02/03/2018 17:39 GMT+7

Ung thư biểu mô vòm họng

Nguồn: Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai
Nguồn: Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

Ung thư biểu mô vòm họng không liên quan chặt chẽ với hút thuốc và uống rượu quá mức như hầu hết những ung thư đầu và cổ khác.

Ung thư biểu mô vòm họng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: lilyapp.me

Ung thư biểu mô vòm họng là ung thư xảy ra ở vòm mũi họng, nó nằm ở sau mũi và ở trên phần sau của họng. Vòm họng là phần trên của họng, một hình ống trải rộng từ phía sau mũi tới đỉnh của khí quản và thực quản trong vùng cổ.

Nam bị bệnh nhiều hơn nữ. Ung thư biểu mô vòm họng thường được chẩn đoán phổ biến ở những người từ 30 đến 60 tuổi, tuy nhiên, ung thư biểu mô vòm họng cũng có thể xảy ra ở những người lớn già hơn và ở trẻ em.

Ung thư biểu mô vòm họng có thể gây nên những dấu hiệu và triệu chứng giống với nhiều bệnh. Do vị trí không lộ rõ, ung thư biểu mô vòm họng thường chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã lan tràn. Đáng tiếc vì ung thư biểu mô vòm họng thường được chẩn đoán muộn, nó cũng trở thành khó điều trị.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư biểu mô vòm họng có thể bao gồm:

- Một khối ở cổ gây nên do sưng hạch

- Chảy máu từ mũi

- Xung huyết mũi ở một phía của mũi

- Không nghe được ở một tai

- Thường bị nhiễm khuẩn tai

- Đau đầu

- Nhìn đôi

- Cảm thấy đầy ở trong họng và các vùng xoang

Nguyên nhân

Tất cả các ung thư bắt đầu với một hoặc nhiều hơn những đột biến di truyền làm cho các tế bào phát triển ngoài sự kiểm soát, xâm nhập vào các cấu trúc xung quanh và thường lan tràn (di căn) tới các phần khác của cơ thể. Những ung thư biểu mô vòm họng bắt đầu trong các tế bào vảy phủ bề mặt vòm họng.

Trong nhiều trường hợp không rõ là nguyên nhân gì gây nên những đột biến gen dẫn đến ung thư biểu mô vòm họng, mặc dù những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ với ung thư này đã được xác định. Tuy nhiên, cũng không rõ tại sao một số người có tất cả các yếu tố nguy cơ không bao giờ bị ung thư trong khi những người khác không có yếu tố nguy cơ rõ rệt lại bị ung thư.

Những yếu tố nguy cơ

Ở những vùng ung thư biểu mô vòm họng phổ biến nhất

- Các thức ăn ướp muối: Các hoá chất được giải phóng trong hơi nước khi nấu các thức ăn ướp muối có thể đi vào khoang mũi, làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vòm họng. ở Trung Quốc, ung thư biểu mô vòm họng có liên quan với tiêu thụ nhiều cá muối.

- Thịt bảo quản: Thịt bảo quản chứa các mức cao của nitrat, nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vòm họng.

- Virus Epstein-Barr: Loại virus phổ biến này thường gây nên những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ giống như các triệu chứng của cảm lạnh. Đôi khi nó có thể gây nên tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Virus Epstein-Barr cũng liên quan với nhiều ung thư hiếm gặp, bao gồm ung thư biểu mô vòm họng.

- Lịch sử gia đình: Có một thành viên trong gia đình bị ung thư biểu mô vòm họng làm tăng nguy cơ bị bệnh của bạn.

Ung thư biểu mô vòm họng không liên quan chặt chẽ với hút thuốc và uống rượu quá mức như hầu hết những ung thư đầu và cổ khác.

Khi nào cần đi khám bệnh

Những dấu hiệu và triệu chứng sớm của ung thư biểu mô vòm họng thường không làm cho bạn quan tâm để đi khám bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy những thay đổi bất thường và dai dẳng trong cơ thể bạn, chẳng hạn xung huyết ở mũi bất thường gây khó chịu cho bạn, hãy đi khám chuyên khoa tai mũi họng.

Những biến chứng

Ung thư biểu mô vòm họng thường lan tràn (di căn) ra ngoài vòm họng. Hầu hết các bệnh nhân ung thư biểu mô vòm họng có di căn tại vùng, điều đó có nghĩa là các tế bào ung thư từ khối u ban đầu đã di căn đến các vùng ở gần, chẳng hạn như các hạch bạch huyết ở cổ. Các tế bào ung thư lan tràn ra ngoài vùng đầu và cổ (di căn xa) phổ biến nhất tới xương và tuỷ xương, phổi và gan.

Ung thư biểu mô vòm họng cũng có thể gây nên "các hội chứng cận u". Trong những trường hợp bệnh hiếm gặp này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn phản ứng với sự có mặt của các tế bào bình thường bằng cách tấn công những tế bào bình thường. Những hội chứng cận u có thể gây nên các mức cao của một số tế bào bạch cầu trong máu, sốt, những biểu hiện thần kinh hoặc khớp. Khi ung thư được điều trị, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát hệ thống miễn dịch của bạn.

Điều trị

Kế hoạch điều trị ung thư biểu mô vòm họng dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như giai đoạn của ung thư, loại tế bào, các mục đích điều trị và các tác dụng phụ mà bạn có khả năng chịu đựng. 

Điều trị ung thư biểu mô vòm họng thường bắt đầu bằng xạ trị. Trong khi phẫu thuật là chỗ dựa chính cho nhiều loại ung thư, việc điều trị ung thư biểu mô vòm họng bằng phẫu thuật cần hết sức thận trọng. 

Ung thư biểu mô vòm họng rất nhạy cảm với xạ trị, làm cho xạ trị trở thành biện pháp điều trị hàng đầu. Phẫu thuật và điều trị hoá chất được sử dụng trong một số trường hợp.

Xạ trị

Xạ trị điều trị ung thư với chùm tia năng lượng cao. Xạ trị phá huỷ nhanh chóng các tế bào đang phát triển, bao gồm các tế bào ung thư ở vùng nơi chùm tia tập trung vào. Trong quá trình điều trị, bạn được nằm trên một cái bàn và một máy lớn được điều khiển xung quanh bạn để định vị chính xác điểm xạ trị có thể đến trúng đích ung thư. 

Bạn sẽ được xạ trị năm ngày một tuần trong sáu đến bảy tuần. Bạn cũng được xạ trị vào vùng cổ ngay cả khi không có bằng chứng ung thư của bạn đã lan tràn ra ngoài vòm họng. Việc xạ trị này làm giảm nguy cơ ung thư của bạn sẽ lan tràn và nguy cơ ung thư tái phát.

Xạ trị có nguy cơ của các tác dụng phụ, bao gồm nghe kém, khô miệng, đau miệng và họng và nguy cơ tăng của ung thư lưỡi và xương. Vòm họng nằm giữa các cơ quan quan trọng như não, tuỷ sống, tuyến giáp, mắt và tai. Đội ngũ bác sĩ xạ trị làm việc để bảo vệ các cơ quan này, nhưng việc này không phải bao giờ cũng làm được.

Xạ trị trong đôi khi được sử dụng trong ung thư biểu mô vòm họng tái phát. Trong phương pháp điều trị này, các hạt hoặc dây phóng xạ được đặt vào trong u hoặc rất gần u.

Điều trị hoá chất

Điều trị hoá chất hay hoá trị là sử dụng các thuốc để điều trị ung thư. Không giống xạ trị, nó tập trung vào một phần của cơ thể của bạn, hoá trị có tác dụng trên toàn cơ thể của bạn. Hoá trị tấn công một cách nhanh chóng các tế bào đang phát triển bao gồm các tế bào ung thư, một số tế bào khoẻ mạnh cũng bị giết bởi hoá trị. Nó có thể gây nên các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, rụng tóc, buồn nôn và nôn. Hoá trị có thể được sử dụng điều trị ung thư biểu mô vòm mũi họng theo ba đường:

- Hoá trị vào cùng thời gian như xạ trị. Sử dụng hai biện pháp điều trị cùng với nhau có thể làm giảm nhu cầu liều cao của xạ trị. Nó làm giảm các tác dụng phụ với xạ trị. Hoá trị cũng làm giảm nguy cơ cơ thể bạn có thể đề kháng với xạ trị. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của hoá trị cũng thêm vào với các tác dụng phụ của xạ trị làm cho việc điều trị đồng thời khó chịu đựng.

- Hoá trị sau xạ trị (hoá trị bổ trợ). Bác sĩ có thể yêu cầu hoá trị bổ trợ sau xạ trị đơn thuần hoặc sau hoá- xạ trị đồng thời. Hoá trị bổ trợ nhằm tấn công bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể bạn, bao gồm cả các tế bào vừa tách khỏi u nguyên phát và phát tán ở đâu đó trong cơ thể. Có một số ý kiến trái ngược tồn tại là liệu hoá trị bổ trợ có cải thiện thời gian sống sau điều trị không. Nhiều người được áp dụng hoá trị bổ trợ sau hoá- xạ trị đồng thời không chịu đựng được các tác dụng phụ và phải ngừng điều trị.

- Hoá trị trước xạ trị (hoá trị tân bổ trợ). Hoá trị tân bổ trợ hoạt động cùng một phương thức như hoá trị bổ trợ, nhưng thuốc được dùng trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi hoá- xạ trị đồng thời. Một số người thấy ít tác dụng phụ hơn nếu họ được điều trị hoá chất trước khi nghỉ điều trị. Tuy nhiên, ít nghiên cứu được thực hiện trên hoá trị bổ trợ, vì vậy nó mới được coi là thử nghiệm.

Loại thuốc gì bạn được sử dụng và liều dùng như thế nào được quyết định bởi bác sĩ. Các tác dụng phụ bạn sẽ phải chịu đựng phụ thuộc vào thuốc gì bạn được dùng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được tiến hành cho ung thư biểu mô vòm họng tái phát. Phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết ung thư ở cổ là phổ biến nhất với ung thư biểu mô vòm họng. Phẫu thuật loại bỏ khối u ở vòm họng đòi hỏi phẫu thuật viên phải thực hiện một đường rạch ở phần trên của miệng (hàm ếch) để đi vào vùng vòm họng.

Phòng ngừa

Không có cách nào chắc chắn để phòng ngừa ung thư biểu mô vòm họng. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng những bước để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, cắt giảm lượng thực phẩm ướp muối hoặc thịt bảo quản bạn ăn hoặc tránh tất cả các loại thức ăn này. 

Tuy nhiên, không bao giờ thoát khỏi nguy cơ này, điều đó chứng tỏ rằng những yếu tố nguy cơ chưa biết hoặc không thể kiểm soát được có thể có vai trò trong phát sinh ung thư biểu mô vòm họng.

Nguồn: Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên