31/10/2023 16:20 GMT+7

Uống thuốc tránh thai thường xuyên, cô gái trẻ bị đột quỵ não

Việt Nam thuộc nhóm nước tỉ lệ đột quỵ cao, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc. Độ tuổi trung bình người dân bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, độ tuổi dưới 45 tuổi chiếm 7,2% và có xu hướng trẻ hóa. Thuốc tránh thai có liên quan một số trường hợp.

Các nghiên cứu cho thấy dùng thuốc tránh thai thường xuyên, thời gian dài có nguy cơ dột quỵ ở một số trường hợp - Ảnh minh họa

Các nghiên cứu cho thấy dùng thuốc tránh thai thường xuyên, thời gian dài có nguy cơ dột quỵ ở một số trường hợp - Ảnh minh họa

Các yếu tố đột quỵ ở nam giới thường liên quan đến tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá… còn nữ giới thường liên quan đến sự thay đổi nội tiết, sử dụng thuốc tránh thai, căng thẳng tâm lý…

Trường hợp mới đây ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) bệnh nhân nữ 26 tuổi, tiền sử chưa mắc bệnh lý mạn tính, thường xuyên dùng thuốc tránh thai đường uống hàng ngày trong thời gian dài. Khoảng 6 giờ trước khi vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều, nói ngọng kèm theo liệt nửa người phải.

Người bệnh được gia đình đưa vào bệnh viện, bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết xác định bị nhồi máu não do tắc động mạch não giữa bên trái, nhánh M2 và được các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối (cục máu đông).

Sau can thiệp, người bệnh tỉnh táo, nửa người bên phải bị liệt có cải thiện rõ rệt, gần hồi phục về mức bình thường. Tuy nhiên để hồi phục hoàn toàn, người bệnh cần phải trải qua một thời gian phục hồi chức năng vận động tay chân. Nguyên nhân đột quỵ có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài.

Thuốc tránh thai đường uống xuất hiện lần đầu vào năm 1950. Qua các năm, thuốc không ngừng được phát triển, cải tiến và đem lại nhiều lợi ích cho phụ nữ. Ước tính trên thế giới có khoảng một nửa phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống.

Thuốc có bản chất là hormone, có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng và làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung, khiến cho tinh trùng không xâm nhập được vào tử cung, qua đó ngăn cản việc thụ thai.

Trên thị trường hiện nay thuốc tránh thai đương uống có 2 dạng gồm: thuốc tránh thai dạng kết hợp giữa estrogen ( chủ yếu dưới dạng ethynylestradiol) và progestin; thuốc tránh thai dạng đơn độc chỉ chứa một thành phần là progestin.

Thuốc tránh thai đường uống mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ như: hiệu quả trong việc tránh thai, sử dụng tiện lợi và có khả năng hồi phục trong thời gian ngắn sau khi ngừng thuốc mà không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai về sau. Thuốc tránh thai dạng đơn độc và dạng kết hợp có hiệu quả tránh thai tương đương nhau.

Tuy nhiên thuốc tránh thai chỉ chứa progestin thường gây tác dụng phụ chảy máu đột ngột, do vậy thêm thành phần estrogen giúp giảm tác dụng phụ chảy máu, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều nghiên cứu và báo cáo lâm sàng cho thấy: sử dụng thuốc dạng kết hợp chứa thành phần estrogen liều cao kéo dài có thể tăng nguy cơ đột quỵ não ở người có yếu tố nguy cơ cao.

Thành phần Estrogen trong thuốc làm tăng sản xuất aldosteron, gây ra sự ứ đọng của natri (muối), từ đó dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, tăng cân do phù và ứ nước. Ngoài ra, estrogen còn làm tăng mức triglycerid trong máu và làm trầm trọng thêm tình trạng tăng triglycerid máu ở những người đã bị bệnh trước đây.

Mặt khác, các thuốc tránh thai đường uống cũng làm tăng tỉ lệ bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân và tắc động mạch phổi, gấp 2-4 lần so với bình thường, có thể liên quan đến việc tăng sản xuất các yếu tố gây đông máu trong gan và sự kết dính tiểu cầu tăng lên.

Do vậy, hiện nay các nhà sản xuất chú trọng sản xuất các thuốc tránh thai kết hợp có hàm lượng estrogen thấp từ 10 – 35mcg, so với mức 50mcg estrogen trước đây, được cho rằng có hiệu quả hơn và giảm được tác dụng phụ của thuốc.

Ai không nên dùng thuốc tránh thai đường uống dạng kết hợp?

- Phụ nữ > 35 tuổi có hút thuốc lá > 15 điếu/ngày.

- Bị các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, xơ vữa động mạch chi, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh…

- Đái tháo đường nhiều năm (> 20 năm) hoặc có bệnh mạch máu đi kèm.

- Bệnh rối loạn mỡ máu như tình trạng tăng triglycerid máu…

Ung thư vú (hiện tại đang mắc hoặc có tiền sử mắc bệnh) tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch như tiền sử bị huyết khối sâu (cục máu đông) hoặc tắc động mạch phổi).

- Đau nửa đầu thường xuyên ở phụ nữ > 35 tuổi. Bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư gan…

Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc tránh thai nào, lý tưởng nhất là bạn cần được khám sức khỏe tổng quát và sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tái khám trong vòng 1 năm sau khi dùng thuốc tránh thai và khi có các dấu hiệu bất thường như đau đầu tăng lên, tức ngực, khó thở, tê bì chân tay…

Trường hợp nữ bệnh nhân trên, do được phát hiện và can thiệp kịp thời nên bệnh nhân đã có sự hồi phục rõ rệt.

Đối với những người có nhiều yếu tố nguy cơ cao bị đột quỵ thì nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác an toàn hơn như thuốc hoặc miếng dán tránh thai chỉ chứa một thành phần progestin hoặc vòng tránh thai không nội tiết (như vòng tránh thai bằng đồng) hoặc sử dụng bao cao su…

Mặc dù có nguy cơ gây ra đột quỵ não nhưng thuốc tránh thai đường uống vẫn được đánh giá là an toàn và hiệu quả đối với phụ nữ khỏe mạnh, bình thường. Do vậy để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, mỗi phụ nữ hãy lựa chọn biện pháp tránh thai an toàn và phù hợp với bản thân theo hướng dẫn của chuyên gia.

Dùng thuốc tránh thai nhiều có dẫn đến vô sinh?Dùng thuốc tránh thai nhiều có dẫn đến vô sinh?

Nhiều phụ nữ lo sợ tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tránh thai như tăng cân, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí còn sợ uống nhiều thuốc tránh thai sẽ dẫn đến vô sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên