Trong phát biểu vào sáng 31-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Ukraine Zelensky nói Nga đã khởi động "đòn thù lớn" nhằm đập tan sự chống cự của nước này. Trong khi đó, sau khi lập "liên minh xe tăng" hỗ trợ Ukraine, một số nước phương Tây đang tính đến việc gửi thêm máy bay chiến đấu. Nhưng kế hoạch giúp đỡ Ukraine của phương Tây đến nay được đánh giá là quá chậm nhịp so với diễn biến chiến sự.
Nga tăng gấp đôi lực lượng
Theo ông Zelensky, Nga đang tấn công không ngừng ở mặt trận miền đông Ukraine và tăng thêm máy bay chiến đấu từ công ty quân sự tư nhân Wagner. "Mỗi ngày họ đưa thêm quân chính quy hoặc lính Wagner ra tiền tuyến", Hãng tin Reuters dẫn lời tổng thống Ukraine.
Quân đội Ukraine cho biết Matxcơva tấn công mạnh vào khu vực Kharkov ở đông bắc và các vùng miền đông như Bakhmut và Avdiivka, nhưng bị đẩy lùi ở Vuhledar, Blahodatne. Trong khi đó, công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga tuyên bố đã chiếm được Blahodatne.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Denis Pushilin, lãnh đạo chính quyền thân Nga ở Donetsk, cho biết lực lượng Ukraine đang thiếu đạn dược, bị tiêu diệt nhiều xe chiến đấu và đang phải củng cố lực lượng ở Bakhmut, Vuhledar.
Cùng với các tuyên bố mâu thuẫn giữa hai bên, giới quan sát cho rằng Nga đang đạt được bước tiến đáng kể ở miền đông Ukraine. Trong thông tin cập nhật ngày 31-1, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga sẽ kiểm soát thêm ở Vuhledar dù việc đó sẽ không tạo ra đột phá nào.
Tuy nhiên, chuyên gia Brandon J Weichert nhận định trên trang Asia Times là tình hình chiến sự sẽ rất khác trong năm 2023. Nếu Nga bắt đầu cuộc chiến với khoảng 160.000 quân thì hiện họ đã huy động được 300.000 - 350.000 quân và đưa tổng cộng 200 chiếc xe tăng T-90 đến miền đông Ukraine. "Ukraine sắp bị nghiền nát trong 6 tháng tới bởi cuộc tấn công dữ dội từ một nước Nga được huy động toàn lực", ông Weichert bình luận.
Trong khi đó, phương Tây đang gấp rút cung cấp vũ khí cho Ukraine, như xe tăng dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ukraine từ cuối tháng này đến tháng 3-2023 hoặc lâu hơn. Tình hình đã có nhiều bước ngoặt từ đầu năm nay khi Đức đồng ý giao 14 xe tăng Leopard 2, mở đường cho các đồng minh cấp 88 xe tăng loại này cho Kiev.
Tương tự, Mỹ cũng hứa giao 31 chiếc M1 Abram. Nhưng số xe tăng của phương Tây nếu có tới kịp cũng khó giúp Kiev chống chọi trước các cuộc tấn công. Chưa kể do thiếu lá chắn trên không, những xe tăng này dễ trở thành mục tiêu cho các máy bay của Nga.
Sẽ có "liên minh máy bay"?
Giống như xe tăng, Ukraine đã kêu gọi các nước hỗ trợ họ máy bay chiến đấu kể từ đầu xung đột nhưng không được đáp lại. Cuối tuần trước, Ukraine cho biết sẽ thúc đẩy phương Tây giao các chiến đấu cơ đời mới như F-16 với hy vọng sẽ tạo ra một "liên minh máy bay" nhằm giúp họ đánh chặn tên lửa và tấn công các điểm đồn trú của Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng cấp thêm chiến đấu cơ cho Kiev, Ba Lan nói sẵn sàng chuyển giao F-16 nếu các thành viên khác của NATO cũng làm vậy.
Tuy nhiên, trong phát biểu mà theo tờ Financial Times là lần đầu tiên công khai quan điểm về vấn đề này vào ngày 30-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói sẽ không gửi F-16 cho Ukraine. Tương tự, Anh lo ngại việc giao chiến đấu cơ Typhoon cho Ukraine sẽ là một bước "quá leo thang", còn Đức bác bỏ việc cấp máy bay Tornado. Hãng tin Reuters cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace sẽ gặp ông Macron tại Paris vào ngày 31-1 để thảo luận thêm.
Nhưng việc xe tăng hay thậm chí máy bay của phương Tây có giao kịp cho Ukraine không lại là vấn đề lớn hơn. Ngày 30-1, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace cho biết xe tăng của Anh sẽ ra trận trước mùa hè sau khi hoàn tất các đợt huấn luyện vận hành cho Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ nói họ không có sẵn xe tăng Abram nên việc chuyển giao có thể mất đến hàng tháng, chưa kể thời gian đào tạo. Tương tự, việc huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu của phương Tây có thể kéo dài đến nửa năm. Điều đó có nghĩa Kiev sẽ không có cả hai loại vũ khí này để đối phó với đợt tấn công của Nga trong những tháng tới.
Nga chỉ trích ý định cấp máy bay cho Ukraine
Đáp lại việc Lithuania ngày 30-1 kêu gọi NATO dẹp hết các "lằn ranh đỏ" và cung cấp mọi vũ khí mà Ukraine cần, gồm chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa, Điện Kremlin nói tuyên bố này thể hiện "quan điểm cực kỳ hiếu chiến" của các nước vùng Baltic và Ba Lan.
"Họ dường như sẵn sàng làm bất cứ điều gì để kích động sự gia tăng đối đầu hơn nữa mà không quan tâm đến hậu quả" - người phát ngôn Dmitry Peskov của Nga nói, đồng thời kêu gọi "các nước lớn ở châu Âu" nên cân bằng lập trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận