04/03/2011 07:25 GMT+7

Tường trình của Tuổi Trẻ từ biên giới Tunisia - Libya

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Gần 1.000 lao động Việt Nam cùng một biển người tị nạn đã vượt qua chặng đường dài đầy nguy hiểm từ Libya. Họ vượt qua cái lạnh, cái đói và tiếng súng để cố đến được Tunisia.

* Hỗn loạn nơi biên giới

T0ASRBkA.jpgPhóng to
Lao động Nguyễn Duy Lương bị bệnh được các lao động đi cùng chăm sóc tại sân bay Djerba Zaris (Tunisia) - Ảnh: L.N.
XLYhS59C.jpgPhóng to
Lao động Việt Nam nằm vật vã tại biên giới Ras Jdir - Ảnh: Lê Nam

Biên giới Ras Jdir (Tunisia) 15g30 ngày 3-3, một quang cảnh hỗn độn, bừa bãi, bụi bặm… với hàng chục nghìn lao động nước ngoài đang tập trung ở đây. Giữa biển người ấy, có gần 200 lao động Việt Nam vừa đến đây hôm 2-3. Nguyễn Khắc Hợp (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết ban đêm mọi người trải chăn ra đất nằm sát cùng nhau. Trưa 3-3, đã có hai chuyến xe đón một nhóm lao động Việt Nam về sân bay Djerba. Chúng tôi thì vẫn đang chờ.

Trước đó, 5g sáng 3-3 (giờ Tunisia), ở nhà ga sân bay Djerba Zaris, đập vào mắt tôi là hình ảnh một nhóm lao động Việt Nam vây quanh chăm sóc cho một lao động đang nằm với vẻ mặt mệt mỏi, tái mét.

Bị cướp trên đường chạy loạn

Phải nằm vật vã là Nguyễn Duy Lương (28 tuổi, quê Lục Ngạn, Bắc Giang) mới chạy từ Libya về đây được hai ngày. Hôm xảy ra bạo loạn cũng là lúc Lương đang bị bệnh tiêu chảy hành hạ đến khô đét người, không còn sức làm việc. “Khi nghe chủ thầu bảo phải chạy loạn khỏi Libya vì bạo động đã lan tới gần công trường, tôi nghe mà tay chân bủn rủn vì có đi nổi đâu. Lại nghe nói đường chạy loạn dài gần 500km mới đến được biên giới, lúc ấy tôi bật khóc như trẻ con vì nghĩ có thể sẽ chết trên đường” - Lương kể lại.

Vũ Quý Cường (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đang chăm sóc cho Lương nhớ lại: “Ngày nó mới sang cân nặng 57kg, giờ nằm một đống”. Hai đêm ở khu vực biên giới, đói rét, bệnh tật khiến Lương nằm thiêm thiếp bất động.

Khắp nhà ga và trên tầng lửng nhà ga, hàng ngàn lao động Việt Nam và Bangladesh nằm chen chúc nhau như cá hộp. Ở đây, họ được các tổ chức quốc tế hỗ trợ chăn màn, bánh mì, nước uống. Tài sản còn lại trên đường chạy loạn chỉ là vài bộ quần áo mang vội theo.

Một lao động Việt Nam tên Lương Duy Mạnh (50 tuổi, Đồ Sơn, Hải Phòng) tiến đến bắt tay những người bạn may mắn về trước trên chuyến bay mang số hiệu VN 8687 của Vietnam Airlines và nói: “Đến đây là biết sắp về nhà rồi, những ngày gian khổ, lo sợ đã qua”. Ông Mạnh kể trên đường tháo chạy khỏi Libya phải qua hàng chục trạm gác, lính tráng, súng ống đầy người. Đường tháo chạy đầy tiếng súng của các cuộc giao tranh khiến ai cũng lo sợ không thể đến được biên giới.

Chạy loạn chung với ông Mạnh, Lã Quý Tuấn (27 tuổi, ở phường Quán Triều, TP Thái Nguyên) cho biết đoàn xe phải vượt qua hơn 10 trạm gác của quân đội. Tuấn bảo trước khi đi anh em có dặn nhau tiền thì cất kỹ dưới... đáy quần, điện thoại giấu dưới giỏ thức ăn. Nhưng chỉ qua được đến trạm thứ hai thì tiền, điện thoại cũng bị lột sạch. Chẳng một ai dám chống cự hay van xin vì sợ bị đánh, bị giết. Trên đường chạy loạn tâm trạng ai cũng căng như dây đàn, ngoài các trạm lính gác lâu lâu lại xuất hiện vài toán quân tuần tra trên đường, nhưng chủ yếu là cướp bóc.

Rồi mọi người cũng qua được các trạm kiểm soát để đến sát biên giới, tưởng có thể từ đây an toàn nhưng tình hình còn kinh khủng hơn. Hàng ngàn người chen chúc ở biên giới trong tình cảnh màn trời chiếu đất. Đêm về trời trở lạnh, có đêm mưa như trút nước mà chỉ biết trân mình chịu đựng.

“Đồ ăn thức uống chẳng có, nhà vệ sinh luôn chật người và vô cùng bẩn thỉu... Mỗi khi có người mang bánh mì ra họ vứt vào đám đông, hàng ngàn người nhào vào đánh nhau, giành giật... chẳng miếng bánh nào còn nguyên vẹn. Đói rét hành hạ suốt hai đêm ở biên giới, cứ nghĩ kéo dài thêm vài ngày chắc có người chết” - Tuấn kể lại với giọng còn đầy hốt hoảng.

Biển người tại sân bay

Sân bay Djerba Yaris mấy ngày nay quá tải khi lượng người di tản đổ về dồn dập. Bên trong nhà ga sân bay là cả một biển người, ngoài lao động các nước, ở đây cũng có gần 1.000 lao động Việt Nam đang xếp hàng ngóng chờ được gọi tên, làm thủ tục về nước. Họ đến đây đêm trước và gần như thức trắng ở nhà ga. Có người bảo vì hồi hộp quá nên trằn trọc mãi chẳng thể ngủ được, người thì nói sợ ngủ quên không làm được thủ tục về nhà.

Anh Đậu Ngọc Việt ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An cho biết mấy anh em nằm mà cứ nôn nao chẳng biết mấy giờ thì máy bay hạ cánh, liệu có chở hết mọi người về hay không...

Ông Mohamed Riadh Ben Yaola, nhân viên an ninh sân bay, cho biết đêm đêm bất kể giờ giấc nào cũng có hàng chục chuyến xe chở đầy người lao động của các nước tấp nập đổ về sân bay. Tại các bàn làm thủ tục ai cũng muốn mình được gọi tên nên vô cùng nhốn nháo.

Theo tổ công tác đặc biệt, gần 1.000 lao động Việt Nam từ Libya sang Tunisia nhưng chuyến bay đầu chỉ có 318 lao động được làm thủ tục lên máy bay Boeing 777. Nhiều người lo lắng, sợ hãi nhưng khi được thông báo đang có 2-3 chuyến bay sang chở mọi người thì các lao động yên tâm lui về tầng lửng nhà ga nghỉ ngơi.

1.121 lao động Việt Nam tại Libya về nước bằng đường biển

Chiều 3-3, tại cuộc họp báo do Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức, ông Đào Công Hải, cục phó, cho biết Việt Nam đã thuê riêng một tàu thủy để đưa 1.121 lao động rời Malta sáng 3-3. Tàu sẽ cập cảng Hải Phòng song chưa biết được thời điểm chính xác.

Ông Hải cũng cho biết Văn phòng hợp tác kinh tế Libya tại Hà Nội hôm nay đã tuyên bố sẽ hỗ trợ đưa số lao động còn lại ở Libya ra. Chúng ta cũng cần sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế vì chỉ có họ mới vào được tận sâu trong Libya.

* Đang đưa 9.751 lao động qua nhiều nước láng giềng

Tính đến tối 3-3, các đối tác và chủ sử dụng lao động Việt Nam đã và đang triển khai đưa 9.751 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hi Lạp, Algeria...

* Lập đoàn công tác ở TP.HCM

Ngày 3-3, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử đoàn công tác vào TP.HCM phối hợp với đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại đây tổ chức đón người lao động từ Libya về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất khá đông. Bên cạnh đó, tổ công tác sẽ thực hiện việc chi hỗ trợ ban đầu cho người lao động 1 triệu đồng/người từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trong trường hợp doanh nghiệp chưa kịp thực hiện.

* VNA tăng thêm nhiều chuyến bay

Vietnam Airlines (VNA) sẽ bổ sung hai chuyến bay đi Djerba vào các ngày 5 và 7-3 để đón lao động về nước, chuyến bay ngày 6-3 đi Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Với việc thực hiện cầu hàng không này, mỗi chuyến VNA sẽ đưa được trên 300 lao động hồi hương.

Như vậy, cầu hàng không của VNA đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm sẽ có 7 chuyến.

H.VĂN - M.QUANG - H.GIANG

______________________

Cướp giật hoành hành

Tại Ras Jdir, biên giới Libya và Tunisia, một người đàn ông Nigeria là Ike Emanuel phải tự tay chôn cất con gái 6 tháng tuổi trong lúc di tản. Ông đến được Tunisia từ hôm 2-3, đói lả, kiệt sức và trắng tay. “Tôi đã mất con rồi. Con bé chết và chúng tôi chôn nó trong sa mạc - Emanuel, 35 tuổi, khóc nức nở - Chúng tôi ở trong sa mạc ba ngày, con bé mới sáu tháng tuổi và nó đã không chống chọi nổi với giá lạnh. Tôi sắp về nhà mà không có thứ gì, không có con gái”.

Tại khu vực biên giới Libya - Ai Cập, tình trạng trấn lột, cướp bóc xảy ra. Ở một cửa khẩu, các nhân viên hải quan khám xét từng người tị nạn và yêu cầu họ phải chi “phí vượt biên” hơn 400 USD. “Tôi có mỗi 200 USD tiền mặt trong người và bị họ cướp mất” - anh Bakid Abdul Qani, một thợ sơn người Ai Cập, phẫn nộ nói. Còn anh Abdullah Mohammad, một thợ xây, cũng phải lấy nốt 50 USD còn sót lại đưa cho nhân viên hải quan và chen chúc mãi mới vào được đất Ai Cập.

Nhiều người chạy loạn đến được khu vực biên giới này trước đó đã bị trấn lột và cướp bóc. Ông Mohammad Ghani, đầu bếp 60 tuổi, cố rời Tripoli để tới Ai Cập bằng đường hàng không. Lên được một chuyến bay, ông còn bị nhân viên sân bay cướp mất toàn bộ 9.000 USD mà ông tiết kiệm được sau 30 năm làm việc ở Libya. “Họ lấy sạch của tôi rồi”, ông nức nở.

Một người đàn ông Bangladesh tên Mohammed cho biết đã bị cướp tiền và tài sản khi nhà của ông bị một toán người tấn công, sau đó phá hủy luôn căn nhà. Cùng với nhiều đồng nghiệp khác, ông chạy trốn đến khu nhà thứ hai và chuyện cướp bóc tái diễn. Sau đó họ bị cướp lần thứ ba.

Festos, một thợ điện người Haiti, cho biết anh đến Libya từ năm 2007 và làm việc cho một công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày 25-2, một nhóm khoảng 1.000 người Libya cầm dao và súng đến công ty anh tấn công các công nhân. “Họ đập phá và cướp đi mọi thứ”, Festos nói. Anh chạy đến ngôi nhà của một người bạn châu Phi sống gần đó. Cũng trong đêm đó, một nhóm tay súng đến phá cửa và tấn công ngôi nhà của họ. “Tất cả chúng tôi đều chạy. Tôi chỉ mong còn được sống. Tại Libya lúc này, không ai biết ai đang làm gì và ai là người họ có thể tin tưởng”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lập cầu hàng không giải cứu lao độngLao động Việt Nam ở Libya: Chạy loạn trong tiếng súngThêm 523 lao động từ Libya trở vềCộng đồng quốc tế cấm vận LibyaTrở về từ Libya: mừng và loSơ tán gần 10.000 lao động Việt Nam khỏi Libya

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên