Phải khai thông và đẩy mạnh các dự án đầu tư công, cơ sở hạ tầng để bù đắp cho các lĩnh vực kinh tế bị suy giảm do dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.
Ông nói:
- Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nó tất yếu sẽ tác động đến suy giảm tăng trưởng GDP. Vấn đề đặt ra là lấy gì để bù đắp? Chúng ta không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, bi quan mà mất bình tĩnh.
Còn nhiều nguồn lực để tận dụng
* Tăng trưởng GDP kéo theo nhiều vấn đề, theo ông, liệu tăng trưởng năm nay sẽ ra sao?
- Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội, không ít lĩnh vực, ngành hàng để có thể bù đắp phần bị ảnh hưởng. Nếu Chính phủ điều hành quyết liệt và chặt chẽ, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 vẫn có thể đạt mục tiêu 6,8%.
Vấn đề là tạo ra niềm tin trong bộ máy, trong những người thực thi chính sách. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tạo ra tâm lý tin tưởng ở các nhà đầu tư, người dân để tăng xuất khẩu, du lịch, niềm tin về tiêu dùng nội địa... Mặt khác, các bộ ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công.
Chẳng hạn du lịch tuy bị ảnh hưởng của du khách ở Trung Quốc, nhưng Thái Lan đã tạo các điều kiện để đa dạng hóa các thị trường khác chứ không dựa vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ngay cả thị trường hàng không, chúng ta gặp khó với thị trường Trung Quốc, phải chuyển ngay sang tiếp cận các thị trường khác như Ấn Độ...
* Theo ông, các nguồn lực có thể bù đắp ảnh hưởng của COVID-19 là gì?
- Để bù đắp cho những thiệt hại do dịch cúm COVID-19, Chính phủ nên giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công - đây là những dự án có tính chất lan tỏa của nền kinh tế. Hàng loạt dự án đang xây dựng phải đẩy mạnh giải ngân để kịp tiến độ. Còn những dự án chưa giải ngân, phải ra sức đốc thúc. Những chồng chéo của pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư công, Chính phủ nên có nghị quyết tháo gỡ.
Ông Trương Văn Phước - Ảnh: L.T.
* Chính phủ giao cho các bộ ngành đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông có gợi ý thêm giải pháp đột phá nào?
- Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có các giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Có nước sử dụng chính sách tiền tệ như là tăng cung ứng tiền, hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất... nhưng phần lớn là sử dụng chính sách tài khóa.
Với Việt Nam, trong khi trần nợ công của chúng ta xuống thấp so với ngưỡng cho phép là 65%, Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội tăng bội chi ngân sách và tính toán để tăng trần nợ công lên một mức độ thích hợp nhằm phục vụ quá trình chống dịch này.
Nên khoanh nợ, hạ lãi suất...
* Việt Nam có nên nới lỏng chính sách tiền tệ hay bù lãi suất cho vay cho khách hàng như đã thực hiện năm 2009?
- Theo tôi là không nên, vì có khả năng nợ xấu sẽ tăng lên. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên có những công cụ để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng khoanh nợ, miễn giảm lãi vay cho những khách vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay nhưng không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét để có thể hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 3% xuống thấp hơn nữa. Đây chính là cơ hội để giảm lãi suất.
Liên quan đến tỉ giá, chúng ta không quá lo lắng. Bởi Chính phủ Mỹ trong bốn năm qua luôn mong có một tỉ giá hối đoái thấp và lãi suất USD giảm hơn. Vài tháng tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất USD thêm. Nếu thế, giá USD trên thế giới giảm xuống, đó là cơ hội cho Việt Nam ổn định tỉ giá hối đoái.
* Theo ông, "văcxin" ngăn suy giảm kinh tế đó là gì?
- Nhìn chung, doanh nghiệp cần các biện pháp gỡ khó, hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố tâm lý và có lòng tin sẽ vượt qua và vượt lên khó khăn.
Nếu xây dựng và cũng cố lòng tin nơi người dân, doanh nghiệp rằng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, đó chính là động lực, là loại văcxin mà chúng ta đang cần để ngăn suy giảm kinh tế, duy trì được tăng trưởng kinh tế.
Dân có tin, họ sẽ tiếp tục tiêu dùng, mua sắm mà không thắt chặt hầu bao, từ đó duy trì được sức mua ở thị trường nội địa, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp tin, họ sẽ lau lách để tìm cách mở ra thị trường mới, nguồn cung vật tư - nguyên liệu mới...
Cơ sở của lòng tin đó là bình tĩnh, các cơ quan chức năng điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, tạo ra một sự đồng thuận cao từ người dân đến các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận