22/05/2017 17:18 GMT+7

​Thương người phụ nữ quê mình

ĐẶNG QUỲNH GIANG (TP.HCM)
ĐẶNG QUỲNH GIANG (TP.HCM)

TTO - Câu chuyện bạn Đặng Quỳnh Giang kể về người cô của mình: tảo tần, vất vả, chỉ biết chăm lo, phục vụ chồng con..., càng tôn vinh thêm đức tính hy sinh của người phụ nữ VN. Bao đời này, đức tính đó không hề thay đổi.

Tảo tần, vất vả và suốt một cuộc đời chỉ biết chăm lo, phục vụ chồng con là những nét điển hình của người phụ nữ vùng quê - Ảnh: T.L

Trên đất nước này còn bao nhiêu người phụ nữ quê (và cả thành thị) nữa còn phải chịu cực nhọc và thiệt thòi như vậy? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi giới thiệu này viết này.

"Tôi mới đón cô tôi từ quê Hà Tĩnh vào Sài Gòn chữa bệnh. Cô vốn là người khỏe mạnh có tiếng trong vùng - nuôi tám người con, làm hơn mẫu ruộng nhưng mấy chục năm rồi chẳng mấy khi ốm đau lặt vặt. 

Vậy mà vài năm nay khi ngấp nghé tuổi 60, sức khỏe cô đi xuống rõ rệt, đau ốm thường xuyên. Chồng con ép mãi, cô mới chịu đi bệnh viện khám và kết quả cô đang mang nhiều bệnh trong người, trong đó có bệnh  hiểm nghèo.

Chẳng mấy khi tôi thấy những phụ nữ quê mình trong dáng bộ tươm tất, gọn gàng hay mặc bộ áo quần cho đẹp đẽ. Vì thực sự họ không có thời gian, không hứng thú và đẹp thì cũng để cho ai ngắm đây! Không gian, khoảng cách của họ là từ nhà đến chợ, ra đồng và loay hoay trong những căn bếp chật chội, đầy bồ hóng". 
ĐẶNG QUỲNH GIANG

Sau đó, cũng vì người thân ép buộc và tình trạng sức khỏe hiện tại không cho phép cô lần lữa nữa, cô mới chịu buông heo gà, trâu bò và đồng ruộng cho chồng con vào Sài Gòn chữa bệnh. 

Cô tôi là hình ảnh tiêu biểu, điển hình cho rất nhiều phụ nữ nông thôn mà sau nhiều năm xa quê, tôi vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai và thôi ám ảnh: tảo tần, vất vả và suốt một cuộc đời chỉ biết chăm lo, phục vụ chồng con. 

Bà tôi, cô và thím tôi cùng bao phụ nữ nông thôn tương tự đã và đang làm gần như hết mọi việc. Từ hoạt động chính mang lại thu nhập của gia đình là cấy cày, canh tác, chăn nuôi, đến núi công việc nhà từ chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, chăm con, dọn dẹp, lợn gà và hàng trăm ngàn việc không tên khác, tất thảy đều nằm trên đôi vai gầy và bàn tay thô ráp của những người đàn bà bé nhỏ. 

Đàn ông quê tôi nhiều người vẫn còn mang nặng nếp nghĩ cũ - gia trưởng và cố chấp. Với họ, nam nhi chỉ làm những “việc lớn” như quyết định năm nay gia đình sẽ mua thêm con bò, đào cái giếng hoặc lựa chọn thời điểm xây nhà... chứ không làm “việc đàn bà”.

Những lúc vợ tất bần bật và xoay quần quật với việc nhà, nhiều vị đàn ông chỉ ngồi xem tivi, hút thuốc, đi dạo quanh xóm chờ cơm chín hoặc nhâm nhi với ai đó vài ly. Đói bụng mà cơm chưa kịp chín, con khóc làm họ khó chịu thì thế nào cũng có chuyện.

Bạo hành gia đình, chửi mắng, xúc phạm vợ nhiều khi đến từ những điều nhỏ nhặt nhưng thường xuyên như thế.

Người nông thôn không có khái niệm cuối tuần như thị dân, công chức. Người quê chỉ thật sự nghỉ duy nhất dịp Tết Nguyên đán. Nhưng tết lại là dịp sự cực nhọc của người phụ nữ quê tăng thêm gấp bội.

Để cho con cái được đi chơi, mẹ lo hết việc lặt vặt mà ngày thường lũ trẻ vẫn thường phụ mẹ. Rồi lợn gà, trâu bò cũng vẫn phải cho chúng ăn chứ. 

Trên đất nước này còn bao nhiêu người phụ nữ quê (và cả thành thị) nữa còn phải chịu cực nhọc và thiệt thòi như vậy. Tôi tin còn nhiều lắm nếu không muốn nói là đa số. Họ đang được mặc định phải làm quá nhiều công việc. 

Trong tiềm thức, tôi chưa bao giờ thôi ngóng trông, khắc khoải một mai này người phụ nữ quê mình được thảnh thơi hơn.

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

ĐẶNG QUỲNH GIANG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên