11/11/2023 09:22 GMT+7

Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài kỳ 5: Văn Cao vẽ Đặng Thai Mai - hai đỉnh núi giáp đầu

Nổi tiếng nhất ở mảng âm nhạc nhưng hội họa mới chính là mối băn khoăn hơn hết của Văn Cao, theo nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - một người bạn tâm giao của ông.

Chân dung Đặng Thai Mai do Văn Cao vẽ, hiện trưng bày tại không gian lưu niệm Đặng Thai Mai ở Hà Nội -  Ảnh: T.ĐIỂU

Chân dung Đặng Thai Mai do Văn Cao vẽ, hiện trưng bày tại không gian lưu niệm Đặng Thai Mai ở Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Văn Cao "dỏm" là ân nhân của Văn Cao thật

Cũng chính hội họa đã giúp Văn Cao có được chút thu nhập nuôi gia đình trong mấy chục năm chìm nổi sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, cũng là nơi chứng kiến nhiều ân tình thời đại.

Bức chân dung Đặng Thai Mai do Văn Cao vẽ không chỉ đẹp mà đằng sau nó còn là câu chuyện mang tầm văn hóa Đặng Thai Mai - Văn Cao.

Tuy chỉ học hai năm ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với tư cách dự thính viên tự do (auditeur libre), Văn Cao ngay từ những cuộc ra mắt đầu tiên ở triển lãm năm 1943 - 1944 đã được sự chú ý của người yêu nghệ thuật bởi phong cách riêng.

Ông sớm chọn hội họa lập thể cho sáng tác của mình, trong khi các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương tới lúc đó vẫn thường chọn phong cách vẽ hiện thực lãng mạn.

Trên chiến khu Việt Bắc, ngoài làm báo, sáng tác ca khúc, làm thơ, Văn Cao cũng tiếp tục vẽ minh họa, vẽ một số bức tranh sơn dầu. Sau biến cố Nhân văn - Giai phẩm, Văn Cao chỉ còn nghề vẽ minh họa giúp ông có chút tiền sinh sống.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái) kể ở báo Văn Nghệ lúc đó có họa sĩ Lê Chính phụ trách trình bày báo.

Có thể nói trong những tháng năm khó khăn ấy, Lê Chính là ân nhân giúp các họa sĩ Nhân văn - Giai phẩm như Văn Cao, Bùi Xuân Phái có thêm chút thu nhập cải thiện phần nào khó khăn kinh tế của gia đình bằng việc đặt các ông vẽ minh họa cho báo trong vài thập niên.

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết thống kê cho thấy từ 1970 - 1980 Bùi Xuân Phái vẽ khoảng 3/4 tranh minh họa trên báo Văn Nghệ, đứng thứ nhì chính là Văn Cao.

Lê Chính không chỉ giúp Văn Cao mà còn được đùa gọi là "Văn Cao dỏm" bởi ông có mái tóc bạc cũng để dài hất ngược ra sau khiến không ít người nhầm là... Văn Cao.

Ngoài vẽ minh họa báo, Văn Cao còn vẽ khoảng 300 bìa sách, một số lượng rất lớn. Nhà văn Sơn Tùng, vốn là đàn em thân thiết của Văn Cao, mỗi lần có tác phẩm được in đều xin Văn Cao "chiếc áo" cho "con" mình.

Ông Nghiêm Thành - người con trai nối nghiệp hội họa của Văn Cao - cho biết anh rất thích phong cách vẽ kiệm màu, kiệm nét, bỏ nét của bố mình. "Bây giờ người ta nói tới tranh tối giản, nhưng ông đã tối giản từ lâu", họa sĩ Nghiêm Thành nói.

Nhà phê bình Thái Bá Vân đánh giá rất cao đóng góp xuất sắc của Văn Cao trong nghệ thuật vẽ minh họa và đồ họa sách: "Chính Văn Cao và vài ba người nữa vào những năm 1960 đã mở một thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa sách...

Có thể nói Văn Cao đã lập được trường phái minh họa và bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn Nghệ phải gọi là xuất sắc".

Ngoài vẽ minh họa, Văn Cao cũng sáng tác một số bức tranh sơn dầu, trong đó có Chân dung bà Băng, Chân dung Đặng Thai Mai, Uống rượu vùng cao, Chân dung ông Lâm cà phê... được nhiều người yêu thích, không chỉ bởi tranh đẹp mà còn bởi những câu chuyện thú vị đằng sau.

Từ trái qua “Văn Cao dỏm” Lê Chính và Văn Cao, Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Huy Du - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Từ trái qua “Văn Cao dỏm” Lê Chính và Văn Cao, Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Huy Du - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Tầm văn hóa Đặng Thai Mai - Văn Cao

Họa sĩ Văn Thao kể bố mình vẽ Đặng Thai Mai bởi tình nghĩa, quý trọng nhân cách ông Đặng Thai Mai, lại thân với con rể ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mối duyên giữa Văn Cao và Đặng Thai Mai đã có từ sớm.

Đầu năm 1946, Văn Cao có một thời gian dạy hội họa ở trường học do Đặng Thai Mai mở tại Hà Nội. Sau khi Nguyễn Đỗ Cung không thể tham gia dạy cho trường đã giới thiệu Văn Cao thay thế.

Đặng Thai Mai đồng ý luôn và trả lương cho Văn Cao như trả cho Nguyễn Đỗ Cung trước đó. Trường giải tán sau ngày Toàn quốc kháng chiến.

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao và vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - Ảnh: HÀTƯỜNG

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao và vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - Ảnh: HÀTƯỜNG

Trên báo Văn Nghệ vào ngày 19-7-2003, nhà văn Sơn Tùng cũng từng kể lại nguyên cớ trực tiếp dẫn tới việc Văn Cao vẽ chân dung Đặng Thai Mai.

Trong một bữa rượu ở Chiếu văn (nhà ông Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương trên phố Khâm Thiên), ông kể với các bạn văn chuyện Đặng Thai Mai an ủi ông vì cuốn Con người và con đường bị nhà xuất bản xẻo chỗ nọ chỗ kia, đến bức tranh bìa của Văn Cao vẽ cũng bị xén mất một khúc.

Nhìn tấm bìa bị xén, Đặng Thai Mai an ủi "Đây vẫn là của Văn Cao" và động viên rằng rồi một ngày cuốn sách và bức tranh bìa sẽ được tái bản nguyên vẹn.

Nghe xong, trong Chiếu văn ai cũng gật gù về bản lĩnh của nhà văn hóa lớn của thế kỷ. Đặng Đình Hưng lúc đó mới lên tiếng gợi ý Văn Cao nên vẽ chân dung cụ Đặng Thai Mai ngay dịp này, "một đại thụ văn lâm".

Văn Cao thực ra có dự định đã khá lâu sẽ vẽ chân dung bằng sơn dầu Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Tuân. Nhưng vì phải vẽ theo đặt hàng của các báo, vẽ mẫu mã theo yêu cầu để có chút tiền hằng ngày cho nên dự định ấy vẫn còn là món nợ. Lần này, được bạn bè động viên, ông gắng hoàn thành tâm nguyện.

Đúng 9h ngày 21-11-1977, Văn Cao, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hạp và Sơn Tùng... có mặt ở nhà Đặng Thai Mai. Suốt buổi sáng hôm ấy, Đặng Thai Mai ngồi mẫu cho Văn Cao vẽ và Nguyễn Hạp chụp ảnh làm tư liệu cho Văn Cao tự vẽ ở nhà những ngày sau đó.

Văn Cao vẽ bức này rất kỹ, nhờ nhiều bạn bè đến thẩm định từng giai đoạn. Đến ngày sinh nhật 75 tuổi của Đặng Thai Mai vào 25-12-1977, Văn Cao vẫn còn muốn hoàn thiện thêm. Bạn bè gợi ý không nên quá tháng 12, Văn Cao hứa ngày 31-12 bức tranh sẽ về nhà Đặng Thai Mai.

Ngày đón bức tranh cũng được tổ chức rất trang trọng mà Văn Cao gọi là "Một lễ tâm tầm văn hóa Đặng Thai Mai".

Lần ấy, Đặng Thai Mai khi nhận được tin báo đón tranh về, ông đã gọi nhà văn Sơn Tùng đến để nhờ vợ chồng nhà văn vốn là người thân của cả hai bên sẽ thay mặt ông bà Đặng Thai Mai mang lễ đến nhà Văn Cao để đón tranh.

Ông không muốn để các con ông đến đón tranh dù các con trai gái dâu rể của ông đều là những người có địa vị trong xã hội (các nhà khoa học, kiến trúc sư và các vị tướng).

Vậy là đúng 8h30 ngày 31-12-1977, xe từ nhà Đặng Thai Mai đưa vợ chồng Sơn Tùng cùng lễ vật đến nhà Văn Cao để đón tranh về. Lễ vật gồm có chai rượu Lúa Mới, thuốc lá Thăng Long bao bạc, chè Hồng Đào, kẹo Hải Châu, hoa Vạn Thọ.

Ông bà Văn Cao đã đón đợi sẵn ở ngay cửa phòng. Bà Thúy Băng đon đả nói: "Ông bà bác Đặng Thai Mai lễ tất chu đáo chúng tôi chưa từng thấy...". Còn Văn Cao thì cảm kích nói: "Một lễ tâm tầm văn hóa Đặng Thai Mai".

Chân dung người vợ Nghiêm Thúy Băng dưới nét cọ của Văn Cao

Chân dung người vợ Nghiêm Thúy Băng dưới nét cọ của Văn Cao

Bà Băng phải đến cơ quan, hẹn một lúc sẽ đến nhà GS Đặng Thai Mai sau. Văn Cao và vợ chồng nhà văn Sơn Tùng đi trước cùng bức tranh. Tới nơi, Văn Cao vừa bước lên thềm, Đặng Thai Mai ôm hôn Văn Cao - hình ảnh xúc động khiến Sơn Tùng "cảm niệm như hai đỉnh núi giáp đầu nhau".

Ngắm bức chân dung, Đặng Thai Mai xúc động bảo: "Anh đã thể hiện cái mà tôi vắng mặt". Còn Văn Cao thì bảo: "Tấm lòng tôi muốn giữ cái mà anh có cho người hôm nay và cho người mai sau...".

Một lúc thì bà Nghiêm Thúy Băng đến cùng bó hoa lay ơn bảy bông trắng, hai bông tím, một bông vàng, trao cho vợ giáo sư Đặng Thai Mai là bà Hồ Thị Toan. Màu hoa cũng đồng điệu với màu bức tranh mới.

Bức tranh không bán nhưng tặng

Ông Nghiêm Thành kể sinh thời nhà sưu tập Đức Minh rất thích bức tranh Uống rượu vùng cao của Văn Cao nhưng hỏi mua ông không bán.

Khi mẹ Văn Cao mất, ông Đức Minh phúng viếng một phong bì giá trị, nhờ đó mà Văn Cao có tiền lo cho mẹ.

Xong việc tang gia, Văn Cao cho người gọi ông Đức Minh tới nhà tặng bức tranh ông ước muốn bao lâu mà chưa có được.

-----------------

1988 là năm đánh dấu sự trở lại rực rỡ của Văn Cao cả trong âm nhạc và thơ ca với Đêm nhạc Văn Cao diễn hơn 60 đêm trên cả nước.

Kỳ tới: Văn Cao - ông hoàng trở lại

Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 4: "Tác phẩm vĩ đại" và bài hát tiên tri của Văn CaoVăn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 4: 'Tác phẩm vĩ đại' và bài hát tiên tri của Văn Cao

Nếu như Trường ca sông Lô được Phạm Duy gọi là tác phẩm vĩ đại, và Văn Cao là "cha đẻ của loại trường ca", thì Tiến về Hà Nội khiến tác giả bị phê bình lạc quan tếu chỉ vì… thấy trước tương lai 5 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên