16/03/2023 06:09 GMT+7

Thời của nam giới... tránh thai

Với sự phát triển của y học, hiện nay nam giới hoàn toàn có thể giữ vai trò chính trong việc lựa chọn phương pháp tránh thai mang lại hiệu quả cao.

Bác sĩ Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Thực tế, gần đây nhiều bệnh nhân nữ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì dùng các biện pháp tránh thai như thuyên tắc phổi do uống thuốc tránh thai, vòng tránh thai đâm thủng đại tràng...

Chồng chủ động tránh thai thay vợ

Kết hôn được 5 năm, chị P.T. (32 tuổi, TP Thủ Đức) kể rằng không ít lần vợ chồng chị bất đồng quan điểm dẫn đến cãi vã vì tìm biện pháp tránh thai phù hợp. Vợ chồng chị T. đã có một cậu con trai 3 tuổi nhưng vì con còn nhỏ nên cả hai quyết định sau hai năm nữa mới sinh con. 

Trong thời gian đợi chờ lần mang thai thứ hai, chị T. phải xoay xở đủ cách để tìm được biện pháp tránh thai an toàn và không có tác dụng phụ.

"Vì cho rằng khi sử dụng bao cao su không đạt được cực khoái nên chồng tôi không chịu dùng. Để không mang thai ngoài ý muốn, tôi đã phải đến các bệnh viện nhiều lần để tìm biện pháp tránh thai khác nhau như đặt vòng tránh thai, uống thuốc, cấy que... 

Tuy nhiên, các biện pháp này lại không hợp, thậm chí tôi rất lo lắng vì ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này", chị T. tâm tư.

Mới đây, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) đã cấp cứu thành công một bệnh nhân nữ (47 tuổi) bị thuyên tắc phổi cấp do đã tự mua thuốc tránh thai về uống bốn năm. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, giảm oxy, nhịp tim nhanh và huyết áp thấp.

Các thống kê cho thấy tỉ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỉ lệ 1/10.000 trong vòng một năm. Tỉ lệ này tăng gấp 3-5 lần nếu uống thuốc ngừa thai có chứa estrogen.

Thuốc tránh thai chứa estrogen làm tăng nồng độ huyết thanh các yếu tố đông máu, giảm yếu tố chống đông tự nhiên như protein S và giảm hoạt tính tiêu sợi huyết.

Tiến sĩ Bùi Chí Thương - trưởng khối sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho hay thực tế hiện nay ở những bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa sản cũng đã có nam giới chủ động tìm đến để thắt ống dẫn tinh, đảm nhận vai trò tránh thai thay vợ. Việc này nhằm chia sẻ trách nhiệm tránh thai cùng vợ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn e ngại vì lo phương pháp này ảnh hưởng đến đời sống tình dục.

Nam giới có rất nhiều biện pháp tránh thai

Bác sĩ Thương cho biết thêm xã hội ngày càng hiện đại, biện pháp tránh thai cho cả nam và nữ càng được cải tiến mà không ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Nam giới có thể sử dụng các biện pháp tránh thai như sử dụng bao cao su, thắt ống dẫn tinh, xuất tinh ngoài, không xuất tinh... Song biện pháp xuất tinh ngoài và không xuất tinh lại không có được hiệu quả cao.

Hiện nay, nam giới có thể sử dụng phương pháp thắt ống dẫn tinh để tránh thai, biện pháp này mang lại hiệu quả cao nhất, không xâm lấn ổ bụng, đơn giản dễ thực hiện.

"Nam giới thắt ống dẫn tinh vẫn có thể đảm bảo đời sống "chăn gối" của vợ chồng, trường hợp muốn có thai lại bác sĩ sẽ nối lại ống dẫn tinh, sinh sản như bình thường. Trên thế giới đang nghiên cứu và phát triển thêm phương pháp ngừa thai bằng thuốc dành cho nam giới rất khả thi", bác sĩ Thương nói.

Cũng theo bác sĩ Thương, khi nữ giới sử dụng biện pháp đặt vòng tránh thai, cấy que, uống thuốc mặc dù tỉ lệ ngừa thai cao nhưng vẫn có thể có một số tác dụng ngoài ý muốn. Một số tác dụng phụ có thể gặp như mang thai ngoài ý muốn, rong kinh, đau kinh...

"Vai trò của phụ nữ ngày càng có vị trí quan trọng trong xã hội, gánh vác nhiều công việc trong gia đình như người nam giới. Đối với vấn đề chủ động ngừa thai, nam giới có cơ hội nên chia sẻ trách nhiệm tránh thai cùng với nữ giới. Khi đã sinh đủ con và không muốn sinh con thêm có thể lựa chọn thắt ống dẫn tinh", bác sĩ Thương nói.

Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh - trưởng khoa nam học, Bệnh viện Nam học hiếm muộn Việt Bỉ - cho biết sau khi ống dẫn tinh bị thắt, nam giới vẫn có thể đạt cực khoái và phóng tinh bình thường khi quan hệ tình dục.

Người đã thắt ống dẫn tinh vẫn có hiện tượng phóng tinh khi đạt cực khoái nhưng chỉ là tinh dịch loãng mà không có tinh trùng. Trường hợp sau khi thắt ống dẫn tinh nhưng sau đó vẫn mong muốn có con, các bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật rất đơn giản để đảm bảo chức năng sinh sản.

Có thể thắt ống dẫn tinh khi có đủ số con

"Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật an toàn, ít biến chứng, không ảnh hưởng nhiều tới các vấn đề ham muốn quan hệ, cảm giác hưng phấn, vấn đề cương dương trong hoạt động tình dục của hai vợ chồng.

Nam giới có thể thắt ống dẫn tinh khi đã có đủ số con mong muốn, sức khỏe hoàn toàn bình thường", bác sĩ Mạnh cho biết.

Tuy nhiên, một số nam giới cần thận trọng trước khi thực hiện biện pháp thắt ống dẫn tinh khi đang có vấn đề nhiễm trùng cấp hay mạn tính cơ quan sinh dục, bệnh lý giãn tĩnh mạch tinh, chấn thương tinh hoàn... Bên cạnh đó, thắt ống dẫn tinh sẽ hạn chế một vài biến chứng của các nhiễm khuẩn tại đường sinh dục tiết niệu tại tinh hoàn.

Nam giới nhận vai trò... tránh thaiNam giới nhận vai trò... tránh thai

Từ trước đến nay nhiều người chỉ quan tâm đến việc tránh thai ở nữ giới, tuy nhiên nam giới cũng có rất nhiều biện pháp tránh thai an toàn khác nhau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên