05/09/2021 08:25 GMT+7

Giải trí trực tuyến: Món đắt khách 'tê nhưng không liệt' mùa dịch

TIẾN VŨ
TIẾN VŨ

TTO - Giãn cách xã hội trong thời gian dài đã hình thành thói quen mới của khán giả. Đồng thời, nỗ lực vượt khó của ngành giải trí thời dịch đã và đang gắn liền với một hệ quả tất yếu là sự lên ngôi của xu hướng trực tuyến.

Giải trí trực tuyến: Món đắt khách tê nhưng không liệt mùa dịch - Ảnh 1.

Trường Giang tự mình đảm nhận nhiều vai trò như ánh sáng, quay phim

Một năm trước, người ta còn chút bỡ ngỡ với hình thức nghe nhạc trực tuyến từ loạt live show được tổ chức trên không gian mạng của giới ca sĩ. Giờ đây, phương thức này đã trở nên quá đỗi quen thuộc, nếu không muốn nói là dòng chảy chính, của âm nhạc hiện thời. 

Món ăn “đắt khách” nhất mùa dịch

Thời gian đầu, các ca sĩ hát trực tiếp trên mạng xã hội chủ yếu để thỏa đam mê ca hát và làm vơi đi nỗi nhớ sân khấu thì càng về sau, họ càng ý thức hơn được tầm quan trọng của loại chương trình này trong đời sống tinh thần của mọi người thời dịch. 

Tranh thủ những khoảng lặng của dịch bệnh, không ít ca sĩ đã tức tốc sản xuất những chương trình âm nhạc qua mạng với sự chuẩn bị tươm tất về âm thanh, ánh sáng lẫn bối cảnh.

Tiêu biểu có thể kể đến như The master of living show, với sự tham gia của ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Mỗi tập mang đến những câu chuyện với các chủ đề khác nhau về phong cách sống, từ trang trí nhà cửa, mang thiên nhiên vào không gian sống cho đến những chủ đề về âm nhạc, đời thường... 

Quang Vinh Retreat của Quang Vinh - nơi ca sĩ vừa hát, vừa trò chuyện phiếm cùng các khách mời Jun Phạm, Hiền Thục, Ali Hoàng Dương. Cùng với khung cảnh nên thơ, “hoàng tử sơn ca” ngày nào đã mang đến cho khán giả theo dõi có được đôi ba phút giây thư giãn, yên bình với âm nhạc.

Bảo Anh thực hiện Moodshow - nơi cô tái sinh chuỗi ca khúc quen thuộc từ những thập niên trước, ghi hình ngay tại không gian phòng khách nhà riêng. Và với cách thức đó, Quang Hà mang đến show nhạc online Tránh COVID-19, trang trí phòng thu tại gia thành sân khấu lung linh ánh đèn. 

Dù không tổ chức quay hình nhưng Tăng Phúc nhanh chóng thực hiện nhiều bản audio ca hát cho dự án Chill at home để bầu bạn với khán giả trong những ngày tất cả mọi người đều không biết trước được đến khi nào tình hình dịch bệnh mới được kiểm soát. 

Ca sĩ Hồng Nhung cũng biến không gian tại nhà mình thành sân khấu nhỏ với tâm nguyện trong những lúc khó khăn, nghệ thuật sẽ góp phần giúp mọi người chấp nhận thực tế, tìm cách thích nghi và tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng về ngày mai tươi sáng, cuộc sống rồi sẽ quay trở về quỹ đạo vốn có.

Giải trí trực tuyến: Món đắt khách tê nhưng không liệt mùa dịch - Ảnh 2.

MC Quyền Linh giao lưu trực tuyến với người tham gia trong chương trình “Ông mai hẹn hò"

“Thua keo này ta bày keo khác” 

Do đại dịch, nhiều chương trình giải trí đã không thể tiếp tục ghi hình như Rap Việt hay Running Man Việt mùa 2. Trong tháng 6, hai game show về vũ đạo được quảng bá khá rầm rộ là Sàn đấu vũ đạo và Nhóm nhảy siêu Việt tạm hủy kế hoạch quay để tránh tụ tập đông người. 

Đây là những chương trình có giai đoạn tiền kỳ được đầu tư kỹ lưỡng, không thể làm đại khái, nên bắt buộc đội ngũ sản xuất phải tạm ngừng, chưa thể hứa hẹn trước điều gì. 

Thế nhưng “thua keo này ta bày keo khác”, các nhà đài khác nắm trong tay bản quyền những chương trình dễ thực hiện hơn vẫn liên tục nỗ lực tìm hướng giải quyết để có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình với khán giả. 

Với kim chỉ nam “liệu cơm gắp mắm”, Truyền thông Khang đã nhanh chóng thức thời khi chuyển đổi hết hình thức sản xuất sang giao lưu, ca hát trực tuyến đối với loạt chương trình như Solo cùng bolero, Khoảnh khắc cuộc đời, Én vàng... 

Còn những chương trình hẹn hò như Ghép đôi thần tốc, Ông mai hẹn hò quay tại nhà MC và nhân vật, kết nối với nhau thông qua điện thoại. Nhanh như chớp mùa 3 cũng được thực hiện tại nhà các nghệ sĩ với hình thức gọi video. 

Thay vì mỗi tập là cuộc đối đầu của hai đội gồm ba thành viên, giờ đây chỉ còn một MC và hai khách mời. Do thiếu vắng nhân sự, Trường Giang tự mình đảm nhận luôn nhiều vai trò cùng lúc từ MC đến ánh sáng, quay phim.

“Cứ tới cuối tuần, tôi lại nhớ sân khấu, nhớ khán giả. Điều này ai diễn sân khấu kịch hằng tuần sẽ hiểu. Giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài lo âu, sợ hãi... người ta hẳn sẽ mong muốn được thoải mái, vui cười. Nhu cầu xem các sản phẩm giải trí tăng mạnh trong lúc này là chuyện đương nhiên và hợp lý. 

Do không đi quay, đi diễn nhiều trong giai đoạn này nên điều kiện để quay những clip hậu trường vui nhộn cũng ít lại. Nhưng Dự vẫn nghĩ ra những ý tưởng vui vui, tếu tếu để chia sẻ với mọi người. Trong lúc khốn khó, ngặt nghèo, tiếng cười lại càng không thể thiếu” - diễn viên hài Minh Dự tâm sự. 

Không tham gia game show, không diễn sân khấu, nhưng khiếu hài hước, óc sáng tạo bên trong mỗi nghệ sĩ như Huỳnh Lập, Minh Dự, BB Trần, Ngọc Phước, Hải Triều, Quang Trung... vẫn có thể dễ dàng giúp họ mang đến những video tấu hài tại gia thu hút hàng triệu lượt xem trên khắp các mặt trận từ Facebook, YouTube cho đến TikTok. 

Trong đó, dù không mang màu sắc vui nhộn thường thấy nhưng chương trình kể chuyện ma giải trí của Huỳnh Lập, một món ăn quen mà lạ, từng vượt lên dẫn đầu Top thịnh hành của YouTube Việt Nam.

Có lẽ vì thấu hiểu được giá trị của “một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ” nên họ tiếp tục nỗ lực để mang đến những phút giây thư giãn giá trị, từ đó gieo hạt mầm của sự lạc quan để cùng cộng đồng vượt qua tai ương mà toàn nhân loại đang phải hứng chịu. 

Trong tình thế “gọng kìm” ấy, thật không dễ dàng gì để vừa thay đổi để thích nghi vừa phải tự tìm cách bảo vệ cho chính bản thân mình. Như lời chia sẻ của bà Tô Nam Phương - giám đốc Truyền hình FPT: “Vừa tuân thủ giãn cách, vừa phải đảm bảo những chương trình định kỳ được sản xuất đều đặn, các nội dung được phát sóng theo kế hoạch không thay đổi. 

Khoảng thời gian giãn cách cũng là lúc toàn bộ êkip sản xuất nội dung của chúng tôi liên tục họp bàn, phát triển chương trình mới, gấp rút chuẩn bị để giới thiệu những món ăn giải trí phù hợp tới khán giả. Chỉ bằng cách đó mới đảm bảo được việc phục vụ nhu cầu giải trí đang dâng cao của hàng triệu hộ gia đình hiện tại”.

Giải trí trực tuyến: Món đắt khách tê nhưng không liệt mùa dịch - Ảnh 3.

Huỳnh Lập quay tại nhà “Một nén nhang” mùa 3

Để khán giả tha hồ khám phá

Nếu hàng loạt chương trình giải trí được khán giả chờ đợi đã có thông báo tạm hoãn, rất nhiều món ăn ngon khác đã kịp thời xuất hiện để lấp vào khoảng trống ấy. 

Trong đó, chủ đề ẩm thực là nổi bật nhất. Theo thống kê của YouTube Internal Data tại Việt Nam tính đến tháng 5-2021, số lượng người xem các nội dung nấu ăn tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Từ đầu bếp nổi tiếng, các YouTuber ẩm thực như Sức khỏe tâm sinh, Helen's recipes, Ẩm thực mẹ làm, Khói lam chiều, Cô Ba Bình Dương, Tô Tiểu Tường... cho đến giới TikToker như Phượng Vỹ, Anh nông dân, Babykopo home... liên tục cho ra các video chia sẻ món ngon mùa dịch, thu hút lượt xem cao ngất ngưởng.

Ngoài ẩm thực, thể thao điện tử (eSports) cũng là một hoạt động phổ biến với lượng người chơi tăng vọt. 

Suốt nửa năm qua, đa số nhà đài tập trung nguồn lực cho các chương trình thể thao như giải bóng đá lớn thuộc khuôn khổ UEFA (Super Cup và Champions League) hay vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thống kê sơ bộ trong 4 tháng 5, 6, 7, 8, Truyền hình FPT đã phát sóng khoảng 200 trận đấu thuộc các giải đấu như AFC Cup, AFC Champions League, MMA, KOK và UEFA Super Cup. 

Dự kiến trong tháng 9 sẽ tiếp tục gửi đến khán giả cả nước hai giải đấu bóng đá là vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á với sự góp mặt của đội tuyển quốc gia Việt Nam và mùa giải tiếp theo của UEFA Champions League. 

Trong đó, thiếu nhi cũng là đối tượng khán giả được quan tâm hàng đầu: “Chúng tôi đã đẩy mạnh nội dung này với 2.500 tập phim mới được cập nhật, tương ứng với khoảng 350 giờ xem. 

Hồi tháng 6, chúng tôi cũng giới thiệu đến các khán giả nhỏ chương trình tương tác học tập âm nhạc mới nhất có tên My Band, hỗ trợ các bạn nhỏ tập luyện nhạc cụ và có thể tham gia vào một band nhạc ngay tại gia” - đại diện Truyền hình FPT cho biết. 

Còn với khán giả trẻ, không hề quá khi nói rằng TikTok là người bạn của rất nhiều người trong suốt năm qua. Theo nghiên cứu được Nielsen thực hiện vào tháng 4, 91% người dùng nhận thấy nội dung trên TikTok độc đáo và khác biệt so với các mạng xã hội khác trên thị trường.

Đáp lại tình cảm này, ông Nicholas Phạm - giám đốc vận hành TikTok Việt Nam - cho biết mục tiêu mang đến những nội dung hay, ý nghĩa, truyền cảm hứng và giúp cộng đồng gắn kết trong mùa dịch là sứ mệnh hàng đầu của TikTok thời điểm hiện tại. 

Không riêng giới ca sĩ mà các nền tảng nghe nhạc Zing MP3, NCT, Spotify cũng liên tục cập nhật nhạc mới, đa dạng hóa các danh sách phát để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc tăng mạnh của khán thính giả. 

“Tê” chứ không “liệt”

Các sân khấu đóng cửa, nhu cầu xem và nghe các sản phẩm giải trí khi ở nhà tránh dịch tăng mạnh. Giờ đây, giải trí trực tuyến đang lên ngôi và trở thành một trong những món ăn tinh thần thiết yếu của mọi nhà. Thị trường này dù đã hình thành nhiều năm nay, nhưng giữa đại dịch toàn cầu, giá trị của nó được khẳng định mạnh mẽ hơn hết.

Thực tế cho thấy giới nghệ sĩ lẫn các nhà sản xuất, người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi mà đời sống dẫn dắt đến. Đó là lý do để chúng ta có thể khẳng định rằng thời dịch, ngành giải trí “tê” chứ không hề “liệt”.

Khoảng lặng để thêm thời gian sáng tạo

Trong mắt nhiều người, hai năm vừa qua là khoảng lặng buồn của ngành giải trí khi sân khấu đóng cửa, nhiều nghệ sĩ buộc tạm rời nghệ thuật để lao vào đời kiếm kế sinh nhai, làm đủ thứ công việc tay chân khác nhau.

Thế nhưng, một cơ số không nhỏ khẳng định rằng đại dịch sẽ là khoảng lặng để họ có thêm thời gian tái tạo năng lượng, tìm kiếm cảm hứng, thai nghén ý tưởng để hẹn một ngày không xa ngành giải trí sẽ quay trở lại đầy mạnh mẽ. Giống như lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.

Giải trí mùa dịch với đồ chơi tái chế Giải trí mùa dịch với đồ chơi tái chế

TTO - Hè năm nay, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ em không được chơi đùa ngoài công viên hay cùng cha mẹ đi du lịch như những năm trước.

TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên