18/06/2024 09:02 GMT+7

Úc - Trung Quốc tạm gác khác biệt

Hôm 17-6, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc hội đàm tại Canberra, đưa ra tín hiệu tích cực cho quan hệ song phương.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Canberra ngày 17-6 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Canberra ngày 17-6 - Ảnh: REUTERS

Ông Lý Cường là thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc thăm Úc trong bảy năm qua. Chuyến thăm Úc từ ngày 15 đến 18-6 của ông Lý diễn ra trong bối cảnh hai bên nỗ lực hàn gắn quan hệ sau nhiều bất đồng.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã đổi mới và hồi sinh.

Thủ tướng Albanese cho biết mối quan hệ song phương đã trở lại đúng hướng sau hội đàm với Thủ tướng Lý Cường.

Điểm sáng kinh tế

Ông Lý tới Úc trong lúc thương mại hai nước tăng lên mức kỷ lục năm ngoái, sau khi thuế quan được gỡ bỏ.

Tổng thương mại của Úc với Trung Quốc đạt 145 tỉ USD năm 2023, con số cao nhất từ trước tới nay, và tăng mạnh so với mức gần 110 tỉ USD năm 2019, thời điểm ngay trước đại dịch COVID-19 và việc áp thuế quan, trừng phạt của Trung Quốc.

Ông Lý đã thăm các mỏ và cơ sở sản xuất rượu ở Úc - hai trong số các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước này. Sự phục hồi của giá trị thương mại được cho đa phần xuất phát từ việc giá quặng sắt tăng, cũng như việc ngành dịch vụ trơn tru trở lại sau những gián đoạn vì dịch bệnh và căng thẳng chính trị hai bên.

Theo nhận xét của báo Financial Times, đây là chi tiết cho thấy hàng hóa Úc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. 

Lấy ví dụ, quặng sắt và lithium của Úc là thành phần quan trọng đối với pin xe điện, và là cốt lõi trong việc phát triển công nghệ mới của Trung Quốc. Đổi lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng là phương án giúp kinh tế Úc duy trì sự ổn định.

"Việc đối thoại này cho phép chúng tôi xây dựng nhận thức sâu sắc hơn về lợi ích tương ứng giữa hai bên", Thủ tướng Albanese lưu ý về việc Úc và Trung Quốc là những nền kinh tế bổ trợ cho nhau, và cũng cùng lợi ích trong một số vấn đề chung như biến đổi khí hậu.

Giáo sư Hans Hendrischke nghiên cứu về quản trị và kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Sydney (Úc) cũng cho rằng quan hệ kinh tế hai bên rất mạnh mẽ và đang phát triển bất chấp mọi yếu tố gây nhiễu.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, xếp trên Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Rạch ròi kinh tế - an ninh

Từ cách đây 10 năm, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã căng thẳng vì thái độ hoài nghi của giới chính trị gia Úc đối với nguồn tài trợ của các công ty Trung Quốc.

Hai bên cũng mang quan điểm khác biệt về quyền con người, thương mại và an ninh, bao gồm những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.

Căng thẳng leo thang kể từ năm 2019 tới nay. Trung Quốc đã áp đặt thuế quan lên hàng Úc nhằm đáp trả việc thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi điều tra công khai về nguồn gốc COVID-19, cũng như sự kiện Úc trở thành quốc gia đầu tiên cấm các nhà cung cấp dịch vụ 5G của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Úc cũng gia nhập thỏa thuận an ninh với Mỹ và Anh (AUKUS), vốn bị đánh giá nhằm đối phó với sự ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh.

Việc ông Albanese đắc cử ở Úc năm 2022 được xem là chất xúc tác cho việc hàn gắn quan hệ Úc - Trung Quốc. Hiện nay, Canberra vẫn rất cần Trung Quốc để hiện thực hóa tham vọng phát triển kinh tế và công nghệ, mặc dù vẫn phải tìm cách trấn an các đồng minh về an ninh.

"Chúng tôi cũng có những khác biệt với đối phương... đó là lý do đối thoại thẳng thắn là điều rất quan trọng. Với Úc, chúng tôi luôn ủng hộ tầm quan trọng của một khu vực và thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, nơi các nước tôn trọng chủ quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế", Thủ tướng Albanese nói.

Bốn ngày là thời gian không ngắn cho một chuyến đi của Thủ tướng Trung Quốc. Ngoài một số động tác thân thiện như sử dụng "ngoại giao gấu trúc" với Úc và miễn visa nhập cảnh thời hạn 15 ngày cho công dân Úc, ông Lý cũng thăm cơ sở lithium và dự các bàn tròn doanh nghiệp.

Theo giáo sư Hendrischke, chuyến đi tới cơ sở lithium là "tín hiệu gây áp lực" lên chính quyền Úc, nhắc nhở nước này về tham vọng ở khoáng sản quan trọng. Hồi tháng này, Úc từng yêu cầu các quỹ liên quan tới Trung Quốc cắt đầu tư vào khai thác đất hiếm với lý do "lợi ích quốc gia".

"Dù Úc muốn hay không thì họ cũng phải hợp tác với Trung Quốc về các khoáng sản này. Mỹ sẽ phản đối điều đó, nhưng họ lại không có công nghệ", ông Hendrischke bình luận.

Trung Quốc muốn vào CPTPP

Trong chuyến thăm Úc của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai nước đã ký kết một số văn kiện hợp tác về thương mại, giáo dục, biến đổi khí hậu, cũng như văn hóa và sở hữu trí tuệ.

Như một biện pháp vừa ngoại giao vừa thực tiễn, ông Lý đã được chiêu đãi rượu cùng hai món tôm hùm và bò trong bữa trưa. Trước đó Bộ trưởng Nông nghiệp Úc Murray Watt khẳng định sẽ đưa việc Trung Quốc cấm tôm hùm và việc xuất khẩu của hai nhà máy thịt bò Úc vào chương trình trao đổi.

Trung Quốc cũng rất muốn Úc ngừng phản đối việc Bắc Kinh tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do có Việt Nam và 10 nước khác.

Trung Quốc miễn visa cho Úc, hồi sinh quan hệ song phươngTrung Quốc miễn visa cho Úc, hồi sinh quan hệ song phương

Công dân Úc sẽ được Trung Quốc miễn visa nhập cảnh 15 ngày - một động thái thể hiện thiện chí với Canberra nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên