03/09/2021 08:24 GMT+7

Ước mơ về thành phố giàu đẹp, nhân văn và đáng sống

MI LY
MI LY

TTO - Nếu coi đại dịch COVID-19 là bối cảnh tăm tối khi TP.HCM gánh chịu những hậu quả nặng nề, thì ánh sáng của hy vọng vẫn còn đó khi chúng ta nghĩ về tương lai của thành phố.

Ước mơ về thành phố giàu đẹp, nhân văn và đáng sống - Ảnh 1.

Thành phố đang để câu chuyện của mình được kể bởi những nguồn chính thống lẫn không chính thống, thậm chí có thể là câu chuyện sai, hình ảnh bị bóp méo. Thành phố luôn có thể kể câu chuyện của mình bởi chính giọng nói của mình, trên các kênh của mình. Và phương tiện hữu hiệu nhất trong thời đại 4.0 chính là Internet.

Nhóm tác giả Công ty TNHH SPG IndustrialDevelopment

Mỗi ý tưởng gửi đến cuộc thi “Hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế” chính là một tia hy vọng như vậy. Kết quả cuộc thi được công bố hôm 22-8 với nhiều ý tưởng hiến kế mới mẻ, thú vị và mang tính khả thi cao.

Thương hiệu TP.HCM: con người nồng hậu, thành phố quốc tế

Ở hạng mục giải cá nhân, đoạt giải nhất là bài dự thi “Giấc mơ thành phố thống nhất trong đa dạng” của tác giả Phan Khương - 29 tuổi.

Bài dự thi của Phan Khương cùng lúc tập hợp nhiều tiêu chí để thắng giải: có hệ thống ý tưởng bao quát chứ không quá thiên về một lĩnh vực, đặt ra được thương hiệu cho “người Sài Gòn”, cho TP.HCM như: thành phố của thể thao, thông minh - bảo tàng mở, công viên, kiến trúc vòng xoay.

Khương cho rằng cần có “thương hiệu người Sài Gòn” qua các từ khóa cô đọng. Đề xuất của anh là phát hành bộ game card “Người Sài Gòn hoàn hảo” - trò chơi kiêm chiến lược truyền thông tương tác nhằm khắc sâu những căn tính Sài Gòn vào tâm trí người chơi.

Đó có thể là những đặc điểm như: “thanh lịch (như người Milan), năng động (như người Thượng Hải), trung thực (như Tokyo) hay thân thiện (Bangkok), kỷ luật (Singapore) và nồng hậu như bản tính người Sài Gòn từ xưa đến nay”. Cùng bài viết, tác giả gửi bản PDF trình bày chi tiết về hệ thống ý tưởng của mình.

Ước mơ về thành phố giàu đẹp, nhân văn và đáng sống - Ảnh 3.

Có 3 thế mạnh nổi trội của TP.HCM so với các thành phố khác của Việt Nam và mang tính khác biệt cạnh tranh với các thành phố trong khu vực, trên thế giới, đó là: sức sống cư dân đô thị, sức sống kinh tế trẻ và sức sống hạ tầng siêu đô thị.

Giám khảo Phạm Phú Ngọc Trai nhận xét về bài đoạt giải nhất của Phan Khương: “Bài chuẩn bị công phu, nhiều ý tưởng sáng tạo, thú vị, trình bày đẹp, logic”.

Giám khảo Phạm Trần Thanh Thảo - phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - nêu quan điểm chấm thi: “Bài cần trả lời 2 câu hỏi chính: “Thương hiệu của thành phố là gì?” và “Nên làm gì để quảng bá thương hiệu đó ra quốc tế?”.

Thương hiệu này không chỉ gắn với du lịch mà bao quát nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, thu hút đầu tư...”. Bài dự thi của Phan Khương trả lời khá trọn vẹn 2 câu hỏi này.

Ở hạng mục giải tập thể, đoạt giải nhì (không có giải nhất) là bài dự thi tập thể “Tìm lại chính mình ở thời 4.0 vững bền” của nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH SPG Industrial Development được ban giám khảo đánh giá cao. Bài thi đưa ra giải pháp tổng quát.

“Thành phố đang để câu chuyện của mình được kể bởi những nguồn chính thống lẫn không chính thống, thậm chí có thể là câu chuyện sai, hình ảnh bị bóp méo” - nhóm tác giả này nhận định.

Từ đó họ đề xuất đưa định vị thương hiệu của TP.HCM là thành phố ẩm thực rực rỡ, của xe đạp - xe điện, điểm đến của pop culture (văn hóa đại chúng) và một “innovation hub” (không gian đổi mới của các doanh nghiệp start-up, công nghệ, sáng tạo), một “casual international city” (thành phố quốc tế năng động và thoải mái).

Giám khảo Lê Xuân Trung đánh giá cao các bài dự thi tập thể gửi đến vào những ngày cuối: “Các bạn đã đầu tư cho ý tưởng và trình bày công phu, thể hiện sự trẻ trung, năng động của thế hệ thanh niên, sinh viên hiện nay”.

Ý tưởng phải khả thi và nhắm vào giải pháp

Giám khảo Lê Xuân Trung và giám khảo Tôn Nữ Thị Ninh đều đánh giá cao các yếu tố quan trọng trong bài thi là “tính khả thi” và “tính giải pháp”.

Nhà báo Lê Xuân Trung nói: “Cần đặc biệt chú ý đến tính khả thi bởi ban tổ chức sẽ trao những bài dự thi hiến kế này đến lãnh đạo thành phố, xem như là đóng góp ý tưởng, giải pháp cho sự phát triển của thành phố trong những năm tới”.

Còn bà Tôn Nữ Thị Ninh phân tích: “Phải vừa có giải pháp vừa có truyền thông. Bài dự thi không nên chỉ nhắm vào truyền thông, không nên quảng cáo cái mình không có”. Do đó các bài dự thi đoạt giải hầu như đều đạt được những tiêu chí mà các giám khảo đề cao.

Đoạt giải nhì hạng mục cá nhân, tác giả Kiều Minh Trang gắn TP.HCM với danh xưng “thành phố ý tưởng” (think-city). Cô cho rằng: “TP.HCM có nhiều tiềm năng trở thành một “think-city” - nơi hội tụ những ý tưởng hàng đầu, hướng đến giải pháp thiết thực cho các vấn đề quốc gia, khu vực, thế giới.

Nguồn nhân lực trẻ chính là hạt nhân của “think-city”. Khi triển khai chiến lược “think-city” đạt đến mức độ tích lũy đầy đủ kinh nghiệm và nguồn lực, TP.HCM có thể mở rộng thương hiệu, nâng tầm trở thành một thành phố “think tank” của Đông Nam Á.

Đoạt giải ba tập thể là ý tưởng “Trung tâm sáng tạo vì xã hội” của nhóm 6 sinh viên đến từ Fulbright Việt Nam, Đại học Sciences Po (Pháp), Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Hoa Sen, Đại học Kiến trúc.

“TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế đất nước mà còn là cái nôi của sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, đứng thứ ba tại Đông Nam Á với 1.000 start-up công nghệ và 400 triệu USD đầu tư mạo hiểm” - nhóm phân tích.

Trong các giải pháp, nhóm đề xuất xây dựng Bảo tàng số về sáng tạo cộng đồng, đầu tư chuyển đổi số toàn bộ hệ thống tư vấn và đăng ký doanh nghiệp, đưa thương hiệu “Trung tâm sáng tạo vì xã hội” của TP.HCM ra Đông Nam Á.

Ước mơ về thành phố giàu đẹp, nhân văn và đáng sống - Ảnh 5.

Bản thiết kế ý tưởng của nhóm 4 sinh viên Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM

Thành phố từ những chiết tự, “Sài Gòn Chill phết”

Với 1 bài dự thi đoạt giải ba và 5 bài dự thi đoạt giải khuyến khích cá nhân, các ý tưởng cũng rất thú vị, riêng biệt.

Trong bài dự thi độc đáo, tác giả Nguyễn Quốc Thái - giải ba cá nhân - đưa ra cách chiết tự tên gọi Sài Gòn và TP.HCM (gồm các chữ cái chính HCM - SAIGON) như một cách tạo nên khẩu ngữ.

Mỗi chữ cái chính là một ý tưởng hiến kế. Cách chiết tự này không tùy hứng mà dựa trên kiến thức của anh Thái - cựu du học sinh Nhật Bản, quyền tư vấn trưởng dự án xây mới 82 cầu ở phía Tây Bangladesh được JICA tài trợ.

Đó là H (Homecoming): thành phố như ngôi nhà để mọi người trở về; C (Clean): thành phố luôn sạch sẽ; M (Mindfulness): sự quan tâm, chia sẻ, tương trợ. Đó là S (Sanitation): vệ sinh công cộng cần đạt tầm các nước tiên tiến; A (Attractiveness): sức hấp dẫn lôi cuốn; I (Intelligence): công nghệ thông tin ứng dụng trong thủ tục hành chính; G (Greenery): cây xanh sẽ phủ bóng mát quanh thành phố do chính quyền và người dân cùng vun trồng; O (Open-mindedness): tinh thần rộng mở, phóng khoáng, tiếp thu cái mới; N (Network): mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, du khách và chính quyền.

Anh Thái gợi mở: “Có thể sẽ có lối chiết tự khác giúp cho người dân yêu thích hơn. Hy vọng sẽ có nhiều ý tưởng chiết tự khác để người dân yêu thích và đồng lòng thực hiện để làm cho thành phố ngày càng hấp dẫn hơn”.

Tác giả Nguyễn Thiện - giải khuyến khích cá nhân - đưa ra một ý tưởng khá riêng biệt và thú vị, nhắm đến quan hệ quốc tế của thành phố: hãy trao đổi tên đường. Thành phố cần xem xét và thỏa thuận đặt tên đường “Sài Gòn - TP.HCM” tại nước họ và ngược lại.

“Đây là điều mà từ trước đến nay chưa một tỉnh thành Việt Nam nào lưu tâm dù rằng hầu hết các tỉnh thành đều đã có quan hệ kết nghĩa với nhiều thành phố trên thế giới. Theo ý tưởng này, nếu ở San Francisco có tên đường Sài Gòn - TP.HCM thì tại TP.HCM cũng có đường San Francisco” - ông Thiện phân tích.

Các con đường được lập ra không chỉ để đi lại mà cần hội tụ thành không gian kinh tế và văn hóa. Theo ông Thiện, TP.HCM cần đề nghị thành phố kết nghĩa cùng đưa “con đường kết nghĩa” trở nên sầm uất về dịch vụ - thương mại - tài chính. Hằng năm nên tổ chức vài lễ hội văn hóa đường phố. Chẳng hạn, lễ hội Tháp người tổ chức trên đường Barcelona tại TP.HCM.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Phạm Phú Ngọc Trai đánh giá cao bài thi “Hãy tạo ra một thành phố đáng sống” của tác giả Lee Andre Chan (từ Canada, do Ngọc Đông chuyển ngữ) - giải khuyến khích cá nhân.

Đó là ý tưởng tốt về mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải và cải thiện môi trường đô thị cũng như sự thịnh vượng kinh tế - xã hội, điều này phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Lee Andre Chan khẳng định: “Cơ sở hạ tầng xanh đang ngày càng trở nên phổ biến tại các thành phố lớn trên thế giới, với những sáng kiến mái nhà và bức tường xanh, công viên đô thị và vườn rau cộng đồng trong các khu đất trống, giảm nhiệt độ đô thị, giảm ô nhiễm tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí...”.

Tác giả Đặng Ngọc Trà (từ Derby, Anh) - giải khuyến khích cá nhân - đặt biệt danh cho thành phố là “Diverse Ho Chi Minh City”, học hỏi những cái tên quen thuộc của các thành phố hay quốc gia khác như “Amazing Thailand”, “Dynamic Busan”, “Malaysia Truly Asia”... Cô chọn chữ “diverse” (phong phú) vì nói lên được các đặc tính nổi bật của TP.HCM như hiện đại, sôi động, đa dạng.

Để hiện thực hóa ý tưởng, Ngọc Trà đề xuất tour “Sài Gòn Chill phết” - chuyến du lịch trong ngày nhằm đưa du khách khám phá Sài Gòn qua những địa điểm đặc trưng.

Đó là sân bay Tân Sơn Nhất, Saigon Waterbus, tham quan hãng nước mắm Liên Thành có lịch sử hơn 110 năm, tham quan Bảo tàng Áo dài - Tinh hoa dân tộc... Cô không quên đề cập đến các giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 để ngành du lịch có thể hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó là một ý tưởng về chính sách cho kinh doanh. Qua video thuyết trình, tác giả Guillaume Rondan (giải khuyến khích cá nhân) - người sáng lập trang movetoasia.com, đã sống 5 năm ở Việt Nam - hiến kế để TP.HCM trở thành nơi thu hút các dự án khởi nghiệp và quỹ đầu tư. Anh Rondan cho rằng thành phố nên có chính sách thuế phù hợp, sử dụng quy trình số để thu hút các công ty quốc tế, các dự án khởi nghiệp và quỹ đầu tư.

Ước mơ về thành phố giàu đẹp, nhân văn và đáng sống - Ảnh 6.

Video thuyết trình của anh Guillaume Rondan - Ảnh chụp màn hình

Ước mơ về thành phố giàu đẹp, nhân văn và đáng sống - Ảnh 7.
Hiến kế Hiến kế 'TP.HCM nâng tầm quốc tế': Giao thông xanh cho thành phố sinh đôi

TTO - Chiến lược công nghệ của TP.HCM cần phải có “bản sao số” đô thị như cần nền tảng công nghệ vững chắc, với kiến trúc đa năng tập trung vào chính những vấn đề đặc thù của thành phố trong kiến tạo, vận hành.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên