29/11/2019 09:13 GMT+7

Vay vốn nước ngoài làm đường sắt: Sợ nhất là chậm tiến độ

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Hà Nội phải vay thêm vốn ODA làm đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ đẩy nợ nước ngoài của Hà Nội năm 2021 tăng trên 66.000 tỉ đồng.

Nợ tăng ai cũng lo. Nhưng với những dự án như đường sắt đô thị, nợ tăng không phải là nỗi lo chính. Lo nhất là đừng xảy ra thêm một Cát Linh - Hà Đông nữa.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tấm gương xấu cho các dự án đường sắt đô thị, là điển hình của nỗi lo kép: vỡ tiến độ, đội vốn, vay thêm vốn cũng vỡ tiến độ, đến nay chưa được đưa vào sử dụng. Hàng loạt lời cam kết về thời gian đoàn tàu sẽ đón khách cũng vỡ tiến độ nốt. Bởi thế, nhiều người nói có tiền chưa chắc có hệ thống đường sắt đô thị như mong muốn.

Thực tế 4 dự án đường sắt đô thị đã khởi công ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng có nhiều "chương, mục" tương tự như trong bài học Cát Linh - Hà Đông. Các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội sau nhiều lần phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư lên đến hơn 124.300 tỉ đồng. 

Trong khi đó, hằng ngày người dân ở hai đô thị lớn của Việt Nam phải chen nhau trên đường, ngước nhìn đường tàu uốn lượn trên cao với mong muốn một ngày nào đó được di chuyển trên những đoàn tàu này thay vì phải chôn chân trên đường.

Dự án chậm một ngày tốn kém, lãng phí thêm một ngày, chậm kéo dài từ năm này qua năm khác, dự án càng kém phát huy hiệu quả. Không chỉ thế còn làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác.

Như đề án hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội, TP.HCM đều dựa vào hệ thống giao thông công cộng. Hà Nội muốn dừng hoạt động xe máy ở trung tâm nhưng chỉ thực hiện khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. 

Muốn vậy, đến năm 2030, Hà Nội cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt... Nhưng với tốc độ triển khai như thời gian qua, e rằng trong 10 năm tới, Hà Nội chỉ khai thác được 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội.

Các cơ quan chức năng đang giải quyết các thủ tục để các dự án đường sắt đô thị đội vốn có đủ vốn như yêu cầu. Nhưng yêu cầu tiếp theo là gì? Đó là tiến độ và chất lượng thi công. Thực trạng giao thông ở Hà Nội và TP.HCM không còn cho phép các dự án đường sắt đủng đỉnh nữa. 

Có tiền rồi, phải tính ngay đến tăng tốc thi công. Không thể chấp nhận chậm tiến độ, vỡ tiến độ. Phải thay bài học Cát Linh - Hà Đông bằng bài học mới: đúng tiến độ, chất lượng tốt. Có thêm phương tiện giao thông công cộng, khi đó mới có thể bàn về các đề án hạn chế xe cá nhân. Còn lúc này, có đưa ra bàn hạn chế xe cá nhân chỉ gây thêm bức xúc mà thôi.

Có cần làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn Có cần làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn 'khủng' 100.000 tỉ đồng?

TTO - Thông tin Bộ Giao thông vận tải triển khai lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn 1,435m Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bằng tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc đang được dư luận quan tâm.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên