06/11/2021 09:28 GMT+7

Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Đậu vào ngành y đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Thảo Quỳnh (quận 8, TP.HCM), học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, vui mừng chưa "tày gang" thì lại băn khoăn cho quãng đường đại học sắp tới.

Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10 - Ảnh 1.

Thảo Quỳnh làm thêm tại quán ăn ở quận 1 để kiếm tiền trang trải học phí - Ảnh: DUYÊN PHAN

9 năm học đang đợi khiến Quỳnh không khỏi lo lắng về các khoản chi phí, lo cho sức mẹ phải gồng gánh cả gia đình.

Lên đại học mình sẽ tiếp tục học tốt hơn nữa, vừa để xin học bổng vừa bước tiếp con đường đam mê của mình.

Hoàng Thảo Quỳnh

"Thợ săn" học bổng, bớt gánh nặng cho mẹ

Thảo Quỳnh tham gia tích cực các hoạt động của Đoàn - Hội, bạn là bí thư Đoàn trường nhiều năm. Về học tập, Quỳnh có nhiều giải thưởng như giải nhì Casio sinh học, giải ba học sinh giỏi TP môn sinh học.

Quỳnh nói mình là "tay săn" học bổng từ trường đến quận và các chương trình học bổng khác. Điều đó giúp đỡ gánh nặng gia đình trong những năm học phổ thông của Quỳnh.

Từ Nghệ An, khi Quỳnh 3 tuổi thì cả nhà vào TP.HCM sinh sống. Ba mẹ chia tay, mẹ Quỳnh tảo tần nuôi ba con ăn học với đồng lương giáo viên ít ỏi.

Quỳnh hồi tưởng sau giai đoạn ba mẹ chia tay, mẹ em hằng ngày đi dạy ở trường, chiều tối thì đi dạy thêm tại nhà cho học sinh đến 9h tối mới về. Bà làm quần quật để kiếm thêm tiền nuôi các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Căn trọ 18m2 tại quận 8 suốt ngày chỉ có 3 chị em tự quán xuyến và chăm sóc nhau, gác xếp vừa là chỗ ngủ cũng là nơi học bài của mấy chị em.

"Sáng mình sẽ dậy sớm, phơi đồ, lau nhà rồi đi học. Chiều về đi chợ với mẹ rồi nấu ăn, trông em, đợi các em ngủ thì mình mới ngồi vào được bàn học, lúc đó đã là 12h đêm. Biết hoàn cảnh nhà khó khăn nên tụi mình thường ít ăn vặt như bạn bè để đỡ tốn kém, thương mẹ nên tụi mình luôn tiết kiệm cho mẹ đỡ cực", Quỳnh bộc bạch.

Những tháng dịch vừa qua, tiền trọ, ăn uống của cả nhà là số tiền chắt bóp trước đó của mẹ nên đa số chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Khi được hỏi bé út còn nhỏ mà ăn uống như vậy có quấy khóc không, Quỳnh cho biết bé nhịn cũng quen rồi nên không đòi hỏi gì...

Ước mơ làm bác sĩ

Từ lúc mới 4 - 5 tuổi, Quỳnh đã ước sau này sẽ trở thành bác sĩ. Để đậu vào Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bạn đã lên phương pháp học riêng của mình. 

Môn nào yếu thì bỏ thời gian nghiên cứu, còn phần nào không hiểu Quỳnh "thấy khó chịu lắm" và phải ngày đêm thức, ngâm cứu cho thấu đáo mới thôi. Từ năm lớp 10, khi đã xác định mục tiêu thi vào trường y thì Quỳnh luôn nỗ lực học thật giỏi để chạm tay tới mơ ước đó.

"Trước khi thi mình cũng lo, lỡ như rớt nguyện vọng bác sĩ không biết sẽ làm gì khác vì đó giờ mình không thích nghề nào ngoài bác sĩ. Nhận tin đủ điểm vào ngành y đa khoa, mình vui lắm. Nhưng ngoài vui thì mình... lo vì phải học 9 năm, trong đó 6 năm học đa khoa, sau đó học thêm một chuyên khoa 3 năm nữa. Học xong rồi có báo hiếu mẹ ngay được không...", Quỳnh chia sẻ.

Hiện tại khi trường tổ chức đóng tiền để làm thủ tục nhập học, mẹ Quỳnh phải chạy vạy vay tiền họ hàng ngoài quê để đóng học phí vào đại học. Phần sách vở thì bạn vẫn chưa có tiền để mua, Quỳnh cho biết sẽ mua lại sách cũ từ các anh chị đi trước.

Khi TP mở cửa trở lại, Quỳnh đã xin đi làm thêm để có đồng ra đồng vô phụ giúp mẹ. Mỗi ngày cô chạy xe từ quận 8 sang quận 1 làm tại một quán ăn trên đường Mạc Đĩnh Chi. Ngoài ra, Quỳnh còn nhận làm thêm công việc gia sư để có thêm thu nhập. Dù khó khăn còn chồng chất nhưng cô vẫn luôn lạc quan với cuộc sống.

Đậu đại học mừng 1, lo cho sức mẹ 10 - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đừng bỏ học, em là niềm hy vọng Đừng bỏ học, em là niềm hy vọng

TTO - "Học ở làng SOS được mọi người quan tâm, chẳng thiếu thứ gì ngoài tình thương của mẹ, của chị. Nhiều lúc nhớ nhà mình chỉ muốn bỏ hết để về, nhưng mình biết mình là hy vọng duy nhất của cả nhà" - Minh Thư nghẹn ngào.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên