Đêm đông năm 2017, các bạn trẻ ở nhóm thiện nguyện Hà Nội tặng đồ ăn, nhu yếu phẩm hai người già neo đơn ở góc phố Lê Duẩn - Ảnh: Q.THẾ |
Sau bài viết Ám ảnh tuổi già và bài phản hồi Hãy giúp người già tránh thảm cảnh, những ngày qua Tuổi Trẻ Online nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc đồng cảm đồng thời lo lắng cho tương lai của mình.
10 năm hay 20 năm nữa khi về già chúng ta sẽ ra sao? Khi ấy chúng ta có còn minh mẫn để tự lo cho cuộc sống của mình? Con cháu chúng ta có chia sẻ với chúng ta hay chúng coi chúng ta là người thừa...? Đó là những nỗi lo có thật đối với những người sắp về hưu.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu những băn khoăn của bạn đọc Đỗ Kim.
"Đã từng nuôi mẹ già, sống với mẹ cho đến ngày cuối cùng của mẹ, chứng kiến tuổi già của mẹ nên tôi sợ sống già lắm lắm luôn. Tôi thường nói với các bạn trong phòng: “Tui cố gắng làm việc thiện để xin được chết sớm !!!”.
Mẹ tôi không học cao, nhưng mẹ chịu khó đọc sách nên mẹ cũng có nhiều hiểu biết. Tuy thuộc thế hệ xưa nhưng mẹ tôi có tư tưởng cấp tiến, bà đối xử với chúng tôi như những người bạn. Vì thế chúng tôi có thể kể, tâm sự mọi chuyện với bà mà không hề e ngại.
Dạo trước năm 1975, nhiều gia đình thường ngăn cấm con cái không được xem truyện Quỳnh Dao là loại truyện tình cảm ủy mị, bây giờ gọi là truyện ngôn tình. Nhưng trong gia đình mẹ tôi cho phép chúng tôi đọc và bà cùng đọc với chúng tôi, cùng nói chuyện với chúng tôi về những quyển truyện ấy, để có thể hướng chúng tôi tránh khỏi những suy nghĩ lệch lạc sau khi đọc truyện.
Tiền lì xì tết mẹ không thu gom mà cho phép chúng tôi được tự giữ. Mọi việc trong nhà bà chia cho chúng tôi làm, mỗi người mỗi việc, người lớn làm việc nặng như lau nhà, giặt quần áo, người nhỏ làm việc nhẹ như quét nhà, lau bàn ghế.
Và đặc biệt thay vì cho tiền tiêu vặt, bà trả lương chúng tôi mỗi tháng dựa vào công việc làm hằng ngày của mỗi người. Chúng tôi tự quản lý mọi chi tiêu của mình trong tháng, tuyệt đối không xin thêm.
Mỗi năm bà gom lại tiền dư của mọi người đem gửi ngân hàng, cẩn thận ghi rõ số tiền của mỗi người để khi lãnh ra chia cho chính xác. Tất cả những điều đó cho thấy mẹ tôi là người phụ nữ rất sáng suốt và minh mẫn.
Thế nhưng khi bà gần 80, bắt đầu bị lẫn, bà đã thay đổi hẳn!
Hầu hết các kiến thức từ xưa bà đã quên mất, bà trở nên chẳng còn biết gì cả nên việc gì cũng sợ, hành động luôn luôn sai, kỳ cục và không thể nào hiểu được.
Cứ thấy hai mẹ con tôi ra khỏi nhà là bà bắt đầu lo lắng, sợ hãi, lấy ghế chặn cửa. Bà vốn nhỏ con, nay già nên rất ốm, dù ăn cũng khá nhưng không hiểu mọi chất bổ đi đâu hết, bà rất ốm chỉ có da và xương, thành ra người bà rất yếu, mong manh.
Lại thêm cánh tay phải đã bị gãy rời mà không liền xương được do lúc bị gãy bà đã hơn 70, cộng với huyết áp cao nên bác sĩ không dám phẫu thuật, vì thế xương không liền với nhau nên cánh tay phải luôn phải băng nẹp, gần như không sử dụng được nữa.
Vậy mà bà vẫn cố gắng khệ nệ kéo mấy cái ghế để chặn cửa. Có những lúc hai mẹ con chỉ đi bộ quanh cư xá, trước khi đi cũng dặn dò bà kỹ lưỡng bà cũng gật đầu, rồi khi hai mẹ con vừa khuất sau cánh cổng là bà vẫn khệ nệ lo kéo ghế chặn cửa.
Thấy bà vất vả, sợ bà té, nhưng giải thích cách nào bà vẫn không hiểu, không nhớ…
Ban đầu còn để cho bà giữ chìa khóa cửa, bà rất cẩn thận, sợ mất nên đem cất rất kỹ. Tuy nhiên khi hai mẹ con về thì bà quên mất đã cất ở đâu và lại cẩn thận khóa trong nữa. Đã mấy lần phải cưa cửa, đập vỡ kính để mở cửa vào nên cuối cùng tôi phải khóa ngoài, dù biết rằng khóa ngoài là nguy hiểm hơn.
Tính bà thích làm việc, do suốt bao nhiêu năm là người quản lý mọi việc trong nhà. Tối đến bà thường đi dọn dẹp mọi thứ, thấy bà đi dọn dẹp là hai mẹ con tôi sợ lắm. Bởi, sáng ra muốn lấy món gì không biết nó ở chỗ nào, mất rất nhiều thời gian đi tìm.
Nhà tôi vốn kỹ lưỡng, đồ vật nào thường để đúng vị trí của nó. Nhưng khi bà bị lẫn, bà đã quên mất và thường đem cất ở chỗ khác, những chỗ mà không ai có thể nghĩ ra được, bởi vị trí cất đồ không liên quan gì đến công dụng của vật đó cả. Ví dụ như dao, muỗng,… thay vì cất trong tủ bát đĩa, bà đem bỏ ngăn đá tủ lạnh !?
Và còn rất, rất nhiều chuyện không thể hiểu được…
Bạn tôi cũng kể chuyện bố chồng lúc nào ông cũng sợ bị mất cắp, cái gì cũng giấu, và luôn la lên là bị mất cắp. Ông thường la con dâu là “ăn cấp quần đùi của ông đem cho chồng mặc”, mà chồng con dâu của ông là ai, là con trai của ông (!).
Hoặc luôn kêu mất tiền rồi vu cho người giúp việc lấy. Không người giúp việc nào chịu được ông, nên hai vợ chồng cứ phải nai lưng ra làm việc nhà sau khi đi làm về.
Bà chị dâu tôi cũng kể chuyện về ông ngoại của tụi nhỏ hay giấu tiền nên khi ông mất, dọn dẹp phòng ông thấy đến mấy cuốn sổ tiết kiệm, nhưng khi ra ngân hàng hỏi thì ngân hàng đòi phải có giấy thừa kế đủ thứ, rất phiền phức...
Người già bỗng dưng đổi tính, trái tính trái nết, hay lo sợ, nghi kỵ đủ thứ và hành động không giống ai do sự suy nghĩ lệch lạc.
Chưa kể đến vấn đề sức khỏe nữa. Già thì da dẻ nhăn nheo, đầy đồi mồi, tóc rụng, răng rụng, tất cả mọi hình thức bên ngoài đều xấu xí. Sức khỏe bên trong cũng tương tự: bộ phận nào cũng đều suy yếu, không đụng vào thì thôi, chứ đụng đến đâu là thấy bệnh đến đó.
Do đó, là người chứng kiến mẹ tôi từ lúc trẻ đến khi già, nhận thấy rõ ràng sự khác biệt, tệ hại của tuổi già nên tôi rất, rất sợ sống già".
Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận