14g5 chiều 27-2, thêm 440 lao động Việt Nam được công ty Sona đưa đi làm việc tại Libya đã về sân bay Nội Bài (Hà Nội) trên chuyến bay của hãng hàng không Hy Lạp.
Trước đó, sáng cùng ngày đã có 83 lao động được đưa về nước. Như vậy, cho đến thời điểm này đã có trên 900 lao động Việt Nam làm việc tại Libya được đưa về nước bằng máy bay.
Theo con số của Cục quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - thương binh và xã hộicông bố, vẫn còn khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang kẹt tại Libya. Số lao động còn lại đã được di tản đến các trại tị nạn ở các nước láng giềng và đang sống trong tình trạng khổ cực.
Mừng đoàn tụ nhưng lo nợ nầnCộng đồng quốc tế cấm vận Libya
Phóng to |
Các công nhân Việt Nam vẫy chào người thân ra đón tại Nội Bài chiều 27-2 - Ảnh: Việt Dũng |
Khi đi tay xách, khi về người không
Mất hết đồ đạc, đó là một trong những điều tiếc nuối của công nhân Việt Nam tại Libya khi về đến quê hương. Giáp Văn Cường, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đi xuất khẩu lao động được 20 tháng, kể: "Khi đi em mang khá nhiều đồ, quần áo, điện thoại để nghe nhạc, giải trí. Gần 20 tháng làm việc em rất thoải mái và mua sắm được khác nhiều đồ đạc cho mình nhưng đến bây giờ về Việt Nam chỉ mang được vài bộ quần áo".
Theo lời Cường và các công nhân Việt Nam đã trở về, khi nội loạn xảy ra ở Libya, công nhân Việt Nam chỉ ở trong nhà của công ty là được an toàn, cứ đi ra khỏi nhà là bị cướp bóc, nhất là buổi tối và ban đêm. Khi nhận được lệnh di tản vào ngày 20-2, nhóm lao động này của công ty Sona đã gói ghém đồ đạc, chuẩn bị đến sân bay Tripoli nhưng quá đông người để có thể chen chúc vào được sân bay.
"Phải mất hơn một ngày đêm xếp hàng, chen chân trong mưa gió lạnh ngắt của Tripoli bọn em mới vào được sân bay", một công nhân kể lại. Tiếc nhất là khi vào sân bay, tất cả những ai có vali đều bị cảnh sát ra lệnh vứt bỏ lại, không được đem theo gì ngoài một ba lô hoặc túi xách quần áo lên máy bay.
Có những người còn bị cảnh sát thu giữ cả điện thoại, thẻ nhớ chụp ảnh để chống đưa những hình ảnh biểu tình, đụng độ tại Libya ra nước ngoài. Mặc dù tiếc nhưng anh em lao động đều xác định về được là tốt nên bỏ lại hết để nhanh chóng được ra khỏi đất nước này.
Đó là còn đi được ra khỏi Libya, chứ anh em ở lại mớ khổ. Theo các công nhân đã về nước, cả thủ đô Tripoli đã chìm trong hỗn loạn, xe tăng đầy đường. Bên ngoài sân bay thì bạo loạn, bên trong sân bay thì như bãi rác. Các lao động này cho biết nhiều nhóm còn lại đã đi ra khỏi Libya bằng phà và các phương tiện khác để sang Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp...
"Bây giờ cứ ra khỏi được Libya là tốt, còn ở lại ngày nào là còn lo lắng ngày đó, tình hình ở Tripoli bây giờ hỗn loạn nhất", anh Dũng, quê Hà Tĩnh, cho biết.
Phóng to |
Cơ quan xuất nhập cảnh kê bàn làm thủ tục nhập cảnh cho lao động Việt Nam ngay tại khu đón khách của sân bay Nội Bài. Một số lao động đã bị mất hộ chiếu do tình hình hỗn loạn tại Libya - Ảnh: Việt Dũng |
Đoàn tụ: hạnh phúc và lo lắng
Anh Nguyễn Thế Hiệp, quê Hải Dương, khi đặt chân xuống sân bay, điện thoại được về thông báo cho gia đình là anh cười nói như đã ngồi tại nhà. “Sướng quá, không biết nói gì, mấy ngày trước còn lo lắng lắm”, anh Hiệp nói. Cùng chung tâm trạng ấy, các công nhân Việt Nam trở về ngày hôm này đều vui mừng, phấn khởi vì an toàn.
Bên cạnh những nụ cười ấy là những giọt nước mắt hạnh phúc của không ít thân nhân họ đã đón chờ ở sân bay Nội Bài.
Nhìn thấy chồng là Phạm Trọng Hải (quê tại Đò Quan, Nam Định) trong khu vực cách ly tại sân bay, chị Trần Thị Nga đã nhảy lên sung sướng gọi chồng nhưng ngay sau đó là những giọt nước mắt sụt sùi. “Khổ quá, thế là anh ấy về an toàn rồi mà em vẫn chưa tin được”, chị Nga nói.
Phóng to |
Náo nức điện thoại về nhà cho người thân - Ảnh: Việt Dũng |
Trước đó, ngày 25-2, sau khi thoát khỏi Libya sang đến Malta, anh Hải đã điện thoại về nhà thông báo sẽ về VN trong mấy ngày tới, dự kiến vào đêm 26 hoặc sáng 27-2. Thế là cả nhà chị Nha gần chục người đã lên Hà Nội từ đêm 26 để đón anh Hải. Nhưng vì máy bay chưa thể cất cánh, phải chờ tại sân bay nên không về đúng hẹn. Cả gia đình chị Nga nóng lòng như lửa đốt, chờ đợi vật vạ tại sân bay cho đến gần trưa 27-2 mới nhận được thông tin đoàn sẽ hạ cạnh vào hơn 14g.
Lo lắng, khóc lóc chợt vỡ òa khi họ nhìn thấy nhau, những giọt nước mắt chảy xuống thay cho lời nói, tiếng cười, đó chính là hạnh phúc của ngày đoàn tụ.
Không như anh Hải, nhiều lao động lựa chọn cách trở về trong lặng lẽ, không thông báo với gia đình. Anh Dũng, quê Hà Tĩnh đã từ chối khi chúng tôi đề nghị cho mượn điện thoại thông báo về gia đình. Anh Dũng cho biết khi thoát khỏi Libya đã điện về nhà bảo sang nước khác an toàn và sẽ về nhưng còn lâu. Nói như vậy để gia đình yên tâm, đỡ lo lắng và đừng đi đón vì có biết về lúc nào đâu. Hơn nữa từ Hà Tĩnh ra Hà Nội khoảng 400km, đi lại, ăn ở là cả một khoản chi phí cho người thân.
Phóng to |
Công nhân lên xe của công ty đưa về ổn định chỗ ăn nghỉ trước khi về quê - Ảnh: Việt Dũng |
“Ngày đi đã vay mượn hàng chục triệu, giờ về nửa chứng thế này chưa biết đào đâu tiền trả nợ, giờ còn làm tội tình vợ con đi đón làm gì”, anh Dũng nói. Đó cũng là tậm trạng của không ít lao động trở về Việt Nam ngày hôm nay.
Bên cạnh niềm hạnh phúc về VN an toàn là một gánh nặng nợ nần, cơm áo chất chồng lên đôi vai của những người đàn ông đã một lần phải dứt áo ra đi vì cuộc sống gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận