Trên đây là ý kiến của bạn đọc B.H. gởi đến chuyên mục tâm sự Tuổi Trẻ Online chia sẻ câu chuyện của mình với tư cách người trong cuộc. Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu.
“Tôi nghỉ hưu năm 2010, đúng với quy định của Luật BHXH. Từ ngày nghỉ hưu đến nay, công việc nhà nhiều hơn và cũng vất vả hơn, nhất là công việc chăm sóc cháu nhỏ.
Lúc cháu nhỏ chưa biết ăn cơm, cứ khoảng hai giờ đồng hồ là tôi lại thức dậy để cho cháu ăn sữa và mỗi lần như vậy, việc ngủ lại rất khó, thậm chí không ngủ lại được.
Đặc biệt, khi cháu bị nóng sốt, tôi thường thức cả đêm để trông cháu nên người tôi rất ốm, làm ai cũng quở, cũng hỏi: “Sao ông ốm thế, ông có bệnh gì không?”. Thấy đồng nghiệp cũ và người quen quan tâm, hỏi vậy, tôi nói giỡn cho vui: “Tôi không bị bệnh mà bị đói ăn”!
Nghe tôi nói vậy, có người nói: “Người già như ông thì ăn uống hết bao nhiêu, làm sao lại đói ăn?”. Tôi nói: “Tiền lương nghỉ hưu đã ít (chỉ còn phân nửa so với lúc đi làm) lại phải chi tiêu nhiều thứ, nhất là việc chi tiêu cho chữa bệnh người thân”.
Công việc hằng ngày đưa đón cháu đến trường mẫu giáo, tôi cũng giành phần về mình. Sáng tôi dậy sớm để đi tập thể dục ngoài bờ kè kênh Nhiêu Lộc, về đến nhà, tôi lại vào bếp nấu ăn sáng cho con kịp đi làm việc ở cơ quan nhà nước.
Theo tôi, ăn sáng ở nhà vừa tiết kiệm “ngân sách” gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe, do vậy gia đình tôi ít khi mua thức ăn nấu sẵn ở ngoài, nhất là thức ăn đường phố. Tôi không bao giờ ăn và cũng không bao giờ mua về nhà để ăn. Có lẽ nhờ thế mà từ nhỏ đến già, tôi chưa một lần phải làm “nhân viên bệnh viện”.
Đến giờ đi học, tôi lại chở cháu đến trường, dẫn cháu lên lớp, cho cháu đi vệ sinh, rửa cho cháu, lau sàn nhà vệ sinh, rồi chờ cháu ăn sáng xong mới yên tâm ra về.
Công việc “nội trợ” ở nhà như đi siêu thị mua thức ăn, nấu ăn, giặt đồ… tôi cũng giành làm vì thương vợ thương con sức khỏe không tốt như những người khác.
Biết chuyện gia đình của tôi, một đồng nghiệp nữ nói: “Bà vợ ông sướng thiệt, chả bù cho ông chồng của tôi chẳng bao giờ đụng đến chuyện nhà, đến bữa ăn, vợ bưng cơm tận miệng còn chưa thèm ăn”.
Không biết tôi làm như vậy có đúng không, cái gì cũng “ôm” như bà vợ tôi thường nói, nhưng tôi nghĩ, con người ta ai cũng có số, số của tôi là vậy, lúc nào cũng lo cho các thành viên trong gia đình, con chưa về, gọi điện hỏi, vợ đi khám bệnh chưa về cũng gọi điện hỏi...
Ngoài lý do tin vào số mệnh, còn một lý do khác, đó là cách nghĩ, việc làm của người già khác với người trẻ. Tôi thường không hài lòng về cách nuôi dạy con của con và cũng không yên lòng khi con đi xe máy.
Thấy con chạy xe máy vào làn đường dành cho ôtô là tôi rầy la, thấy con mải mê coi điện thoại để muỗi cắn con, tôi cũng rầy la, thấy con mua đồ ăn ở chợ về ăn, tôi cũng không ủng hộ…
Tôi thường nghe câu nói: “Có sinh con mới hiểu được tấm lòng của mẹ cha”. Với những người làm cha như tôi, con dù đã trưởng thành cũng vẫn là trẻ con. Mặc dù tôi đã lên đến “chức” ông, vẫn rất nhớ thương cha mẹ đẻ của mình.
Cha mẹ tôi hồi đó cực khổ lắm, chỉ có ngày tết mới được ăn chén cơm không phải độn khoai lang hoặc củ mì, chỉ ngày tết mới được ăn thịt heo, chỉ ngày tết mới được mặc quần áo mới, do vậy mỗi lần giỗ mẹ, tôi lại nấu món canh dưa cải chua với cá.
Còn ngày giỗ của cha, tôi nấu món canh miến vì đó là những món ăn cha mẹ tôi rất thích ăn, nhưng vì cảnh nhà nghèo khó nên mẹ tôi trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn thèm món canh dưa cải chua nấu với cá...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận