Ban tổ chức cùng các thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật VN - Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2015 - Ảnh: NVCC
Gặp PV Tuổi Trẻ, anh Thanh hào hứng khoe mới lập được một xưởng sản xuất xe lăn. Hiện xưởng đã có 10 công nhân, mỗi tháng ra đời 100 xe, đều được tặng cho người khuyết tật.
Dù chỉ còn sống một hay hai năm nữa...
* Năm 2005 anh được tạp chí Echip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Năm 2007, Microsoft phong anh là Anh hùng công nghệ thông tin - IT Hero. Điều gì đã khiến anh gắn bó thành công với công nghệ thông tin như vậy?
- Tôi không phải là người học về công nghệ thông tin (CNTT) khi vào đại học mà học Đại học Luật Hà Nội. Nhưng năm 2001, khi tốt nghiệp cũng là lúc tôi phát hiện mình bị ung thư xương.
Sau thời gian đầu đoạn chi (loại bỏ một chân) khoảng hơn một tháng, hơn 10 tháng còn lại tôi phải ở trong viện để truyền hóa chất, phục hồi chức năng. Đó là quãng thời gian tôi tương đối rảnh và thấy rằng muốn sau này ra viện có thể hòa nhập cộng đồng được thì bắt buộc phải hiểu biết về CNTT. Đó sẽ là cách giúp tôi kết nối mọi người.
* Đó có thể coi là dấu mốc quan trọng thay đổi cuộc sống của anh?
- Thực ra thời tuổi trẻ ít ai nghĩ đến sứ mệnh của mình, nghĩ đến những câu hỏi mang tính chất triết học như "Tôi sinh ra để làm gì? Sau này tôi sẽ về đâu?"... Nhưng khi xảy ra biến cố lớn, tôi thường nghĩ đến những điều ấy.
Ngày đó, các bác sĩ tiên lượng tôi chỉ còn sống được 2 năm nữa. Khi học đại học tôi chủ yếu đi làm thêm kiếm tiền chứ không nghĩ đến công việc cộng đồng. Tôi gần như không bao giờ tham gia những chương trình tình nguyện do nhà trường phát động. Thay đổi lớn nhất là khi thành người khuyết tật là tôi tâm niệm dù chỉ còn sống được một hay hai năm cũng sẽ sống vì cộng đồng. Tôi sẽ dùng CNTT và hiểu biết pháp luật phục vụ cộng đồng.
Chính tình yêu CNTT đã giúp tôi rất nhiều trong những công việc đó.
Anh Trịnh Công Thanh người được coi là “ông bầu” của những cuộc thi hoa hậu người khuyết tật - Ảnh: V.V.TUÂN
Đa dạng, khác biệt, chứ không đáng thương
* Động lực nào đã giúp anh vững vàng chiến đấu với ung thư?
- Tôi bị đẩy vào nghịch cảnh quá đột ngộtc. Các bạn khuyết tật bẩm sinh sẽ được thích nghi dần dần theo năm tháng với khuyết tật của mình. Còn tôi buộc phải tìm cách thích nghi.
Chiến đấu được với ung thư đã là điều kỳ diệu, nhưng suốt một năm sau đó tôi luôn sống cùng mặc cảm, tự ti vì người gầy, tóc rụng, chỉ còn một chân... Tôi ngại tiếp xúc với cả người thân. Đó là những ngày sốc, sợ, tự ti nhất trong cuộc đời tôi. Thời gian lầm lũi trôi qua, nhưng mỗi sáng mở mắt ra thấy mình còn sống là còn thêm một chút hi vọng.
Rồi tôi tự nhủ những ngày chiến đấu với bệnh tật là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời, bản thân đã chiến thắng thì mọi chuyện đều có thể vượt qua được.
* Phải chăng dấu mốc quan trọng đó cũng là động lực để từ đó đến nay anh xây dựng nhiều dự án hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật?
- Đúng vậy. Khi trở thành người khuyết tật tôi mới tìm hiểu về cộng đồng này nhiều hơn. Những năm gần đây, mọi người mới thấy người khuyết tật ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn. Nhưng trước đây, vì nhiều định kiến và cơ sở hạ tầng ít được quan tâm nên người khuyết tật ít được hòa nhập xã hội.
Tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác, bởi trong thời gian điều trị bệnh, tôi đã học CNTT. Khi tôi ra viện cũng là lúc nở rộ các phong trào thành lập diễn đàn ở VN. Tôi lập Diễn đàn người khuyết tật VN từ đó.
Đó cũng là thời điểm chiến dịch truyền thông "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" do báo Tuổi Trẻ phát động đang lan tỏa mạnh mẽ, nên tôi bắt tay xây dựng tiếp trang web và diễn đàn ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam. Những kiến thức CNTT học được khi điều trị bệnh tôi tận dụng để tham gia các hoạt động vì người khuyết tật.
* Anh nói cộng đồng vẫn còn nhiều định kiến với người khuyết tật. Đó là những định kiến gì?
- Định kiến lớn nhất với người khuyết tật là nghĩ họ đáng thương, cần bao bọc chứ không coi đó là sự đa dạng của xã hội và cần tôn trọng sự khác biệt để họ được sống độc lập, tự mình vươn lên. Quan niệm phổ biến là luôn làm hộ, làm thay người khuyết tật.
Đành rằng người khuyết tật có những hạn chế nhất định do sự khiếm khuyết mang lại, nhưng rào cản vô hình và định kiến xã hội đó sẽ bị xóa nhòa bởi công nghệ 4.0 đang mở ra cơ hội lớn. Mọi người đều có cơ hội như nhau và sự chủ động, kiên trì sẽ mang đến thành công, chứ không phải sự may mắn. Người không khuyết tật làm được điều gì thì người khuyết tật cũng làm được điều đó.
Người khuyết tật luôn hết sức đam mê, coi trọng cơ hội nghề nghiệp, nếu có sự hỗ trợ của công nghệ thì chắc chắn họ sẽ có năng suất lao động vượt bậc.
Trịnh Công Thanh vừa mở xưởng sản xuất xe lăn tặng miễn phí cho người khuyết tật - Ảnh: V.V.TUÂN
Không chỉ là "cổ tích" vượt lên số phận
* Anh cũng là người có ý tưởng tổ chức cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật - Vẻ đẹp vầng trăng khuyết đầu tiên tại Việt Nam?
- Năm 2005, chúng tôi tổ chức một cuộc thi vui vẻ, khác lạ mang tên Vẻ đẹp trong sự đa dạng. Thí sinh tham gia cuộc thi là những phụ nữ nhiễm HIV, phụ nữ khuyết tật và những người hoạt động tình nguyện. Từ đó tôi ấp ủ ý tưởng sẽ tổ chức cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật ở VN. Mãi đến năm 2013 cuộc thi mới được tổ chức lần đầu tiên.
Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì cuộc thi hai năm một lần và mở rộng độ tuổi thí sinh. Cuộc thi lần thứ 3 sẽ diễn ra đầu năm 2018 tại Hà Nội. Còn xa hơn, tôi mong muốn Hoa hậu người khuyết tật VN sẽ được tổ chức thường kỳ sau mỗi cuộc thi Hoa hậu VN. Cũng như trong thể thao, sau SEA Games là Paragames, sau Olympic là Paralympic...
Rồi đây, tôi mong mọi người sẽ đón nhận những cuộc thi sắc đẹp cho người khuyết tật như một điều đương nhiên, thay vì tò mò. Rồi đây, những câu chuyện của người khuyết tật sẽ trở nên bình dị, gần gũi, thân thiết... chứ không chỉ là những câu chuyện "cổ tích" vượt lên số phận hoặc nghị lực phi thường.
* Năm 2013 khi cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật VN lần đầu tiên được tổ chức, rất nhiều hiệu ứng tốt được lan tỏa, song cũng có ý kiến cho rằng tổ chức thi hoa hậu người khuyết tật là phản cảm…
- Khi tổ chức cuộc thi lần đầu, bản thân tôi cũng chịu rất nhiều áp lực. Lâu nay, vấn đề người khuyết tật thường hay bị né tránh, nên thậm chí có người nói thi hoa hậu người khuyết tật là phản cảm.
Nhiều người hỏi tôi vì sao lấy tên là Vẻ đẹp vầng trăng khuyết. Tôi giải thích "trăng khuyết" không phải là khiếm khuyết mà chỉ là chưa tròn thôi. Vẻ đẹp vầng trăng khuyết chấm điểm thí sinh bằng nghị lực, trí tuệ, tài năng, khả năng đóng góp cho cộng đồng...
Sau đêm chung kết năm 2013, nhiều người đã nói với tôi rằng lúc đầu chỉ định đến xem một lúc rồi về, nhưng đã ở lại đến những phút cuối vì xúc động và khâm phục nghị lực của các thí sinh. Đó chính là vẻ đẹp của người khuyết tật.
Hoa hậu người khuyết tật Việt Nam 2012 Nguyễn Thị Ánh Ngọc:
Vượt qua giới hạn bản thân
Trước cuộc thi tôi chỉ là một sinh viên khuyết tật chăm chỉ đến trường, nỗ lực để hoàn thành chương trình học của mình một cách tốt nhất có thể với mong muốn ra trường tìm kiếm được việc làm, tự lo được cho bản thân. Nhưng sau khi đăng quang, tôi không chỉ biết đến cuộc sống của bản thân nữa. Tôi cố gắng để có thể giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Cuộc thi đã trao cho tôi cơ hội để thử thách và vượt qua những giới hạn của bản thân, để yêu thương nhiều hơn.
Vẻ đẹp thực sự
Năm 2007, anh Trịnh Công Thanh và Hoa hậu người khuyết tật VN 2005 Tạ Bích Hường nên duyên vợ chồng. "Chúng tôi đều tham gia hoạt động tình nguyện vì người khuyết tật, cảm mến và đến với nhau. Đó cũng không phải là tình yêu sét đánh mà trải qua rất nhiều thời gian" - anh Trịnh Công Thanh chia sẻ.
Chị Tạ Bích Hường nhớ lại: "Với vợ chồng mình, sự lãng mạn là những chuyến tình nguyện bằng xe máy lên Sóc Sơn, Ba Vì... Cùng với những người bạn cùng chí hướng, chúng mình đi tới trung tâm bảo trợ dành cho trẻ lang thang, những em bé chẳng may bị nhiễm HIV từ bố mẹ để thăm các em và hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần. Những kỷ niệm đẹp thực sự sẽ mãi không phai mờ...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận