12/11/2021 07:00 GMT+7

Vào đại học, thêm một con dốc mới của Trung mồ côi

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Từng bỏ học hai năm để đi làm thuê, nhờ sự đùm bọc của một người anh nuôi tốt bụng, cậu học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ đã quay lại trường học và sáu năm qua luôn là học sinh giỏi. Bạn vừa đậu vào Trường đại học Luật TP.HCM.

Cậu học trò từng bỏ học năm nào, nay đã có giấy báo trúng tuyển đại học - Video: DUY THANH - LÊ HÙNG - HUỲNH VY

Vào đại học, thêm một con dốc mới của Trung mồ côi - Ảnh 2.

Trương Ngọc Trung phụ giúp việc nhà anh nuôi những khi rảnh rỗi - Ảnh: DUY THANH

Nhà người anh nuôi của Trương Ngọc Trung (20 tuổi) ở lưng chừng núi Chóp Chài thuộc thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Mỗi ngày đến trường, Trung luôn phải vượt qua những con dốc. Để sống tốt và học tập tốt, Trung đã phải vượt qua bao con dốc của cuộc đời mình, nhưng để tiếp tục học xong đại học như nguyện ước quả là một con dốc cao đầy thách thức đối với chàng tân sinh viên này.

Bỏ học giữa chừng để làm thuê

Ba chị em Trung sinh ra trong một gia đình khó khăn, bệnh tật ở xóm lao động nghèo thuộc phường 7 (TP Tuy Hòa). Cả ba và má Trung đều mắc bệnh lao kháng thuốc. Má bệnh nặng, sức khỏe quá yếu, không làm gì được, còn ba gắng gượng những ngày khỏe mạnh ráng chạy xe ôm để nuôi gia đình.

Gia cảnh quá khó khăn cộng với tác động từ xung quanh là nhiều thanh thiếu niên trong xóm đều "học không vô", nghỉ sớm, đi bụi, lêu lổng, anh trai Trung bỏ học trước, rồi đến lượt Trung.

"Kết thúc năm học lớp 6 (2012 - 2013), tôi nghỉ học, xin làm thuê tại một xưởng sản xuất nước đá ở phường 6. Khi đó, mỗi ngày công lao động tôi được chủ trả 30.000 - 40.000 đồng" - Trung nhớ lại.

Một năm sau đó, má Trung qua đời vì bệnh tật. Gần hai năm sau, năm 2016, đến lượt ba Trung vĩnh viễn đi xa. Chị gái sinh năm 1993 đi lấy chồng sớm, còn người anh trai sau đó cũng qua đời vì bệnh nặng.

Trung - ở cái tuổi vừa chớm thiếu niên - đã trở thành trẻ mồ côi đúng nghĩa. Cậu thấu hiểu những vất vả, cực nhọc của việc làm thuê, làm mướn và nhìn thấy tương lai của mình đầy chông gai, mù mịt.

Giữa lúc ấy, Thoại Kỳ (năm nay 29 tuổi, cộng tác viên của Đài phát thanh và truyền hình Phú Yên, một thanh niên xông xáo trong công tác thiện nguyện) đã tìm đến tận xưởng sản xuất nước đá, gặp gỡ rồi nhận Trung làm em nuôi.

Có những ngày chỉ một trái mướp mà chúng tôi nấu canh ăn hai ngày, nhưng vẫn vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục nuôi mơ ước cho các em. Tôi sẽ cố gắng tìm nguồn tài trợ để Trung có xe máy đi lại khi đi học tại TP.HCM và để em dùng làm phương tiện mưu sinh như chạy Grab chẳng hạn.

Anh Lê Thoại Kỳ

Luôn là học sinh giỏi

Một ngày của năm 2016, anh Kỳ khuyên Trung nên trở lại trường học vì chỉ có kiến thức mới làm chủ đời mình và thành công trong cuộc sống.

"Bản thân anh Kỳ cũng là một người mồ côi cha, thuở nhỏ chỉ sống với bà vì mẹ cũng bỏ đi làm ăn xa biền biệt mấy chục năm không về. Nhưng anh ấy đã tự vươn lên, không bao giờ từ bỏ, tốt nghiệp hai trường đại học rồi quay lại giúp ích cho đời. Tôi vào nhóm thiện nguyện của anh Kỳ, tham gia những hoạt động từ thiện - xã hội, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi... và thấy rằng có nhiều trường hợp cũng khó, cũng khổ như mình nhưng các bạn, các em vẫn khát khao học tập. Tất cả những điều đó đã tạo cho tôi một quyết tâm mạnh mẽ" - Trung thổ lộ.

Được anh Kỳ xin trở lại ngôi trường cũ, ngồi học chung lớp với bạn bè nhỏ hơn 2 tuổi, trong khi mọi kiến thức trước đó đều đã "đổ sông đổ biển", ban đầu Trung không khỏi lo lắng, mặc cảm.

"Nhưng tôi hạ quyết tâm phải học, phải vươn lên. Tôi hứa với anh Kỳ là học kỳ đầu tiên trở lại trường sẽ cố gắng để thành học sinh khá. Nhưng tôi làm được hơn như thế khi học kỳ 1 năm lớp 7 là học sinh giỏi. Điều đó cho tôi động lực rất lớn về sau" - Trung nói.

Không phụ lòng người anh nuôi, từ khi đi học lại đến hết năm học lớp 12, Trung đều đạt danh hiệu học sinh giỏi sau mỗi học kỳ.

"Để đạt được danh hiệu học sinh giỏi ở Trường THPT Nguyễn Huệ không phải đơn giản, nhưng suốt ba năm liền Trung đều học giỏi, riêng năm lớp 12 thì em vào top 5 học sinh giỏi của lớp. Ngoài học tập tốt, Trung còn năng nổ trong mọi hoạt động của lớp, của trường" - cô Nguyễn Thị Thanh Chuyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 của Trung, nhận xét.

Trúng tuyển vào Trường đại học Luật TP.HCM, trước mắt Trung là một "con dốc" đầy thách thức.

"Khi nhận nuôi và cho tôi đi học lại, anh Kỳ nói rằng sẽ giúp tôi đến hết bậc THPT, còn nếu học tiếp lên đại học, cao đẳng thì tôi phải tự đứng trên đôi chân mình. Tôi cũng quyết tâm như thế. Khi vào TP.HCM ổn định việc học, tôi sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải. Nhưng để có tiền đóng học phí và các khoản khác bước vào năm nhất hơn 10 triệu đồng là một khoản quá lớn" - Trung bày tỏ.

Trước mắt, Trung đã có đơn gửi trường xin được chậm nộp học phí đến tháng 12-2021.

Trao 302 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" tại Phú Yên

Chiều nay (12-11), tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Yên tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh này.

Đây là điểm đầu tiên khởi động chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2021 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ.

Có 97 suất học bổng tiếp sức cho tân sinh viên khó khăn vừa đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, 10 suất đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất và 87 suất trị giá 10 triệu đồng/suất. Ban tổ chức cũng trao 95 suất học bổng cho học sinh bậc THCS (mỗi suất 3 triệu đồng) và 110 suất học bổng cho học sinh bậc THPT (mỗi suất 5 triệu đồng).

Tổng kinh phí đợt trao học bổng "Tiếp sức đến trường" tại Phú Yên là gần 1,9 tỉ đồng, do Câu lạc bộ "Nghĩa tình Phú Yên" tài trợ. Dịp này, Quỹ khuyến học Vinacam cũng tặng 3 laptop hỗ trợ phương tiện học tập cho tân sinh viên với tổng trị giá 36 triệu đồng.

Dự kiến trong năm 2021, ngoài 302 học sinh và tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Phú Yên, chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên còn được tổ chức trao học bổng theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Vào đại học, thêm một con dốc mới của Trung mồ côi - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Vào đại học, thêm một con dốc mới của Trung mồ côi - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10 Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10

TTO - Đậu vào ngành y đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Thảo Quỳnh (quận 8, TP.HCM), học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, vui mừng chưa "tày gang" thì lại băn khoăn cho quãng đường đại học sắp tới.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên