25/10/2022 19:17 GMT+7

Ưu đãi đầu tư khai thác dầu khí ở Việt Nam đang thua các nước trong khu vực

N.AN
N.AN

TTO - Các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục bàn thảo sôi động về dự thảo Luật dầu khí sửa đổi vào chiều nay 25-10.

Ưu đãi đầu tư khai thác dầu khí ở Việt Nam đang thua các nước trong khu vực - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí nhưng phải tránh gây thất thoát, lãng phí - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng một số mỏ, lô dầu khí sản lượng đã giảm, hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, trong khi ưu đãi đầu tư không còn hấp dẫn.

Ông cho rằng rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam là các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp vào ngân sách nhà nước thì cần có quy định thật cụ thể, luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, do quy định hiện nay chưa thực hiện được tận thu mỏ dầu khí.

Cá nhân có được điều tra cơ bản dầu khí không?

Liên quan đến vấn đề cá nhân được quyền thăm dò dầu khí, có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cho rằng cần cân nhắc cụm từ "cá nhân" được điều tra cơ bản dầu khí, để tránh tình trạng đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích quốc gia, có thể dẫn tới thất thoát tài nguyên.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) thì băn khoăn khi dự thảo luật quy định "cá nhân tham gia điều tra cơ bản dầu khí phải liên doanh với tổ chức", bởi trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm đáp ứng quy định thì có thể thực hiện mà không cần phải liên danh để không phải mất quyền tự chủ và tính độc lập.

"Để chính sách về dầu khí của Nhà nước thực sự thu hút các nhà đầu tư hơn nữa thì đơn vị soạn thảo không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác", đại biểu Thúy nêu ý kiến.

Quy định của dự thảo cho phép Tập đoàn Dầu khí vừa hoạt động kinh doanh và vừa tham gia quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu. Vấn đề này liệu có mang tính khách quan và có phù hợp hay không”

Trịnh Bình Minh (đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Long)

Quy trình đầu tư nhanh gọn nhưng tránh gây thất thoát, lãng phí

Nhấn mạnh đến phạm vi điều chỉnh của luật gắn với hiệu quả đầu tư, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho hay đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, một mũi khoan hàng chục triệu USD và đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ.

Vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm ngàn USD. Trong khi đầu tư trung và hạ nguồn ít rủi ro hơn, phần lớn hoạt động ở trên bờ và trên giàn khoan, có thời gian và phải tuân thủ quy trình riêng.

Cũng do tính chất đặc thù của thượng nguồn, đại biểu Thịnh đề nghị cần quy định rõ trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật dầu khí và các luật khác thì cần áp dụng quy định của Luật dầu khí, nhưng cũng phải tránh nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn để gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Nhìn từ dự án luật này, đại biểu Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế thực hiện hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Theo đó, cần quy định cụ thể trong dự thảo luật, nếu trên 100 triệu USD thì giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định; trên 200 triệu USD thì nên giao thẩm quyền Quốc hội quyết định, vì đó là đầu tư lớn, phải có phân bổ rủi ro.

Ở phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội vào dự thảo luật. Trong đó, với điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động rất quan trọng, do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

Do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của Nhà nước, bao gồm cả ngân sách nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân khác là cần thiết.

Định vị rõ ‘vai’ PVN trong hoạt động dầu khí để không lỡ cơ hội Định vị rõ ‘vai’ PVN trong hoạt động dầu khí để không lỡ cơ hội

Cần xác định rõ vai trò cũng như tăng phân cấp, phân quyền cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nhằm đẩy nhanh tiến độ cũng như tăng hiệu quả trong đầu tư các dự án dầu khí.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên